Liên tiếp những vụ án thương tâm vừa được TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử gây ra sự sững sờ trước sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức gia đình.
Vì sao nhiều bị cáo, vốn là con cháu được bố mẹ, ông bà nuôi dưỡng, ăn học tử tế nhưng lại đối xử tàn tệ với những bậc sinh thành?
Vụ án “cháu ngoại đánh thuốc mê ông bà để cướp tài sản” do Phan Tấn Phong (SN 1987, ngụ TP. Hồ Chí Minh) và bị cáo Lê Thị Xuân Quý (SN 1984, tại Lâm Đồng) được TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử ngày 18/5/2016 về tội “Cướp tài sản” để lại nhiều dư âm buồn. Nạn nhân của Phong là ông Nguyễn Văn Siêu (75 tuổi), người mà bị cáo gọi là ông ngoại. Những lời khai của Phong tại tòa chất chứa đầy nỗi ăn năn.
Từ nhỏ, bị cáo Phong sống chung với ông Siêu và hai người chị của ông Siêu là bà Nguyễn Thị Kha và bà Nguyễn Thị Quỳnh tại số nhà 101/8 Ngô Quyền, Phường 6, Quận 10 . Đến tháng 12/2013, Phong quen Quý và đưa Quý về sống chung như vợ chồng tại nhà ông Siêu.
Phong lý giải động cơ phạm tội: Đầu năm 2015, Phong cần tiền tiêu xài và vốn làm ăn nên nhiều lần đòi ông bà bán số đồ cổ gia truyền. Bị ông bác bỏ, Phong nảy sinh ý định cho ông bà mình uống thuốc ngủ rồi kêu người chở số đồ cổ trên đem đi bán.
Ngày 8/3/2015, Phong thỏa thuận và kí hợp đồng bán số đồ cổ trong nhà với giá 1 tỷ đồng cho anh Nguyễn Trường Vũ rồi nhận cọc 100 triệu đồng. Để thực hiện ý đồ, Phong đến tiệm thuốc trên đường Phạm Thế Hiển mua hai viên thuốc ngủ. Đến ngày 10/3/2015, Phong tiếp tục nhận 200 triệu đồng và đưa cho Quý 200 triệu để cất giữ, đồng thời nói cho Quý nghe về ý định cho ông bà uống thuốc ngủ để bán đồ cổ lấy tiền hùn vốn mua xe du lịch 50 chỗ để kinh doanh kiếm tiền lo cho ông bà.
Lúc đầu Quý không đồng ý nhưng Phong thuyết phục và gây áp lực đòi chia tay khiến Quý phải chấp nhận. Khoảng 19h ngày 11/3/2015, Phong chở Quý từ chỗ làm về nhà, ghé mua hai chai nước nha đam. Về nhà, Phong lấy một viên thuốc ngủ, tán nhuyễn, pha vào nước nha đam cho bà Kha, bà Quỳnh uống. Sau đó, Phong cho thuốc vào sữa và đưa cho ông Siêu uống để… “bồi bổ sức khỏe”.
Sau khi mọi người ngủ say, Phong gọi điện cho anh Vũ đem xe tải đến chở số đồ cổ đi. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, Quý thức dậy, Phong đưa cho Quý số tiền 700 triệu đồng và kêu Quý đem gửi cho ai đó đáng tin cậy cất giữ giúp cùng số tiền 200 triệu lần trước. Phong cho bạn bè và cha mẹ ruột 50 triệu đồng, phần còn lại Phong dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Bị cáo Huỳnh Thanh Nam tại phiên tòa
Sáng 12/3/2015, các ông bà Siêu, Kha, Quỳnh thức dậy, tá hỏa khi thấy toàn bộ đồ cổ đã không cánh mà bay. Nghĩ có kẻ bên ngoài trộm cắp, ông Quý tố cáo đến Công an quận 10. Qua điều tra, Công an đã bắt khẩn cấp hai bị cáo Phong và Quý trước sự ngỡ ngàng của ông Siêu.
Khác với sự ân hận của Phong, trong phiên tòa ngày 17/5/2016, Huỳnh Thanh Nam (23 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) lại thể hiện sự lạnh lùng khi khai nhận hành vi giết chính người cha ruột của mình. Nam không tiêu xài hoang phí dẫn đến nợ nần như Phong nhưng bị cáo lại sa đà vào rượu chè, ma túy, dẫn đến đối xử với bố mẹ rất bất hiếu.
Khoảng 19h ngày 9/11/2015, Nam đi nhậu rồi về nhà ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Lúc này, cha Nam là ông Huỳnh Văn Thành cũng say rượu đang gây gổ với vợ là bà Hà Thị Nga. Thấy thằng con nghiện bước vào nhà, ông Thành liền chửi mắng. Nam đang lên cơ “vã” ma túy nên không nói gì, bước vội về phòng để “phê”.
Ông Thành bất ngờ bước vào thấy Nam đang sử dụng ma túy nên chửi mắng, chưa hết bực tức, ông đá vào tay Nam. Bị cha quấy rầy khiến Nam nổi nóng, xông đến đánh nhau với ông Thành. Đứa con nghiện ngập chụp lấy cây kéo, đâm nhiều nhát vào bụng, vai, đầu của ông Thành. Những cú đâm hiểm ác khiến cây kéo gãy cán. Thấy hai cha con đánh nhau, bà Nga liền tri hô hàng xóm đến can ngăn. Ông Thành được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên tử vong sau hai ngày nằm viện.
Trước vành móng ngựa, Nam nại lý do ông Thành nghiện rượu, thường đánh đập bà Nga mỗi lần say xỉn. Nam gây án vì… thương mẹ, tức giận ông Thành dẫn đến không kìm chế được bản thân.
“Máu chảy ruột mềm”, dù Nam và Phong hành xử không còn đạo lý nhưng người bị hại và đại diện người bị hại trong hai vụ án đều xin tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt để con cháu họ có cơ hội sửa chữa sai lầm. Các ông bà Siêu, Kha, Quỳnh đều làm đơn bảo lãnh và xin ân giảm cho hai bị cáo Phong và Quý. Để cứu Phong ra khỏi vòng lao lý, các ông bà đã liên hệ với luật sư lập ra một vi bằng có nội dung trao toàn bộ số đồ cổ trên là tài sản thừa kế cho Phong. Qua đó, vi bằng này đã xác nhận tính sở hữu hợp pháp của Phong đối với số tài sản Phong đã bán. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận hiệu lực pháp lý của vi bằng trên, tuyên phạt Phong 12 năm 6 tháng tù; Quý 12 năm tù về cùng tội “Cướp tài sản”.
Đối với Nam, bà Hồ Thị Nga, mẹ bị cáo và là vợ của nạn nhân cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường. Bà Nga cho rằng chồng nghiện rượu, thường đánh đập vợ con, khiến Nam bị ức chế tâm lý. HĐXX nhận định Nam đã giết hại cha, người sinh ra và nuôi dưỡng bị cáo nên cần loại bỏ vĩnh viễn bị cáo bằng mức án tử hình.
Cả hai vụ án đều gây nỗi ám ảnh, bức xúc, bất bình cho những người tham gia phiên tòa. Các bị cáo như những tế bào xã hội hư hỏng gây vỡ vụn nền tảng đạo đức gia đình. Tiếng thở dài của các bậc cha mẹ, ông bà như lời ai oán cho nỗi niềm về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội mà họ là những nạn nhân đau đớn...