Tâm sự của Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án “đánh cờ tiền tỷ” ở Sóc Trăng: Rất đau khi xử những người từng là đồng chí của mình

13/09/2012 07:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Nguyễn Thanh Lèo và đồng bọn (báo chí gọi vụ án “đánh cờ tiền tỷ”) đã khép lại. Nhưng vẫn còn đó nỗi niềm của người “cầm cân nảy mực” khi xét xử những người từng là bạn bè, đồng chí của mình…

Sát phạt tiền tỷ…

Vụ án “đánh cờ tiền tỷ” là một trong những vụ án được dư luận hết sức quan tâm. Lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng tiên liệu phiên tòa sẽ thu hút đông đảo người dự khán, chưa kể lực lượng phóng viên các báo, đài tham dự đưa tin, phản ánh. Do đó, vai trò của chủ tọa điều khiển phiên tòa rất quan trọng, đòi hỏi phải là người có nhiều kinh nghiệm. Thẩm phán Hồ Chí Bửu là người được lãnh đạo tin tưởng phân công. Điều ít ai ngờ, Thẩm phán Hồ Chí Bửu, Chủ tọa phiên tòa vụ án này lại là Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Sóc Trăng.

 

 Tâm sự của Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án “đánh cờ tiền tỷ” ở Sóc Trăng: Rất đau khi xử  những người từng  là đồng chí của mình

Thẩm phán Hồ Chí Bửu

 

Khi chúng tôi thắc mắc về việc này, Thẩm phán Hồ Chí Bửu “bật mí”: Trước khi phân công làm Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Sóc Trăng, tôi là Thẩm phán xét xử hình sự. Không những thế, tôi còn may mắn ngồi chủ tọa điều khiển nhiều phiên tòa vụ án hình sự lớn, phức tạp như vụ Lương thực Sóc Trăng, Công ty Thương mại, vụ án Lý Hốc Lũy… Có lẽ, đó là lý do mà lãnh đạo tin tưởng giao cho tôi làm chủ tọa phiên tòa vụ án này.  

 

Thẩm phán Hồ Chí Bửu tâm sự: Khi được lãnh đạo phân công là chủ tọa phiên tòa vụ án “đánh cờ tiền tỷ”, bản thân tôi rất vinh dự nhưng cũng chịu không ít áp lực. Bởi đây là vụ án được dư luận quan tâm rất lớn. Số lượng người tham gia tố tụng đông: 6 bị cáo, 26 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, 30 người làm chứng. Hồ sơ vụ án thì dày nhưng thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn. Tuy nhiên, với phương châm “xử đúng người, đúng tội” cộng với kinh nghiệm xét xử hình sự từ những vụ án hình sự cộm cán trước đây, tôi và các thành viên HĐXX rất cẩn trọng khi nghiên cứu hồ sơ vụ án. Chúng tôi xác định lại tội danh mà VKS truy tố, đối chiếu từng hành vi của các bị cáo thể hiện trong hồ sơ. Lập phương án và dự liệu những tình huống có thể bị hoãn phiên tòa để đưa ra hướng xử lý. 

 

Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán Hồ Chí Bửu mời lãnh đạo của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đến để bàn bạc phương án bảo vệ phiên tòa. Chuyện về người nhà các bị cáo quá khích gây rối phiên tòa cũng được tính đến. Việc tống đạt giấy triệu tập mời người có quyền và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng cũng được thực hiện một cách chu đáo. 

 

Xác định khi mở phiên tòa không thể bị hoãn do thiếu người tham gia tố tụng, đặc biệt là những người làm chứng quan trọng của vụ án, Thẩm phán Hồ Chí Bửu đã chuẩn bị một số lệnh dẫn giải, khi cần thiết là có thể ký ngay. Còn đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan, khi thư ký tống đạt giấy triệu tập đã giải thích, vận động họ phải tham dự phiên tòa vì quyền lợi của chính họ. 

 

Rất may, hầu hết những người được mời tham gia phiên tòa đã tham dự đầy đủ. Thẩm phán Hồ Chí Bửu tâm sự, khi nghe thư ký phiên tòa báo cáo xong danh sách những người tham gia phiên tòa, ông mới không còn lo về chuyện vắng mặt của những người tham gia tố tụng.

 

“Ngồi xét xử vụ án mà trong đó có một nửa bị cáo từng là bạn bè, đồng chí của mình, tôi và các thành viên HĐXX cảm thấy rất đau. Tất cả chỉ vì “máu đỏ đen” đã đánh mất tư cách của mình, sát phạt nhau với số tiền lên đến 38 tỷ đồng.” -  Điều mà xã hội không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa tội phạm”.- Ông nói.

 

Do vậy, HĐXX đã xem xét kỹ lưỡng đến những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho các bị cáo, tuyên một bản án nghiêm minh, “thấu tình, đạt lý”. 

 

… Rủ nhau vào tù

 

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thanh Lèo (nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng) đã tỏ ra ăn năn hối hận, thật thà khai báo. Còn bị cáo Đinh Văn Mười (nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Sóc Trăng) thì luôn miệng kêu oan, cho rằng, mình không đánh cờ ăn tiền. Thực tế, bị cáo Mười đã có bản tự khai thừa nhận hành vi phạm tội. Nhưng trong lần lấy lời khai hôm sau, lợi dụng sơ hở của Điều tra viên, y đã lấy tờ khai và bản cung nhận tội xé đôi. Mặt khác, chứng cứ có trong hồ sơ và lời người làm chứng tại Tòa đã chứng minh bị cáo đánh cờ ăn tiền. Các bị cáo Trần Văn Tân (nguyên Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe loại 3, tỉnh Sóc Trăng), Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Truyền thì kêu oan không cưỡng đoạt tài sản. Nhưng chứng cứ trong hồ sơ và lời khai tại phiên tòa đã thể hiện các bị cáo đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Riêng bị cáo Ngô Huệ Phấn, Thẩm phán Bửu cho biết, trong vụ án này, từ những chứng cứ mà bị cáo Phấn cung cấp đã giúp cho cơ quan tố tụng làm sáng tỏ vụ án. Bản thân bị cáo cũng thật thà khai báo và hợp tác với CQĐT.

 

 Tâm sự của Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án “đánh cờ tiền tỷ” ở Sóc Trăng: Rất đau khi xử  những người từng  là đồng chí của mình

Vụ án các quan chức đánh cờ tiền tỷ là tâm điểm của dư luận trong một thời gian dài

 

Từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Lèo 5 năm tù; Đinh Văn Mười 4 năm tù; Trần Văn Tân 4 năm 6 tháng tù về tội “Đánh bạc”. Ngoài ra, Tân còn bị phạt 13 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng các hình phạt mà Tân phải nhận là 17 năm 6 tháng tù. Cùng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, các bị cáo Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Truyền cùng nhận mức án 12 năm tù; bị cáo Ngô Huệ Phấn tuyên án 2 năm tù về tội “Gá bạc”. 

 

Đồng thời, HĐXX quyết định tịch thu quỹ Nhà nước đối với tài sản thu lợi bất chính. Theo đó, bị cáo Tân giao nộp 1,5 tỷ đồng và 6 lượng vàng 24K. Bị cáo Truyền giao nộp 90 triệu đồng từ tiền lãi và được bị cáo Tân cho. Bị cáo Mười giao nộp 435 triệu đồng tiền thắng cờ bị cáo Lèo. Bị cáo Phấn giao nộp 400 triệu đồng tiền thu nợ giùm. Còn hai căn nhà của bị cáo Lèo trên đường Sương Nguyệt Anh, phường 2, thành phố Sóc Trăng, bị cáo Tân đã lấy để trừ nợ cờ bạc cũng được đề nghị sung vào công quỹ. 

 

Đối với thửa đất tại đường Mạc Đĩnh Chi, phường 4, Tp. Sóc Trăng do bị cáo Lèo mượn của cha là ông Nguyễn Văn Rẫy (do ông Rẫy đứng tên) để giao cho Tân trừ 3,2 tỷ đồng tiền nợ thua cờ; thửa đất số 221 có diện tích 706m2 ở đường Dương Kỳ Hiệp, Tp. Sóc Trăng của bà Nguyễn Thị Thảo (em gái Lèo), đồng ý ký tên cho Lèo mượn và Lèo đã lấy trừ nợ cờ cho Tân 2,4 tỷ đồng và thửa đất số 163, tờ bản đồ số 4 có diện tích 465m2 tại đường Lý Thường Kiệt, Tp. Sóc Trăng do ông Dương Văn Dũng (bạn Lèo) đã đồng ý ký tên cho Lèo mượn và Lèo cũng đã giao cho bị cáo Tân để trừ nợ 1 tỷ đồng. 

 

Bị cáo Tân đã lấy ba thửa đất trên bán với người khác. Do cả 3 chủ thửa đất này đều là người thân quen của Lèo nên đã đồng ý ký tên cho Lèo mượn để làm ăn, hoàn toàn không biết để trừ nợ cờ bạc nên Tòa tuyên hủy bỏ những hợp đồng mua bán. Bị cáo Tân phải giao trả lại giấy tờ cho chủ của ba thửa đất này và hoàn trả số tiền đã nhận từ những người mua đất. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến ba thửa đất này nếu có yêu cầu thì khởi kiện đòi lại tiền đối với bị cáo Tân ở một vụ án khác.

 

Với ba thửa đất khác đã được thế chấp ở ngân hàng nhưng bị cáo Lèo đã lấy giấy photo để giao cho bị cáo Tân trừ nợ thua cờ với số tiền 9,5 tỷ đồng, Tòa đề nghị giải tỏa, kê biên trả về cho ngân hàng. Riêng số tiền nợ trên 20 tỷ đồng mà bị cáo Lèo còn thiếu bị cáo Tân, hậu quả chưa xảy ra nên Tòa không xem xét.

 

Theo Thẩm phán Hồ Chí Bửu, khi HĐXX tuyên xong bản án, những người dự khán phiên tòa đồng tình ủng hộ. Đây là bản án đã được cân nhắc kỹ lưỡng đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, có tính răn đe và giáo dục. Đến nay, trong số 6 bị cáo thì chỉ có 4 bị cáo (Mười, Tân, Hùng, Truyền) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

 

Văn Vũ

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm sự của Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án “đánh cờ tiền tỷ” ở Sóc Trăng: Rất đau khi xử những người từng là đồng chí của mình