Uống rượu, bia không chỉ là một sở thích, thói quen, mà có thể được như một “nét văn hóa” trong cuộc sống hiện nay. Ấy là văn hóa nhậu.
Ở phương Tây hay tại các buổi chiêu đãi nhẹ sau khi kết thúc mỗi hội nghị, hội thảo quốc tế, việc các khách mời tay cầm ly rượu vang vừa nhấm nháp thưởng thức, vừa thảo luận, chia sẻ chuyên môn không còn là chuyện lạ. Còn tại các bữa tiệc từ tại gia cho đến chốn văn phòng, dù to, dù nhỏ - nhưng đã gọi là tiệc thì - bia rượu hiện gần như là một phần… tất yếu.
Nói cách khác, uống rượu - bia có thể được xem là một “nét văn hóa” không thể thiếu trong cuộc sống. Ấy là văn hóa… nhậu! Và để được xem là người sành rượu thì đòi hỏi phải tri kỳ vị (biết vị của rượu); tri kỳ hương (biết hương thơm của rượu); tri kỳ ảo (biết sự huyền ảo); tri kỳ linh (biết cái linh hồn của rượu)... chứ không phải chỉ biết uống và… say.
Nhiều người thích nhậu, họ say, ngấm và nghiện thứ đồ uống có cồn cay cay, say say này đến nỗi không thể nào dứt ra được. Và vì thế, đã có một thống kê về những kiểu say do ngấm loại thức uống có cồn này như: say tàng tàng, say khướt, say khướt cò bợ, say tít cung mây, say túy lúy, say mềm, say mê mẩn đời, say ngà ngà, say không biết trời đất là gì…
Báo Đời sống & Pháp luật dẫn lời GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển: “Dự thảo quy định cấm bán rượu bia sau 22h khi chưa có những đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều. Đối với những quyết sách, quy định ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội thì phải có những đánh giá thuyết phục. Tránh việc chỉ đưa ra nhằm áp đặt mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội”. |
Thế nhưng, một kiểu say không thể bỏ qua, ấy là những ma men, sâu rượu cứ rượu vào là… lời ra. Lúc này, văn hóa nhậu bị biến thành văn hóa nhậu… nhẹt cùng với những câu chuyện buồn, những vụ việc đau lòng xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông.
Trước tình trạng sử dụng rượu bia của nam giới Việt Nam ngày càng nghiêm trọng (tỉ lệ 77%), mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Dự thảo Luật có quy định cấm bán rượu bia sau 22h hoặc 24h đang gấp rút hoàn thiện dự thảo luật để trình bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 11/2016; sau đó trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2017 để kịp thời phê duyệt và ban hành vào năm 2018.
Trong khi đó, Sở Nội vụ TPHCM cũng vừa trình dự thảo Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại TPHCM, trong đó có quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Còn Hà Nội mới đây cũng đã triển khai quy định cấm bán rượu bia sau 22h ở một số tuyến phố đi bộ.
Vấn đề này lập tức lại làm dậy sóng dư luận, gây ra những cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng, trên các phương tiện truyền thông. Bởi vừa mới hồi năm ngoái, báo chí cũng tốn không ít giấy mực vì chuyện cấm bán bia rượu sau 22h hoặc 24h. Nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của việc thực thi quy định; và đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như, liệu các cơ quan hữu trách đã nghiên cứu, khảo sát, điều tra xã hội học kỹ càng và có con số cụ thể v.vv…
Thậm chí, như ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, Ủy viên Hiệp hội Du lịch TP. HCM, nhận định trên một tờ báo rằng: “Nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Việt Nam muốn thưởng thức ẩm thực và rượu bia không thể thiếu, chẳng nhẽ uống trà đá, nước lọc. Đa phần khách du lịch đều có xe đưa đón, nên việc khách uống rượu bia sẽ không ảnh hưởng đến giao thông. Hơn nữa, khách nước ngoài có nhiều du khách có thói quen đi ăn uống, vui chơi sau 22h. Bởi vậy, quy định cấm bán rượu bia sau 22h là thiếu thực tế và cần phải xem xét lại để đảm bảo sức khỏe, an toàn giao thông, nhưng không ảnh hưởng đến du lịch”.
Tuy nhiên, theo lý giải của bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), thành viên trong tổ biên tập xây dựng Dự thảo Luật, thực tế nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hạn chế độ tuổi, hạn chế giờ bán, điểm bán rượu bia. Bà khẳng định, đây là một trong những biện pháp có hiệu quả của các nước, tránh việc nhiều người ăn nhậu khuya quá ảnh hưởng đến trật tự xã hội, giao thông, hạnh phúc gia đình…
Cụ thể, bà Hạnh cho biết, “Thái Lan chỉ cho phép bán rượu bia từ 17h-21h, thời gian được bán rượu bia rất ít. Ngoài ra, có nước cấm bán trong giờ hành chính. Khi xây dựng dự thảo này, tổ biên tập đã bàn rất kỹ và Việt Nam dự định cấm bán rượu bia từ 22h- 6h sáng là rất hợp lý và nhẹ”.
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: “Đến năm 2015, trên thế giới đã có 67 quốc gia đã quy định cấm bán rượu bia sau 22h trong luật và dân người ta thực hiện rất nghiêm. Cấm từ 22h tối đến 8h sáng hôm sau. Việc đưa ra luật này là để cảnh báo, mang tính chất quản lý Nhà nước, của chính quyền. Sẽ là tuyên ngôn của Nhà nước về vấn đề quản lý vì rượu bia làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và xã hội”. |
Rõ ràng, việc một lần nữa đưa vấn đề quy định cấm bán rượu bia sau 22h cũng như nghiêm chỉnh thực hiện việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ hành chính sau khi làm dậy sóng dư luận cho thấy đây là một việc cần làm và buộc phải làm. Nhiều người hiểu rằng, thực chất, rượu không phải là tội đồ dẫn đến những hành vi xấu, biến người uống rượu thành kẻ hư hỏng, mà do chính thái độ, cách ứng xử của con người với rượu.
Chúng ta từng đặt câu hỏi: Việc cấm uống bia, rượu ở như đã nói có hợp tình, hợp lý? Quy định này cũng đã được áp dụng khá thành công ở một số quốc gia, nhưng tại sao chúng ta lại chưa làm được, và cứ có quy định nào mang tính “cấm” được đưa ra thì ngay lập tức lại khiến dư luận xôn xao?... nhưng cuối cùng lại vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để. Suy cho cùng, gốc rễ vấn đề vẫn nằm ở việc làm thế nào để nâng cao ý thức - văn hóa uống của mỗi người, cũng như quản lý xã hội một cách nghiêm minh.
Ở nước ta nhiều năm nay có một hiện tượng đang gây nhiều lo ngại cho cộng đồng đó là hiện tượng mà ta gọi là “nhậu nhẹt", nhất là trong các bữa nhậu người ta thi nhau "dô, dô" 100%... Theo thống kê mà báo chí đã nêu, Việt Nam chúng ta tiêu thụ bia rượu hàng năm vào loại cao của thế giới, trong lúc nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, đó là chưa kể hậu quả của những bữa nhậu quá chén dẫn đến say xỉn, dẫn đến hiện tượng ẩu đả lẫn nhau, có khi chết người, làm cộng đồng bất an, rồi chính bia rượu gây ra tai nạn giao thông không ít... Bởi vậy tôi ủng hộ những biện pháp hạn chế uống bia, uống rượu nhất là với công nhân, viên chức, cán bộ trong giờ làm việc... song tất nhiên đó phải là những biện pháp có tình, có lý, phù hợp với pháp luật... Nhà báo Dương Kỳ Anh |