Tài sản kê khai không minh bạch có thể bị xử lý hình sự và tịch thu

Ngọc Mai| 31/05/2018 15:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý, cũng như tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi nêu rõ.

Sáng nay (31/5), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

Tài sản kê khai không minh bạch có thể bị xử lý hình sự và tịch thu

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Báo cáo đã được tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; nội dung các quy định PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích...

Mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước

Theo Báo cáo cho thấy, nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước, cụ thể là với tổ chức xã hội và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTNkhu vực nhà nước.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.12.2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và yêu cầu tại Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.

Có thể xử lý hình sự, tịch thu tài sản nếu kê khai không minh bạch

Liện quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định chi tiết về thu hồi, chế tài xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp như nghiên cứu thêm các biện pháp thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua thủ tục dân sự hoặc quy định thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, có ý kiến cho rằng cơ chế thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua xác định hành vi trốn thuế đã được quy định trong các luật chuyên ngành nên không cần phải quy định trong dự thảo Luật, nhưng có bổ sung quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan thuế trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu trốn thuế để tiến hành truy thu và xử lý vi phạm hành chính và có ý kiến đề nghị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền phù hợp.

Sau khi tiếp thu các ý kiến, báo cáo của Chính phủ đề xuất phương án, khi kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày ban hành kết luận xác minh), cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận đó đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

"Người phải nộp thuế theo quy định có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật," Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.

Cũng theo đại diện Chính phủ, việc thu thuế quy định trong dự thảo luật không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý cũng như tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Thận trọng quy định thanh, kiểm tra khu vực DN ngoài nhà nước

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị khác, theo ông Lê Minh Khái, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải có giải pháp để khắc phục.

Tài sản kê khai không minh bạch có thể bị xử lý hình sự và tịch thu

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra 

Chính phủ lựa chọn phương án có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, Chính phủ cho rằng nên giao chức năng chuyên trách này cho hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước.

Theo đó, luật giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Về vấn đề này bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội dù đồng tình với quy định người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án của Chính phủ đưa ra, nhưng đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại TAND, Viện KSND, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... thì giao cho các cơ quan này kiểm soát và đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Giải thích thêm, bà Lê Thị Nga cho rằng, phương án này đã tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thận trọng đối với quy định về thanh tra, kiểm tra đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, bởi chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo.

"Hiện nay, chúng ta còn chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra về phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước, trong khi nguồn lực của các cơ quan thanh tra còn hạn chế thì việc mở rộng thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước là khó khả thi, có thể ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra về phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước," Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài sản kê khai không minh bạch có thể bị xử lý hình sự và tịch thu