Hàng ngày, phải làm việc và sống chung bên cạnh đống chất thải cao su, nghề tái chế lốp ô tô cũ được coi là nghề độc hại. Nó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Được biết, đây là nghề mưu sinh chủ yếu của hàng trăm hộ dân tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại xã này, lốp xe cũ được các chủ cơ sở thu gom khắp nơi đem về, sau đó các nhân công đem cắt ra thành từng miếng tùy theo kích cỡ để làm các vật dụng như giày, dép cao su hay chậu trồng cây, hoặc đem xay thành bột để bán cho các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đức Chu (Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Hòa) cho biết, tại thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, có khoảng 1.000 hộ, thì trong đó có đến 200 hộ làm nghề mua bán lốp xe cũ. Việc đốt lốp xe trước đây có xảy ra nhưng thời gian qua chính quyền đã kiểm tra chấn chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa khắc phục được, nhiều hộ tái chế vẫn tiếp tục vứt rác thải lốp xe ô tô cũ ra khắp nơi, khi mưa xuống nước thải từ đây chảy đi làm ảnh hưởng đến nguồn nước.
Các người thợ tái chế đang làm việc trong môi trường độc hại
Hơn thế, nhiều thợ tái chế còn đem đốt các lốp xe cũ để lấy vòng sắt sử dụng lại hoặc bán. Khi đốt lốp xe, mùi hôi độc hại bay theo gió lan tỏa khắp nơi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhiều hộ dân xung quanh.
Nhiều người dân đã phản ánh đến chính quyền xã về tình trạng ô nhiễm trên, UBND xã cử lực lượng xuống kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở tái chế lốp và xử phạt hành chính nhưng đâu rồi lại đấy. Vì nghề này đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều hộ dân, nên họ vẫn tiếp tục đốt lén.
Ông Dương Văn Quyết (thôn Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa) chia sẻ, nghề tái chế lốp xe này có từ trước hồi giải phóng, công việc này trung bình mỗi ngày công nhân kiếm được 400 ngàn đồng/người, thu nhập cao hơn so với làm nông. Một lốp xe cũ có thể tái chế cho ra hơn 20 đôi dép và xay thành hạt bán cho các thương lái. Biết độc hại nhưng mọi người vẫn làm để lo kinh tế gia đình.
Bãi lốp ô tô cũ để ngổn ngang
Ông Huỳnh Văn Dũng (Phó Bí thư xã Nghĩa Hòa) cho biết, ngoài việc thường kiểm tra và phun thuốc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các khu vực tái chế, bên cạnh đó xã còn xây dựng dự án quy hoạch một khu tập trung các cơ sở để tái chế lốp xe cũ.
Vậy nhưng hàng ngày người dân đang phải sống trong ô nhiễm còn dự án thì không biết đến lúc nào mới thực hiện.