TAND các cấp chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp tại Tòa án

Trần Quang Huy| 17/07/2015 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định của BLTTDS, hòa giải được coi là nguyên tắc cơ bản trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Tòa án đóng vai trò là trung gian hòa giải, giúp đỡ các bên đương sự thỏa thuận giải quyết vụ án.

Thực hiện thủ tục hòa giải sẽ bảo đảm tối đa quyền tự định đoạt của đương sự; đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân, giúp Tòa án xác định phương hướng giải quyết vụ án có lý, có tình.

Vai trò của công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp

Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua sự tác động, giúp đỡ của chủ thể thứ ba đóng vai trò trung gian hòa giải, làm cho các bên tranh chấp tự nguyện chấm dứt tranh chấp bằng thỏa thuận và nội dung thỏa thuận của các bên không được trái pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Theo quy định của BLTTDS thì hòa giải vừa là nguyên tắc cơ bản của việc giải quyết vụ án theo thủ tục TTDS, vừa là chế định quan trọng của pháp luật TTDS. Đây là phương thức giải quyết vụ án bằng chính sự thỏa thuận, thương lượng của đương sự; nếu việc hòa giải thành công sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm kinh phí giải quyết tranh chấp cho cả Nhà nước và các đương sự.

Theo quy định của BLTTDS thì: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự”. Như vậy, trong việc giải quyết vụ án dân sự, Tòa án đóng vai trò là trung gian hòa giải, giúp đỡ các bên đương sự thỏa thuận giải quyết vụ án. Điều này có nghĩa, hòa giải là sự tự nguyện thỏa thuận và thương lượng giữa các đương sự về việc giải quyết vụ án với sự giúp đỡ của Tòa án nhằm hướng sự thỏa thuận giữa các đương sự đúng pháp luật và chính sách của Nhà nước.

TAND các cấp chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp tại Tòa án

TAND quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội hòa giải giữa các đương sự trong một vụ án tranh chấp đất đai

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hòa giải là một thủ tục đặc trưng và mang tính bắt buộc trước khi mở phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án mà pháp luật quy định phải hòa giải. Khi tiến hành hòa giải, Tòa án thực hiện theo một trình tự và thủ tục nhất định để giải thích pháp luật làm cho các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình nhằm mục đích hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp. Thực hiện thủ tục hòa giải sẽ bảo đảm tối đa quyền tự định đoạt của đương sự; đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân, giúp Tòa án xác định phương hướng giải quyết vụ án có lý, có tình. Việc hòa giải thành sẽ giúp cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Thực trạng công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp tại Tòa án

Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật dân sự, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Triển khai quy định trên, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự trong thời gian qua cho thấy, các Tòa án đã chú trọng tới công tác hòa giải và đã hòa giải thành được số lượng lớn các vụ việc cần giải quyết. Các cán bộ Tòa án kiên trì hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới đưa vụ án ra xét xử. Quá trình hòa giải, Thẩm phán luôn dành thời gian phù hợp cho các bên trình bày rõ quan điểm của mình, giải thích vụ việc tranh chấp một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Tòa án cũng đặt vấn đề cho các bên đương sự suy nghĩ, tự thương lượng, thỏa thuận, làm cho họ thấy rõ lợi ích của việc hòa giải được với nhau mà không cần Tòa án xét xử. Chính vì vậy, tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành của TAND các cấp tăng dần qua các năm. Năm 2014, các Tòa án đã hòa giải thành 137.437 vụ việc trong tổng số 254.966 vụ việc dân sự, đạt tỷ lệ 54%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn hoạt động hòa giải tại TAND các cấp trong giải quyết vụ án dân sự vẫn bộc lộ vướng mắc, khó khăn, đó là một số quy định của BLTTDS hiện hành về thủ tục hòa giải còn chưa rõ hoặc mang tính chất chung chung dẫn đến khó áp dụng trên thực tế. Điều 184 BLTTDS quy định “Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải”. Như vậy, điều này chỉ quy định “có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải” mà không quy định cụ thể về số lần tối đa đương sự được vắng mặt có lý do chính đáng hoặc trường hợp đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án xử lý như thế nào. Việc không quy định trường hợp các đương sự đã được triệu tập hợp lệ tới phiên hòa giải đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt (tương tự như quy định về sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa) thì bị coi là hòa giải không thành. Chính vì quy định chung chung nên Thẩm phán còn lúng túng khi giải quyết; không ít trường hợp, các đương sự lạm dụng sự vắng mặt để trì hoãn việc giải quyết vụ án dẫn đến vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 275 BLTTDS thì một trong những thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm là “Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”. Như vậy, đối với trường hợp bản án sơ thẩm bị hủy một phần hoặc toàn bộ để chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm có cần tiến hành hòa giải lại hay không đang là vấn đề cần được quy định rõ, mang tính nguyên tắc. Có Tòa án sau khi thụ lý giải quyết lại vụ án vẫn tiến hành hòa giải, nhưng một số Tòa án lại không tiến hành hòa giải vì cho rằng việc tổ chức hòa giải lại không hiệu quả với lập luận rằng, khi vụ án đã bị kéo dài như vậy thường thì mâu thuẫn giữa các bên là rất trầm trọng và họ không chấp nhận hòa giải với nhau. Do đó, việc hòa giải chỉ làm kéo dài thời gian tiến hành tố tụng, gây tốn kém kinh phí của Nhà nước và của các bên.

Cần hoàn thiện pháp luật về hòa giải trong TTDS

Chế định hoà giải đã được quy định từ lâu song chưa có tính hệ thống mà nằm rải rác ở nhiều văn bản hoặc ở nhiều điều khoản khác nhau của một văn bản. BLTTDS là văn bản có hiệu lực cao nhất quy định về các thủ tục tố tụng khi giải quyết, xét xử các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, những quy định về hòa giải tại BLTTDS hiện hành cũng chưa có tính hệ thống, chưa cụ thể, còn nhiều hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải quyết các vụ án dân sự. Vì vậy, việc hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng về hòa giải là rất quan trọng và là một trong những giải pháp hàng đầu để đẩy mạnh công tác hòa giải các tranh chấp tại Tòa án trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế, hòa giải do Tòa án tiến hành chỉ được quy định tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm; đối với giai đoạn phúc thẩm, BLTTDS chỉ quy định về việc Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi họ tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự mà chưa có quy định về thủ tục hòa giải trong giai đoạn này, cũng như giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là những vấn đề cần được pháp luật quy định cụ thể để có cơ sở pháp lý tiến hành hòa giải, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này tại Tòa án. Ngoài ra, BLTTDS chưa có những quy định riêng về hòa giải đối với một số tranh chấp đặc thù như tranh chấp hôn nhân gia đình, thừa kế, đất đai, lao động và kinh doanh thương mại... Việc pháp luật không có những quy định riêng về hòa giải đối với những tranh chấp có tính đặc thù này đã làm hạn chế hiệu quả của công tác hòa giải đối với mỗi loại tranh chấp đó. Để đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác hòa giải, nên có những quy định riêng phù hợp với tính đặc thù của mỗi loại tranh chấp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hòa giải cho các Thẩm phán, vì người làm công tác xét xử không chỉ cần nắm vững pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thông thạo mà còn phải nắm được tâm lý của đương sự, phản ứng nhanh nhạy thì mới có thể tạo dựng được lòng tin của các đương sự trong quá trình hòa giải. Ngoài tập huấn, bồi dưỡng cũng cần tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi phương pháp hay, sáng tạo để các Thẩm phán có cơ hội học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm trong công tác hòa giải.

Ngoài ra, các Tòa án cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải tại Tòa án như: Cần bố trí phòng hòa giải với vị trí hợp lý cho những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, tạo ra sự trang nghiêm nhưng không quá xa cách giữa những người tham gia buổi hòa giải. Mục đích chính của việc hòa giải là hàn gắn những mâu thuẫn giữa các bên đương sự và tạo cơ hội, điều kiện để họ tự thương lượng với nhau trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Muốn vậy, các Thẩm phán cần phải biết phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức có chức năng trợ giúp pháp lý, có nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực tranh chấp để những người này cùng tham gia vào quá trình hòa giải tại Tòa án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND các cấp chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết các tranh chấp tại Tòa án