Tái định cư chưa tốt

Bảo Dân| 21/08/2019 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình phát triển, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải thực hiện việc điều chỉnh, quy hoạch lại không gian đô thị cho phù hợp với kế hoạch kinh tế xã hội của mình.

Tuy nhiên, việc giải tỏa, di dời, tái định cư (TĐC) không chỉ dừng lại ở việc đưa một bộ phận dân cư từ nơi ở này sang nơi ở khác, mà cuộc chuyển cư này còn liên quan đến rất nhiều vấn đề như: công ăn việc làm, học hành, y tế, sự tiếp cận các dịch vụ đô thị, nhà ở, các quan hệ xã hội…

Do đó, TĐC cần được nhìn nhận là một quá trình thay đổi có tính hệ thống về kinh tế, văn hoá, xã hội của một bộ phận dân cư hơn là chỉ dừng lại ở việc xem xét đây là quá trình thay đổi chỗ ở của người dân. 

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra những nguyên tắc cụ thể cho quá trình  TĐC trên quan điểm vì con người như việc di dời chỉ thực hiện đối với những nơi thật cần thiết và không thể tránh khỏi, phải đảm bảo cho người bị di dời được trợ giúp một cách tốt nhất để họ có thể phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nghị định 197/2004/NĐ-CP đã khẳng định việc xây dựng khu TĐC phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch và quy chuẩn xây dựng, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và được sử dụng cho nhiều dự án. Nghị định 197 nêu rõ để thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch TĐC cần xác định rõ quỹ đất, địa điểm, quy hoạch chi tiết các khu TĐC có tính đặc thù và phải phù hợp với tập quán sinh hoạt và việc duy trì nguồn thu nhập cũ của người TĐC. Thực tế đã có những thất bại trong việc quy hoạch và xây dựng các  khu TĐC vì cuộc sống của người dân không tốt do trái tập quán sinh hoạt, chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém, là khu dân cư nhưng không có trường học, nhà phố sang trọng nhưng dân nghèo không phù hợp và kết quả là họ đã bán nhà tìm nơi khác thích hợp hơn.

Tại TP HCM từng có siêu dự án TĐC Bình Khánh quận 2 với quy mô hơn 12.500 căn hộ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng rất vắng người vào ở, các tòa nhà bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố có 173 tòa nhà chung cư tái định cư do Nhà nước đầu tư đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Trong đó có 103 tòa nhà TĐC không có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều tòa nhà xuống cấp nhanh; chỉ 119 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ; 54 tòa nhà không có diện tích kinh doanh dịch vụ, theo thiết kế là chỗ để xe, phòng kỹ thuật; số ban quản trị được thành lập còn rất ít. Theo số liệu báo cáo của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, tính đến hết năm 2018, số lượng các căn hộ bỏ trống là trên 370 căn.

Tình trạng các khu nhà TĐC ở địa phương còn lãng phí ghê gớm. Chẳng hạn khu TĐC Huỳnh Giản, thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có tổng diện tích ban đầu là hơn 5ha với số vốn gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương thuộc chương trình bố trí TĐC theo Quyết định số 193/2006 của Thủ tướng Chính phủ, sau 8 năm có 2 hộ dân đến ở.

Được biết, tỉnh Bình Định có 19 khu TĐC nhưng đến nay mới có  6 khu TĐC có dân về ở. Số còn lại, tỷ lệ dân di dời đến khu TĐC mới chỉ đạt khoảng 20-30%.

Tái định cư cần được làm tốt đúng theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không “đem con bỏ chợ” vì đây sẽ là mầm mống gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội và nguy hại hơn khi nó làm suy giảm lòng tin vào chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái định cư chưa tốt