TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Mạnh Cường| 10/05/2016 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 10/5, tại TP. Đà Nẵng, TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án 6 tháng cuối năm 2016. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Bùi Ngọc Hòa, Tống Anh Hào, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Thuân, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Văn Hạnh; các đồng chí lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cùng các Vụ thuộc TANDTC.

Về phía địa phương có ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng lãnh đạo các cơ quan đơn vị VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, Công an… cùng các đồng chí là Chánh án, Phó Chánh án của 63 tỉnh, thành trong cả nước.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tiếp tục thực hiện quyết liệt 5 giải pháp mang tính đột phá

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2016 của TAND do đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC thể hiện, trong 6 tháng đầu năm, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác trong bối cảnh kinh tế nước nhà còn gặp nhiều khó khăn, số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng do tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, năm 2016, với yêu cầu đặt ra là phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và chỉ tiêu đề ra, nhất là nhiệm vụ, yêu cầu, chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết số 111/2015QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và  các năm tiếp theo. Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và điều kiện cơ sở vật chất, việc triển khai Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng nhìn chung các Tòa án đã thực hiện công tác hiệu quả.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa báo cáo công tác Toà án 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2016, các Tòa án đã giải quyết 117.604 vụ án các loại trong tổng số 270.855 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 65,6%. Số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 19,33 vụ. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự trong 6 tháng qua về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết tốt vụ án, nên hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án tham nhũng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Lãnh đạo TANDTC chủ trì Hội nghị

Việc trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các Tòa án đã tổ chức 3.563 phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương nơi xảy ra vụ án, tăng 600 vụ so với cùng kỳ năm 2015, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân. Các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 234 vụ với 680 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, các Tòa án đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ trọng án về tham nhũng. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đều đảm bảo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và nhân thân của người phạm tội trong từng vụ án, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TAND trong 6 tháng qua còn thể hiện một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó, tỷ lệ án giải quyết còn thấp, nhất là án hành chính. Những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án tồn tại như vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa… Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán đối với tất cả các loại án mặc dù có giảm nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, đặc biệt là so với cùng kỳ năm 2015…

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Toàn cảnh Hội nghị

Để khắc phục những hạn chế này, lãnh đạo một số đơn vị cần phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm, triển khai kịp thời sâu rộng các kế hoạch mà cấp trên đề ra. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xử lý công việc nghiêm túc, trách nhiệm ở mỗi cán bộ, Thẩm phán đơn vị mình. Đặc biệt tiếp tục thực hiện quyết liệt 5 giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án và các mặt công tác khác…; Triển khai thực hiện tốt các Bộ luật cũng như các Nghị quyết thi hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, tiếp tục hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 để hoàn thiện TAND 4 cấp…; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý; Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện tốt các mặt công tác của Tòa án.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận sự đóng góp to lớn của hệ thống Tòa án nói chung và TAND hai cấp TP Đà Nẵng nói riêng vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của TP Đà Nẵng. Để thực hiện tốt chức năng của mình, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng xét xử kịp thời và nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm về an ninh trật tự, ma túy, tham nhũng… góp phần thiết thực vào việc tăng cường kỷ cương phép nước, trật tự an toàn xã hội, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Thời gian tới, Bí thư Thành ủy hy vọng các đơn vị Tòa án tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và hoàn thành tốt công tác trong thời gian tiếp theo.

Phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã tạo điều kiện để hệ thống Tòa án nói chung và TAND hai cấp TP. Đà Nẵng nói riêng hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình, đồng thời trong thời gian tới mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP. Đà Nẵng.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng với khối lượng công việc tập trung rất lớn, trong đó có nhiều việc cấp bách, dồn dập, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014…gặp không ít khó khăn, trở ngại khách quan nhưng các Tòa án đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án trong 6 tháng qua cũng còn có những hạn chế, thiếu sót, như: tỷ lệ giải quyết các loại vụ án nhìn chung còn chưa cao, đặc biệt là tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính; tiến độ giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử còn chậm được nghiên cứu, hướng dẫn; công tác tổng kết thực tiễn xét xử thực hiện chưa hiệu quả; một số vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND, nhất là trong tổ chức các Tòa chuyên trách và bộ phận giúp việc tại các TAND cấp tỉnh và cấp huyện chậm được hướng dẫn, tháo gỡ; cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại các Tòa án mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra... Những hạn chế, thiếu sót này có những nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan thuộc về các Tòa án. Trong báo cáo cũng như qua ý kiến phát biểu của các đại biểu đã phân tích làm rõ, Chánh án TANDTC đề nghị trong thời gian tới cần đề ra những giải pháp thực sự hiệu quả để khắc phục những vấn đề thuộc về chủ quan của các Tòa án, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ những trở ngại khách quan, giúp các Tòa án hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án

Đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác của các Tòa án trong thời gian tới, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, Chánh án nhất trí với các nội dung đã được xác định trong dự thảo báo cáo, qua đó cho thấy trong thời gian tới, các Tòa án cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, cần quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tiếp tục thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình phục vụ tốt cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 -2021.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, mang lại công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ tư, tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án, trong đó chú trọng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của các luật này; làm tốt công tác quán triệt và tập huấn các văn bản pháp luật mới cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án các cấp. Đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc triển khai lựa chọn, phát triển án lệ.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Thứ sáu, tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo trụ sở TAND các cấp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; củng cố và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án các cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.

Thứ tám, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình của cán bộ, đảng viên Tòa án các cấp theo tinh thần Nghị quyết TW4; kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”; gắn với chủ đề thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Thường xuyên rà soát, đề nghị vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, những vấn đề nêu trên đó là các nhiệm vụ chính trị mang tính chất bao trùm, định hướng chung, tuy nhiên đi vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, cần lưu ý một số điểm cụ thể như sau: Nghị quyết số 49-NQ/TW  Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định Tòa án là trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp và hoạt động xét xử là trọng tâm. Hiến pháp năm 2013 cũng đã xác định Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Thẩm phán TAND do Chủ tịch nước bổ nhiệm, riêng Thẩm phán TANDTC phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi trình Chủ tịch nước bổ nhiệm. Như vậy, vị trí, vai trò của của Tòa án cũng như địa vị pháp lý của Thẩm phán đã được xác định với một vị thế mới, quan trọng.

Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định nhiều nội dung mới, tiến bộ, như việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bổ sung, làm rõ một số nguyên tắc liên quan tới hoạt động của các Tòa án, như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc độc lập xét xử…. Pháp luật tố tụng đã cụ thể hóa những nguyên tắc này đồng thời có những quy định mới mở rộng thẩm quyền đối với các Tòa án, đặc biệt Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, các Tòa án phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc này để đảm bảo thực sự là chỗ dựa cho người dân trong bảo vệ công lý.

"Có thể thấy rằng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho các Tòa án là rất nặng nề, rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đòi hỏi TAND các cấp cần có quyết tâm cao và đề ra những giải pháp thật sự hiệu quả trong quá trình thực hiện. Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND các cấp, chúng ta sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án