Khi những nhà giáo hầu tòa

Biên Thùy| 18/05/2020 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND tỉnh Hòa Bình đang xét xử vụ án liên quan đến gian lận điểm thi gây chấn động dư luận. Phiên tòa mang lại nhiều cảm xúc khác nhau.

Hòa Bình là địa phương phát hiện gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đầu tiên nhưng xét xử cuối cùng, bên cạnh hai địa phương là Sơn La và Hà Giang. Vụ án trực tiếp do cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) thụ lý.

Như tôi đã nói khi mở đầu bài viết, đây là phiên tòa nhiều cảm xúc. Nhưng chủ đạo trong dòng cảm xúc ấy có lẽ là sự bức xúc, tức giận lan tỏa trong cộng đồng.

Bức ảnh các bị cáo trong vụ án cười tươi rói khi ra xe rời khỏi phiên tòa đang được chia sẻ rần rần trên mạng. Gương mặt ấy, nụ cười ấy giống như đang thách thức, coi thường pháp luật và rẻ rúng chức nghiệp đã từng mang trên mình của các bị cáo.

Những phát ngôn "gây sốc" được xem như "hot trend" thời gian qua: "Chú cứ nhận tội, vợ con ở ngoài anh lo", hay "nâng điểm không vì vụ lợi mà vì tình thương học trò...". Phát ngôn của những người từng làm thầy sao ngượng ngạo và ngây ngô đến vậy.

Cảm xúc ấy chưa dừng lại cho đến khi bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Trưởng phòng Khảo thí) lý giải cho hành vi nâng điểm của mình: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Khi những nhà giáo hầu tòa

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Binh

Không thể tin được những lời nói đó lại thốt ra từ miệng của một người làm giáo dục. Nó không chỉ khiến những người khuyết tật thật sự nhức buốt mà người lành lặn, những người có lương tri cũng thấy quá đau. 

Cuối thời Đông Tấn (Trung Quốc) có thi nhân tên Đào Tiềm hay còn gọi là Đào Uyên Minh với câu chuyện nổi tiếng "Không vì 5 đấu gạo mà khom lưng".

Năm Nghĩa Hi thứ nhất (năm 405), Đào Uyên Minh đã qua tuổi 40 tuổi. Theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch. Có một lần trên quận phái tên đốc bưu luôn cậy quyền, cậy thế, hống hách xuống xem xét tình hình.

Có tiểu lại bảo Đào Uyên Minh phải ăn mặc chỉnh tề, cung kính mà nghênh tiếp. Ông nghe xong, than dài: “Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng, khúm núm phục vụ cho những người ấy”. Nói xong, Đào Uyên Minh trả ấn từ quan sau 80 ngày làm huyện lệnh, từ đó vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường.

Nhìn lại vụ án ở Hòa Bình, chưa có căn cứ khẳng định cả 15 bị cáo đều vì lợi lộc, tự tư mà nâng điểm nhưng cái cách mà họ phân trần tại Tòa án thật não nề, ngán ngẩm. 

Đứng trước một hành vi bất chính, hành vi lệch chuẩn đạo đức họ lại không chứng minh được rằng, họ là những người làm giáo dục. Không những vậy, họ còn thỏa hiệp, còn trực tiếp làm đảo lộn giá trị đúng sai, tốt xấu, cúi rạp người để sống, chấp nhận là "người gù" về nhân cách, đạo đức để hưởng lợi.

Nâng điểm cho người này, đồng nghĩa với việc tước đi quyền lợi của người khác, chà đạp lên người khác để mưu lợi cho mình không về vật chất thì cũng vì chức tước. Đó có phải là sự công bình? Đó có phải là vì tình thương? Hay là cách "mở cửa cuộc đời" cho học sinh như một bị cáo nói? Những nhà giáo ấy đã thực sự sai, thực sự là những người khuyết tật về đạo đức chứ không chỉ là "tấm gương mờ của ngành giáo dục".

Với những suy nghĩ hủ bại như thế, đôi bàn tay làm biến hóa điểm số như thế, dù hôm nay không "đáo tụng đình" thì liệu họ có đủ nhân phẩm, đủ tư cách để vun dưỡng cho những thế hệ tương lai hay không? Câu hỏi ấy thật sự nhức nhối.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi những nhà giáo hầu tòa