TAND các cấp: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động

Trần Quang Huy| 25/05/2015 13:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc tăng cường tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong nhân dân là một trong những nhiệm vụ luôn được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo Tòa án các cấp chú trọng thực hiện.

Tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xét xử lưu động, nên các TAND đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, không ngừng tăng cường và chú trọng thực hiện tốt công tác xét xử lưu động. Theo số liệu của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC thì trong những năm qua, số lượng các vụ án được đưa ra xét xử lưu động tăng dần qua các năm. Cụ thể là năm 2012 các Tòa án đã tổ chức 7.817 phiên tòa xét xử lưu động, chiếm tỷ lệ 12% trong tổng số các vụ án hình sự đã xét xử; năm 2013 là 9.690 phiên tòa lưu động, chiếm tỷ lệ 14,6%; năm 2014 là 9.256 phiên tòa lưu động, chiếm tỷ lệ 14,05%. Mỗi vụ án mà Tòa án đưa ra xét xử lưu động thường thu hút số lượng lớn người dân tham dự, chứng kiến. Những phiên tòa lưu động do Tòa án cấp huyện xét xử thường thu hút khoảng từ 100 - 200 người dân. Có vụ án trên địa bàn tỉnh Sơn La, phiên tòa lưu động do TAND tỉnh xét xử có khoảng trên 300 người dân đến xem; có vụ án ma túy do TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử lưu động thu hút được hàng nghìn người dân tham dự…

Để đảm bảo chất lượng các phiên tòa lưu động, Tòa án các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phiên tòa, như: lựa chọn các vụ án để đưa ra xét xử lưu động, chọn địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau phiên tòa. Đồng thời, tên vụ án, thời gian, địa điểm xét xử cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết và đến theo dõi phiên tòa.

Trên thực tế, những vụ án được Tòa án lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án điểm, những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: Mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, giết người; những vụ án dân sự mang tính chất phức tạp, quan hệ tranh chấp hay xảy ra trong đời sống nhân dân: Tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản... Mặc dù có đông người tham dự phiên tòa, nhưng do được chuẩn bị kỹ và việc triển khai tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và ban, ngành ở địa phương nên các phiên tòa lưu động luôn được bảo đảm về an ninh, chưa xảy ra vụ việc gây rối hoặc gây mất trật tự tại phiên tòa.

Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa lưu động

Việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động mang tính trực quan sinh động, vì vậy, phiên tòa là nơi tốt nhất để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong nhân dân. Địa điểm mở phiên tòa thường được lựa chọn để xét xử là nơi xảy ra vụ án hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú; nơi có tài sản tranh chấp; nơi thuận tiện giao thông, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các đơn vị cũng căn cứ vào tính chất, nội dung vụ án để tập trung đối tượng cần được chú trọng tuyên truyền pháp luật, từ đó lựa chọn địa điểm xét xử phù hợp. Thời gian tổ chức xét xử lưu động cũng là một vấn đề được các Tòa án rất quan tâm vì thời gian xét xử phải phù hợp mới tập trung được đông đảo người dân đến tham dự phiên tòa, công tác tuyên truyền pháp luật mới phát huy được hiệu quả. Do đó, Tòa án không mở phiên tòa xét xử lưu động ở nông thôn vào lúc gieo trồng, thu hoạch hoặc khi chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện các công tác đột xuất. Một trong những vấn đề quan trọng luôn được các Tòa án quan tâm thực hiện là căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án, các Hội đồng xét xử lồng ghép các văn bản pháp luật cần thiết, sát với tính chất của vụ án để phổ biến tại phiên tòa.

TAND các cấp: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động

Phiên tòa xét xử lưu động thu hút rất đông người dân tham dự

Bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, Tòa án tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật. Khi phiên tòa xét xử được tổ chức, Tòa án luôn tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, thông qua phiên tòa, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm; nâng cao trình độ nhận thức, ý thức về pháp luật, củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua việc giải quyết, xét xử từng vụ án, các quy phạm pháp luật đến với cộng đồng dân cư một cách cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, nên đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân.

Cần tạo điều kiện cho Tòa án trong việc tuyên truyền pháp luật

Trong thời gian vừa qua, mặc dù việc tổ chức những phiên tòa lưu động đã được các Tòa án quan tâm, chú trọng, nhưng ở một số nơi công tác này cũng còn hạn chế, nên chưa phát huy tốt công tác tuyên truyền pháp luật. Một trong những nguyên nhân là do các Tòa án chưa có phương tiện chuyên dụng để phục vụ xét xử lưu động. Nhiều địa điểm xét xử lưu động cách xa trụ sở, đặc biệt là khu vực miền núi có địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn nên việc chuyên chở các thiết bị phục vụ cho phiên tòa (vành móng ngựa, loa, tăng âm, tài liệu, vật chứng…) phải bằng ôtô; trong khi đó TAND cấp huyện lại chưa được cấp xe ôtô nên phải thuê, rất tốn kém và không bảo đảm tính chủ động. Có đơn vị, do kinh phí hạn hẹp nên đành phải sử dụng xe máy để vận chuyển tài liệu, hồ sơ vụ án nên không bảo đảm an toàn, thiếu sự uy nghiêm, thiếu tính chuyên nghiệp. Mặt khác, hoạt động xét xử của Tòa án cũng là nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, tuy nhiên một số nơi chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí, phương tiện để Tòa án tổ chức xét xử lưu động.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa mong muốn thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi và rút kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử cũng như kỹ năng tuyên truyền pháp luật tại phiên tòa để rút ra những ưu điểm, hạn chế, những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng xét xử nói chung và hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa nói riêng. Việc tổ chức các phiên toà lưu động, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự, Tòa án rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trách nhiệm giữa Toà án, Viện kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương nơi đưa vụ án ra xét xử lưu động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên tòa về mặt an ninh, trật tự.

Một vấn đề được Tòa án rất quan tâm hiện nay, đó là các cơ quan có thẩm quyền cần sớm trang bị ôtô cho các TAND cấp huyện để thuận lợi hơn trong việc tổ chức xét xử lưu động; đồng thời hỗ trợ về cơ sở vật chất, tăng thêm kinh phí xét xử lưu động và các chính sách hỗ trợ khác, có như vậy thì việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua phiên tòa xét xử lưu động mới ngày càng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND các cấp: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động