Tản mạn về con khỉ

Đỗ Sơn Hà| 10/02/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khỉ là tên gọi chung về những loài động vật thuộc lớp thú, bộ linh trưởng. Trong 12 con giáp,Thân là con khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Loài khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm thân, tháng thân, ngày thân,giờ thân.

Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được người đời nhắc đến, Ở Nam Bộ, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước được gọi là cầu khỉ.

Khỉ có ba nhóm lớn, là khỉ Tân Thế giới, khỉ Cựu Thế giới, khỉ không đuôi; có khoảng 264 loài khỉ đã bị tuyệt chủng. Trong ngữ cảnh bình dân thì một số loài giống khỉ không đuôi như tinh tinh hay gibbonl thường được gọi là khỉ, tuy rằng các nhà sinh học không xếp chúng vào các loài khỉ. Không như các loài động vật lớp thú khác khỉ có chỉ số thông minh tương đối cao và chỉ xếp sau chỉ số thông minh của người, các nhà khoa học y tế đã lấy khỉ làm vật thí nghiệm cuối cùng để thử các loại vaccin trước khi sử dụng thuốc để chữa bệnh cứu người.

Tản mạn về con khỉ

Tình đồng loại

Tình mẫu tử như vậy, còn tình đồng loại thì sao, tôi xin kể một câu chuyện về tình đồng loại của khỉ: một chú khỉ đã bất tỉnh do bị ngã khi leo trên đường dây điện cao thế và rơi xuống đường ray tàu hỏa ở một ga tàu miền bắc Ấn Độ. Nếu chú khỉ không tỉnh dậy trước khi đoàn tàu chạy qua và nghiến nát, thấy vậy, con khỉ còn lại đã ra sức lay mạnh, đánh, tát, thậm chí cắn lên đầu bạn để mong bạn tỉnh dậy nhưng mọi thứ dường vô nghĩa. Cuối cùng, nó quyết định kéo bạn ra vũng nước cạnh đó, với nỗ lực không ngừng trong 20 phút, chú khỉ đã tỉnh. Tuy nhiên do quá yếu nên chú không thể di chuyển. Và chú khỉ lại cố hết sức kéo bằng được bạn ra khỏi đường ray cũng vừa lúc đoàn tàu chạy tới.  Người ta đã chứng kiến và kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện cảm động về khỉ cứu bạn khi đồng loại bị tai nạn.

Trong xã hội đương đại loài người, nhiều người chứng kiến cuộc ẩu đả, người tai nạn giao thông bị thương… đang khẩn thiết kêu cứu người xung quanh trợ giúp. Nhưng, đáp lại lời cầu cứu đó, người bị nạn lại nhận được sự vô cảm, thờ ơ lảng tránh của một số người ở đó. Dư luận rất bức xúc phê phán về thái độ vô cảm thờ ơ lảng tránh của những người chứng kiến cảnh tượng đó.

Khỉ không thông minh và suy nghĩ đắn đo cao siêu như người, nhưng tình yêu đồng loại, cứu giúp đồng loại khi gặp nạn của loài khỉ thật cảm động đáng để loài người suy nghĩ, từ đó mỗi người tự thay đổi hành vi vô cảm, thờ ơ rồi có những việc làm thân thiện giúp đỡ nhau trong hoạn nạn dù bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Tản mạn về con khỉ

Tình mẫu tử

Không kể đến loài người thì trong các loài động vật có vú nuôi con bằng sữa, khỉ chính là loài động vật có tình mẫu tử mẫu mực nhất. Các nhà nghiên cứu về động vật đã chứng kiến sự âu yếm, chăm sóc khỉ con mới sinh nở hay còn bé bỏng chẳng khác gì như người mẹ chăm con của người. Khi cho khỉ con bú, khỉ mẹ dùng bàn tay xoa trên đầu vú để phủi bụi, rồi dùng bàn tay nâng vú, vuốt vú dồn sữa để khỉ con được bú thoải mái, được bú no hoặc mỗi khi trời mưa, trời rét khỉ mẹ đã ôm khỉ con vào lòng che chở ủ ấm cho con. Chẳng may khỉ con ốm đau, khỉ mẹ rất lo lắng rồi tự tìm lá cây về nhai, đập nát lấy nước cho khỉ con uống hoặc đắp vào chỗ đau.

Người ta kể rằng, một chú khỉ con chẳng may bị đuối nước chết, hoặc bị điện giật chết không chỉ khỉ mẹ gào khóc, ôm con vào lòng mà còn cả khỉ bố, bầy khỉ kêu gào buồn không muốn ăn, ủ rũ thẫn thờ như mất mát cái gì quá lớn đến với bầy khỉ.

Nhiều câu chuyện kể cảm động về tình mẫu tử của loài khỉ đã gây xúc động đến hàng triệu triệu người, tình mẫu tử của khỉ cũng để chúng ta suy ngẫm lắm

Khỉ hay bắt chước

Khỉ có đặc tính giống loài người, thuộc loài có vú, sinh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, cho nên thường bắt chước loài người. Từ đặc điểm hay bắt chước người, nên nhiều gia đình đã chăm sóc nuôi khỉ dạy và hướng dẫn khỉ làm một số việc phụ cho gia chủ, nhiều gia chủ đã coi khỉ như người giúp việc trong gia đình.

Nhiều người đã đi xem xiếc thấy các chú khỉ biểu diễn tiết mục: đi xe đạp, đạp xích lô, tát nước gầu dây, gầu sòng, đi thăng bằng, phi ngựa, đi xe đạp một bánh, khiêu vũ… chẳng khác như nghệ sĩ xiếc thực thụ. Để có những tiết mục xiếc khỉ hấp dẫn các nghệ sĩ đã dành nhiều thời gian công sức để huấn luyện khỉ, khi biểu diễn các tiết mục xiếc khỉ đã đem lại cho người xem những tiếng cười nhất là các cháu thiếu nhi chăm chú xem và dành những tràng vỗ tay ròn rã.

Khỉ hay bắt chước người, liệu có lúc nào ta tự vấn loài người có bắt chước khỉ không? Xin thưa với bạn đọc rằng loài người cũng bắt chước khỉ đấy chứ, cụ thể là: chứng kiến khỉ mẹ khi thấy con bị thương, ốm đau đã tự tìm lá cây để nhai, đập nát vắt lấy nước lá cho khỉ con uống hoặc đắp lá vào vết thương, chỉ thời gian ngắn khỉ con khỏi ốm, vết thương lành. Qua nhiều lần quan sát loài người cũng lấy các lá cây mà khỉ đã lấy về bào chế làm thuốc chữa bệnh. Chúng ta đã xem phim Tây Du ký, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đã dành nhiều thời gian quan sát các hoạt động, sinh hoạt của bầy khỉ rồi từ đó khổ công tập luyện và bắt chước các động tác của khỉ, đã đóng vai Tôn Ngộ Không rất thành công.

Đảo khỉ ở Việt Nam

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho các động thực vật sinh trưởng, trong đó có khỉ. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên trong đó có đảo khỉ, như: đảo khỉ Hoa lan ở Long Phú - Nha Trang; đảo khỉ Cát Bà thuộc Hải Phòng, đảo khỉ ở bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, đảo khỉ Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh; Đảo khỉ ở vịnh Bái Tử Long - Quảng Ninh.

Tại các đảo khỉ này, người ta đã nuôi rất nhiều khỉ vừa để bảo tồn loài khỉ phục vụ cho khách du lịch đến đây được hòa mình vui đùa với khỉ, lại vừa lấy khỉ làm vật thí nghiệm trong nghiên cứu thuốc.

Tản mạn về con khỉ

Đảo khỉ ở Cát Bà nằm cách thị trấn Cát Bà khoảng 1 km đường chim bay. Để đến đảo khỉ, khách du lịch thường đi thuyền từ bến Bèo mất khoảng 10 phút đi qua làng chài Cái Bèo, qua mấy hòn đảo nhỏ rồi tiến thẳng ra đến đảo khỉ.

Đảo Rều hay còn gọi đảo Khỉ nằm ven vịnh Bái Tử Long cách cảng Vũng Đục khoảng 1km. Đảo Khỉ là hòn đảo độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nơi đây đã và đang nuôi dưỡng hàng ngàn con khỉ trong điều kiện bán hoang dã để phục vụ cho những thí nghiệm khoa học, sản xuất vaccin và nhiều sinh phẩm y tế phục vụ cho sự nghiệp cứu người…

Có nhiều câu chuyện lý thú về khỉ, người viết xin kể một số câu chuyện tản mạn về khỉ và mong muốn để nhà nhà, người người đón tết vui xuân Bính Thân cùng nhau suy ngẫm.

Kẻ ăn cắp siêu hạng tinh nghịch

Một nhóm nữ đến thăm đảo khỉ thấy bãi cát vàng mịn, nước trong xanh nên đã cởi đồ xuống tắm tiên. Nhưng khi lên bờ không thấy nội y đâu, các cô gái không hiểu vì sao nội y bị mất hay gió biển làm bay, họ nháo nhào đi tìm khi trên mình không mảnh vải che thân. Bất chợt họ nhìn thấy trên cây các chú khỉ tranh nhau mặc nội y, lúc đó họ mới hiểu ra là khỉ hay bắt chước nên mới xảy ra sự cố đáng cười này.

Tản mạn về con khỉ

Một chuyện khác, một nhóm du khách nước ngoài đến thăm đảo khỉ, họ chụp ảnh lưu niệm và mua quà, khi móc ví thanh toán tiền thì không thấy ví và máy ảnh. Họ nhìn quanh thấy chú khỉ cầm ví và đang loay hoay chụp ảnh cho nhau, lúc này họ mới vỡ lẽ chính các chú khỉ kia là kẻ ăn cắp siêu hạng tinh nghịch

Các bạn cần nhớ rằng: khỉ rất tinh nghịch, láu lỉnh hay bắt chước việc làm của người, nếu đến thăm đảo khi hoặc đi vào khu bảo tồn động vật, vườn thú cần phải cẩn thận với các tư trang của mình nhất là khi vui đùa với khỉ để tránh mất đồ.

Ghen tuông của khỉ

Chiều tối 14-5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận bệnh nhân Hồ Phạm Tuấn nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng vết thương ở cổ tay hết sức phức tạp. Bệnh nhân có vết thương hở 10x12 cm ở cổ tay phải, đứt động mạch trụ, động mạch quay, dây thần kinh và toàn bộ gân gấp cẳng tay… nên được chỉ định phẫu thuật ngay, nếu không sẽ bị hoại tử, ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp và kéo dài đến 5 giờ.

Tản mạn về con khỉ

Nguyên nhân nào dẫn đến anh Hồ Phạm Tuấn bị thương như vậy, theo người nhà bệnh nhân cho biết, anh Tuấn bị thương là do con khỉ đuôi lợn, được gia đình nuôi 8 năm nay và nặng khoảng 20kg. Bình thường con khỉ rất hiền lành nhưng gần đây con khỉ thấy anh Tuấn thường bồng cháu nên nổi cơn ghen. Khoảng 16 giờ 30 ngày 14-5, khi anh Tuấn vừa đưa tay bế con khỉ thì bất ngờ bị nó cắn vào tay phải. Sau khi nổi cơn ghen và tấn công anh Tuấn, con khỉ nhảy phốc lên cây. Để tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc, công an xã phải dùng súng điện để hạ gục con khỉ.

Loài khỉ cũng nổi máu ghen đấy chứ đâu chỉ có loài người mới có máu ghen. Qua câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta phải thận trọng khi chăm sóc và đối xử hài hòa với các loài thú nuôi trong nhà.

Khỉ - vật thí nghiệm để sản xuất thuốc

Đảo Rều ờ vịnh Bái Tử Long có Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, Trung tâm đã nuôi hàng ngàn con khỉ, khỉ ở đây là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata, loài khỉ vàng này có cơ thể tương đối sạch, ít bị nhiễm các mầm bệnh hơn các loài khỉ khác, mỗi năm trên đảo có khoảng 150 khỉ con được ra đời. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con, mỗi đàn có một con đầu đàn gọi là khỉ chúa, là con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa thường sở hữu đến 3 - 4 khỉ cái...

Mỗi lần thử nghiệm có từ 30 đến 50 con khỉ khoảng 1 năm tuổi, chúng được tiêm, được uống, được chăm sóc, nuôi nhốt theo dõi hết sức cẩn thận trong quá trình nghiên cứu. “Chúa đảo” chia sẻ: “khỉ ở đây thông minh và nó cũng có linh cảm như con người, khi chúng tôi bắt chúng để chuẩn bị "hiến thân" nó cũng khóc, cũng buồn rầu và sợ hãi, những khi cho nó uống thử vaccin thì nhiều con cũng gan lỳ, phản đối lắm nhưng nó cũng biết nhìn vào ánh mắt của cán bộ để xử sự đấy”. Để có thể sản xuất hàng triệu liều vaccin phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1 giúp chúng ta ngăn ngừa mầm mống dịch bệnh, chống chọi với những đại dịch. Không chỉ lấy khỉ làm vật thí nghiệm cho nghiên cứu về thuốc, người ta còn lấy xương khỉ nấu thành cao xương khỉ hoặc lấy thịt khỉ và xương khỉ nấu thành cao toàn tính. Cao khỉ hơi mặn, mùi tanh, tính bình, vào các kinh phế, đởm, can, trong cao khỉ có nitơ toàn phần, acid amin, clor, calci, phosphor… cao khỉ có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân cốt, tăng tủy dùng rất tốt đối với người kém ăn, kém ngủ, thiếu máu, gầy yếu, da xanh vàng.

Hình ảnh khỉ trong ca dao tục ngữ

Trong 12 con giáp, Thân là con khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Loài khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được người đời nhắc đến, Ở Nam Bộ, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước được gọi là cầu khỉ.

 Từ ngữ về con khỉ chủ yếu xuất hiện trong văn hóa của các dân tộc châu Á. Một số thành ngữ, tục ngữ như: Khỉ ho cò gáy: chỉ chốn hoang vu không người ở; Giết gà dọa khỉ; Rung cây nhát khỉ; Làm trò khỉ: Chế giễu những người hay pha trò, bắt chước, làm trò hề; Trời sinh con khỉ ở lùm/Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông; Khỉ bồng con lên non kiếm trái/Cảm thương nàng phận gái mồ côi; Mặt nhăn như khỉ; Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà; Khỉ gió, khỉ khô, khỉ mốc: Những câu rủa, câu mắng; Đồ khỉ hay đồ khỉ gió: ám chỉ người không đứng đắn, nghiêm túc, hay nghịch ngợm; Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo...

Trong các nền văn hóa hiện đại, hình ảnh con khỉ biểu tượng như là sự nghịch ngợm, tinh nghịch, láu lỉnh, trộm cắp, nhanh nhẹn nhưng cũng có những con khỉ đã trở thành biểu tượng thần thánh như Tôn Ngộ Không, Hanuman. Ở phương Tây, hình ảnh con khỉ trong nền văn hoá phương Tây khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư... cho đến khi xuất hiện nhân vật King Kong là con khỉ đột khổng lồ trong bộ phim khoa học giả tưởng của đạo diễn Mỹ Ernest B. Schoedsack. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn về con khỉ