Tại sao giá vé thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 4 lần?

Thanh Phương| 08/02/2017 18:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước phản ánh của 1 số du khách khi thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tăng giá vé gấp 4 lần so với trước đây, lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã lý giải về việc này.

Tại sao giá vé thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 4 lần?

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

Ngày 8/2 ông Nguyễn Bá Linh, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho hay: Thực hiện quyết định số 4764/2016/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm đã có lộ trình tăng giá vé từ 10.000 đồng lên 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em 8-15 tuổi; người cao tuổi. Trước khi tăng giá đã có thông báo cụ thể, rộng rãi tới người dân, du khách thăm quan. Giá vé trên được áp dụng từ 1/1/2017.

Việc tăng giá vé nhằm giảm bớt chi phí cho ngân sách nhà nước, bên cạnh đó Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã đưa vào nhiều loại hình dịch vụ, các hiện vật trưng bày… Nếu đoàn đi từ 10 người trở lên thì có hướng dẫn viên miễn phí. Hiện, đang đưa vào khai thác tuyến thăm quan làng cổ Đông Môn có nhà cổ, giếng làng, bảo tàng nhân học, đền Đình Khương.

Tại sao giá vé thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 4 lần?

Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng giá vé

Thành nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407.

Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), Thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.

Thành nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Tại sao giá vé thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 4 lần?

Du khách tới thăm quan các điểm trong Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ đã đáp ứng hai tiêu chí được quy định trong Công ước Di sản Thế giới năm 2008. Đó là tiêu chí 2 “bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” và tiêu chí 4 “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”.

Trong hồ sơ di sản thế giới, Thành nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, Thành nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Theo các tài liệu và thư tịch cổ, cùng với việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì phức hợp di sản Thành nhà Hồ ngoài Thành nội, Hào thành, La thành còn có Đàn tế Nam Giao.

Theo quan sát của PV, các gian hàng, quán nước phục vụ du khách được bố trí khoa học hợp lý, giá cả phải chăng. Các loại hình dịch vụ cho thuê xe đạp đôi, ô tô chở đi thăm quan các điểm khác trong quần thể di tích cũng được niên yết giá.

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ có giá trị cao về mặt khảo cổ, lịch sử nên nhiều du khách khi tới đây chỉ thấy 4 cổng thành bằng đá, các khu khảo cổ, công trường đá chứ không phải các cung điện nguy nga tráng lệ như trong phim ảnh nên nhiều người không khỏi hụt hẫng. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã kết nối các điểm du lịch nổi tiếng thành tua, tuyến rất thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước vì vậy trước khi lên đường bạn cần tìm hiểu điểm đến và đặt tua cho phù hợp với nhu cầu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao giá vé thăm quan Khu di tích Thành nhà Hồ tăng gấp 4 lần?