Tại Phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông diễn ra 16/3, chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh đến hình tượng nhân vật được lựa chọn làm biểu tượng của Tòa án.
Đó là hình tượng Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Lý, trị vì trong 26 năm (1028–1054). Ông được đánh giá là một vị Vua tài giỏi, thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của Nhà Lý.
Sự lựa chọn phù hợp
Từ 15 nhân vật được Ban Chỉ đạo xây dựng Nhân vật lịch sử tiêu biểu cho hoạt động xét xử của Việt Nam lựa chọn, thông qua thảo luận, đánh giá, khảo sát, các nhà khoa học đã thống nhất lựa chọn nhân vật Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý để xây dựng tượng cho Tòa án.
Nói về sự lựa chọn và xây dựng tượng hình tượng nhân vật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Vua Lý Thái Tông là người có đóng góp to lớn trong nền tư pháp nước nhà với 4 điểm nhấn quan trọng: Thứ nhất ông là người ban hành Bộ luật Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước ta; hai là ông nghĩ ra chiếc chuông đặt trước cửa triều đình để dân kêu oan; ba là ông trực tiếp tham gia các vụ án lên tới nhà Vua và xét xử một cách công bằng, khuyến khích tinh thần xét xử nhân ái; thứ tư là khi làm Vua, ông đã đặt ra một chức quan xét xử, giao cho con trai mình, và đào tạo con trai ông thành một vị quan anh minh.
Chuyên gia Pháp tư vấn về bối cảnh xây dựng bức tượng
Chánh án Nguyễn Hòa Bình và các chuyên gia đã nhận định, những đóng góp của Vua Lý Thái Tông với pháp luật nước nhà là rất lớn, trong đó có việc ban hành Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta.
Sử sách ghi lại, Vua Lý Thái Tông trước khi ban hành Bộ luật Hình thư (năm 1042), thấy tình hình dân kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho tình hình khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót nên đã sai quần thần định luật, biên soạn thành điều khoản để ban hành thành sách và ra chiếu chỉ áp dụng trên tinh thần lấy dân làm gốc nên việc xử án đảm bảo công bằng.
Bộ luật Hình thư năm 1042 được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Việc ban hành bộ luật Hình thư được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp nước ta. Về mặt văn bản, bộ luật này không còn bản gốc nhưng nội dung của nó còn được ghi chép lại trong sử cũ. Căn cứ vào những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư thì Bộ luật Hình thư là một sưu tập luật lệ có tính pháp điển. Về quy mô, Hình thư gồm 3 quyển. Về nội dung, qua những ghi chép còn lại trong sử cũ, bộ luật có những quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thuế… Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Bộ luật Hình thư được ban hành để khẳng định quyền lợi, địa vị của nhà nước phong kiến và giai cấp quý tộc quan liêu, đồng thời là công cụ để ổn định xã hội, giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…
Công trình thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của Tòa án
Lý Thái Tông còn được lịch sử ghi nhớ vì quy định về tuyên thệ như một nghi thức của triều đình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hằng năm, Vua cùng quần thần đến đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) để cùng phát thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Lễ thức này được duy trì qua nhiều triều Vua đời Lý và sang cả đời Trần.
Lý Thái Tông còn là vị Hoàng đế bao dung, nhân hậu. Các sử gia cho rằng Lý Thái Tông cũng như nhiều hoàng đế nhà Lý khác có lượng khoan hồng vì ảnh hưởng của quốc giáo là đạo Phật. Điển hình là việc đã cho sửa những quy định liên quan đến người già trên 70 tuổi và trẻ em từ 15 tuổi trở xuống và những người ốm yếu hay những người có công trạng với đất nước… phạm tội cũng được áp dụng hình phạt theo hướng nhân văn hơn.
Có thể nói, triều đại nhà Lý trường tồn trên 200 năm lịch sử, đưa đất nước vào giai đoạn cường thịnh có phần đóng góp to lớn của Bộ luật Hình thư, cai trị đất nước bằng pháp luật. Bộ luật chặt chẽ nhưng nhân đạo, Vua Lý Thái Tông xứng đáng là vị Vua anh minh, cả về võ công và văn trị, nhìn từ góc độ xét xử, ông là một nhân vật tiêu biểu cho tinh thần nghiêm minh kết hợp với nhân đạo, khoan dung.
Phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông – nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam cũng đã thống nhất: Tượng Vua Lý Thái Tông phải đáp ứng được các nội dung, yêu cầu về mỹ thuật như: tượng phải thể hiện được tính trang nghiêm, trang trọng, lột tả được thần thái, ý chí của thể hiện vẻ đẹp, trí tuệ của người làm công tác xét xử, bảo vệ công lý. Độ tuổi của tượng phải trên 50 tuổi, chân dung khuôn mặt, tướng mạo phải thể hiện được những biểu tượng cao quý của một vị Vua, tính cách mạnh mẽ, cương trực và thận trọng, nhưng cũng thể hiện được tính cách nhân ái, nhân từ của ông. Về mặt trang phục của tượng phải phù hợp với thời kỳ lịch sử. Và phải sinh động, mang tính hình tượng, khái quát cao; có hình khối chắc khỏe, rõ ràng, gây được xúc cảm, ấn tượng với người xem.
Tượng được đúc bằng đồng, đứng thẳng, toàn thân, có chân đế, tay phải cầm cuốn Luật Hình thư, tay trái cầm chuông kêu oan thể hiện sự trang nghiêm, lột tả toàn bộ thần thái, tướng mạo, tính cách của Vua Lý Thái Tông.
Cùng với công trình trụ sở mới và cũ của TANDTC, bức tượng sau khi hoàn thành sẽ được đặt ở trụ sở các Tòa án nhân dân. Công trình sẽ là những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và truyền tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND. Công trình còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất đất nước, thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ công lý.