Mặc dù mới ra mắt được hơn 1 năm, với nhiều thẩm quyền, đầu mối, nhân sự, khối lượng công việc…vượt trội so với mô hình Tòa phúc thẩm TANDTC trước đây; TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có nhiều thành tích nổi bật đáng ghi nhận.
TAND Cấp cao tại Hà Nội (tiền thân là Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội) mới được thành lập từ ngày 12/8/2015, theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014. Đơn vị có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ Hà Tĩnh trở ra). Hiện nay, TAND Cấp cao tại Hà Nội có 124 công chức, người lao động; trong đó có 26 Thẩm phán cao cấp, 44 Thẩm tra viên, 29 Thư ký và 25 công chức, người lao động. Năm 2016, đơn vị chuyển trụ sở làm việc mới, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, nhà thầu tiếp tục thi công… đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả công tác.
Thêm vào đó, có thể nói, năm 2016, số lượng vụ, việc mà TAND Cấp cao tại Hà Nội phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tăng cao, tính chất các vụ án và tranh chấp ngày càng phức tạp. Số lượng đơn đề nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền rất lớn, trong khi cán bộ làm công tác chuyên môn còn thiếu, chất lượng không đồng đều. Nhiều công chức của đơn vị và công chức được biệt phái đến TAND Cấp cao tại Hà Nội chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, nên có ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án cũng như ảnh hưởng đến việc triển khai các phong trào thi đua. Tuy nhiên, là đơn vị tập trung nhiều Thẩm phán có bản lĩnh chính trị, có trình độ, kinh nghiệm xét xử lâu năm, đó là điều kiện thuận lợi để TAND Cấp cao tại Hà Nội ngày càng vững mạnh. Phát huy truyền thống của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, đơn vị đã có nhiều bước đột phá trong phong trào thi đua, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử; tham gia công tác tổng kết xét xử; tham gia công tác giảng dạy để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của hệ thống TAND.
Trụ sở mới khang trang của TAND Cấp cao tại Hà Nội
Theo ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, để bảo đảm các mặt hoạt động của cơ quan đi vào nền nếp, đơn vị đã khẩn trương xây dựng và ban hành nhiều quy chế, quy định công tác. Đó là những văn bản hết sức thiết thực như: Quy định về quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Quy chế hoạt động của cơ quan; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế dân chủ cơ sở; Quy chế tiếp công dân... Bên cạnh đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đẩy mạnh các phong trào thi đua nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác.
Năm 2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục phúc thẩm 1.258 vụ việc; giải quyết 1.141 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 184 vụ. Kết quả bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng, đơn vị có 113 cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; 21 cá nhân đủ điều kiện được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, 1 cá nhân là “Chiến sỹ thi đua TAND”; có 8 tập thể là “Tập thể lao động xuất sắc”. Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Cụm VII TAND năm 2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội được suy tôn tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của TAND” và “Cờ thi đua của Chính phủ”.
Bên cạnh đó, để đạt được kết quả khả quan nêu trên, lãnh đạo TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cụ thể hóa phong trào thi đua sát thực và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Với đặc thù của TAND Cấp cao tại Hà Nội là hàng tháng phải tổ chức xét xử phúc thẩm tại trụ sở của đơn vị và xét xử lưu động tại các địa phương thuộc địa hạt quản lý nên đòi hỏi phải có sự phân công, bố trí một cách khoa học. Trong công tác xét xử phúc thẩm, lãnh đạo Tòa Cấp cao đã cải tiến việc phân công hồ sơ và phương pháp lên lịch phiên tòa. Không những thế, trong công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn và giải quyết các vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội ứng dụng phần mềm tin học vào việc quản lý từ khi nhận đơn cho đến khi có kết quả giải quyết. Ngoài ra, đơn vị còn ban hành nhiều mẫu văn bản tố tụng và phân công lãnh đạo phụ trách theo từng lĩnh vực, loại việc.
Cũng theo ông Phạm Văn Hà, sở dĩ đơn vị khắc phục được khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là do đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm đầy đủ các quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động. Quan trọng hơn, việc giải quyết, xét xử án phải đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Không để án quá thời hạn xét xử, không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, đảm bảo các bản án, quyết định phải đúng pháp luật và có tính khả thi. Đơn vị thực hiện tốt việc tranh tụng dân chủ tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; đưa ra xét xử kịp thời và nghiêm minh các vụ án hình sự lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm; đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trên cơ sở các phong trào thi đua đã phát động từ đầu năm, các đơn vị cơ sở trong TAND Cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể, có sức lôi cuốn toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị tự nguyện và nhiệt tình tham gia hưởng ứng, đạt hiệu quả. Các đơn vị đã tổ chức tốt việc tuyên truyền giáo dục truyền thống, xây dựng, biểu dương gương người tốt việc tốt, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.
Điều quan trọng nữa, theo ông Phạm Văn Hà, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nhằm đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017, đơn vị phải thường xuyên rà soát, đề nghị vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác. Làm được triệt để, công bằng vấn đề đó mới khuyến khích được cán bộ, công chức, người lao động hăng say với nhiệm vụ được giao.