Gần 600.000 doanh nghiệp hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, đã và đang làm cho nền kinh tế của đất nước phát triển cân đối, bảo đảm ổn định vĩ mô, từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững.
Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, Người nêu rõ vai trò quan trọng của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Người khẳng định: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.
Trong lúc chế độ dân chủ cộng hòa vừa mới được thiết lập, Nhà nước công nông non trẻ đang phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt mối quan tâm to lớn vào “nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng". Đây có thể xem là nền tảng cho việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, không lệ thuộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đất nước ta phải trải qua biết bao khó khăn trong suốt 30 năm đánh giặc ngoại xâm, doanh nghiệp, doanh nhân không có nhiều cơ hội để phát triển. Chỉ đến khi Luật Doanh nghiệp 1999 được thực hiện, hàng ngàn doanh nghiệp mới ra đời và phát triển, tạo điều kiện hình thành nên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng hùng mạnh. Đó là điều kiện để gần 50 năm sau, ngày 13/10/2004, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”; không chỉ để nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước mà còn nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các chủ doanh nghiệp bên lề hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vào 4/2016
Trong những năm qua, nhất là giai đoạn đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Chính phủ triển khai thực hiện nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác kinh tế với các nước, vai trò quan trọng của doanh nghiệp và doanh nhân được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Đảng và Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tầm, đủ tài, đủ sức trong quá trình hội nhập quốc tế; nhằm làm cho doanh nhân thực sự là người lính xung kích trên “chiến trường kinh tế” trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, gần 600.000 doanh nghiệp hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, đã làm cho nền kinh tế của đất nước phát triển cân đối, bảo đảm ổn định vĩ mô, từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững; góp phần quyết định vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Nước ta đã, đang và sẽ triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu hay với EU cùng nhiều nước khác; và sau này có thể cả với TPP. Điều kiện khách quan đó đòi hỏi phải nâng trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Doanh nghiệp, doanh nhân phải thực sự chủ động và tích cực trong hội nhập. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp “Phải vươn tới chuẩn mực quốc tế; Phải liên kết; Phải chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”. Chỉ có tầm nhìn xa trông rộng trong việc hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh cùng với phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, khoa học thì doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mới có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để phát triển.
Trên con đường hội nhập đầy thử thách, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Điều này thể hiện rõ qua chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời của Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương. Nhiều doanh nhân đã rất phấn khởi khi nghe các cam kết đầy trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho, thực hiện nền hành chính công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho doanh nghiệp theo tinh thần hành động, phục vụ, kiến tạo và liêm chính. Từ Chính phủ đến mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, mỗi cán bộ công chức đều hiểu rằng, trong cuộc hội nhập sâu rộng hiện nay, sự thắng thua, thành bại của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là ý chí chính trị của Chính phủ mà nó được quyết định bởi những suy nghĩ, hành động, ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi cấp và của chính các doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, Nhà nước mới thực sự là chỗ hậu thuẫn cho doanh nghiệp, doanh nhân, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân trên thương trường – đấu trường quốc tế.
Đó cũng chính là phát huy tinh thần “tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bức thư của Người gửi cho giới công thương cách nay 71 năm.