Là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm với sự tham dự của 21 quốc gia thành viên tại các buổi hội nghị, hội thảo thương mại. Tác động của APEC 2017 vào thị trường Đà Nẵng đã được các chuyên gia đánh giá rất tích cực.
Tác động APEC 2017: Du lịch vẫn là điểm nhấn
Mở đầu nhận định về sự tác động của APEC 2017 tại Đà Nẵng, ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhấn mạnh về ngành du lịch tại khu vực miền Trung mà đặc biệt là Đà Nẵng là điểm nhấn.
Theo ông Troy Griffiths khẳng định: Là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm của thế giới. Sự tham dự của 21 quốc gia thành viên tại hàng loạt các buổi hội nghị, hội thảo thương mại đem đến lợi ích to lớn và sức ảnh hưởng vô cùng tích cực cho thành phố biển.
Một điều rất dễ nhận thấy đó là “thương hiệu” Đà Nẵng đang dần được công nhận trên toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch.
“Với lợi thế về khí hậu ấm áp, bãi biển tuyệt đẹp và nền văn hóa địa phương đặc sắc… phân khúc khách sạn, resort nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã thật sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch tại Việt Nam.”- ông Troy Griffiths nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đây cũng là một thành phố phát triển thịnh vượng với chỉ số GDP nửa đầu năm 2017 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký tăng mạnh ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái với 269,5%, tương đương khoảng 14,3 triệu USD giải ngân.
Chỉ số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 là 7,5%, đạt mức cao nhất trong 6 năm… Ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục bùng nổ với số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa không ngừng gia tăng, cùng sự “đổ bộ” của chuỗi các tập đoàn khách sạn hàng đầu trên thế giới.
Ngành du lịch nắm giữ vai trò chủ lực của thành phố và trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng 72,2% đạt trên 1,2 triệu lượt, với tổng số khách đến Việt Nam tăng khoảng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 3,2 triệu lượt.
Minh chứng cho điều này, ông Troy Griffiths nhấn mạnh: Sự hình thành đúng lúc của các dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý như mở rộng sân bay và đường hầm Điện Biên Phủ để “đón” APEC cũng là những ví dụ điển hình cho việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ lâu dài cho sự tăng tưởng của thành phố đáng sống trong tương lai.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám Đốc Điều hành Savills Việt Nam.
Ngoài ra, sự mở rộng nhanh chóng của các khu nghỉ dưỡng dọc theo bãi biển hiện nay đã góp phần khằng định khả năng cung cấp các dịch vụ đẳng cấp của Đà Nẵng, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, đặc biệt là các thị trường khu vực Bắc Á.
Về phía Nam Hội An, dự án cầu Cửa Đại vừa được hoàn thành đã mở đường cho sự phát triển của khu casino, sân golfvà khu liên hợp giải trí Hoiana trị giá kỉ lục 4 tỉ đô la đang trong quá trình hoàn thiện. Mô hình sân golf bãi biển tiếp tục phát triển và phổ biến rộng rãi với bốn sân đấu đã bắt đầu đi vào hoạt động
Cần một lực đẩy cho thị trường bán lẻ
Cũng bên lề APEC 2017, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán Lẻ, Savills TP.HCM lại đưa ra nhận định: Miền trung Việt Nam nói riêng và Đà Nẵng nói chung vẫn còn là một thị trường khá mới mẻ, bởi đặc tính mua sắm, chi tiêu của người dân còn khá cẩn trọng, hạn chế.
Theo ông Bình, phân khúc khách hàng trẻ tuổi vẫn có nhu cầu, nhưng chỉ dừng lại ở một số thương hiệu phổ thông. Ngay cả những trung tâm thương mại như Parkson hay Vincom tại Đà Nẵng cũng phục vụ chủ yếu cho nhu cầu ăn uống và giải trí, còn mua sắm thì vẫn chưa phát triển mạnh.
Ông Phạm Thái Bình - Trưởng Bộ phận bán lẻ Savills TP.HCM
Hiện tại, những thương hiệu thời trang nhanh “đình đám” như Zara, H&M hay tương lai là Uniqlo vẫn chưa khoanh vùng Đà Nẵng trong kế hoạch phát triển. Chiến lược từ 3-5 năm cũng vẫn tập trung tại Tp.HCM và Hà Nội, và có chăng, Đà Nẵng sẽ là điểm đến một khi thị trường tại hai trung tâm kinh tế trên đã ổn định.
Hiện tại, thói quen mua sắm của người dân thành phố đáng sống vẫn đang tập trung tại cửa hàng mặt phố hơn là các trung tâm thương mại. Chính vì vậy, đường Lê Duẩn vẫn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư bán lẻ, sau khi đã là “thiên đường” của các loại hình bán lẻ truyền thống trong suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, sức tác động của APEC tại Đà Nẵng, cụ thể là thị trường bán lẻ vẫn có lối mở tương đối khả thi. Bởi sự phát triển của hạ tầng luôn dẫn dắt sự tăng trưởng bán lẻ.
"Sự kiện APEC đã giúp Đà Nẵng sở hữu hàng loạt cơ sở hạ tầng giá trị, và trong tương lai, đây chính là chìa khóa cho việc tập trung hoạt động bán lẻ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng kì vọng vào sự phát triển của các trung tâm thương mại tích hợp trong các dự án resort, du lịch nghỉ dưỡng giải trí, ngôi nhà thứ hai … đang “bùng nổ” tại Đà Nẵng.”-Ông Bình nói.
Theo ông Bình, để kỳ vọng này trở nên thực tế, các nhà bán lẻ vẫn phải trông chờ vào một lượng khách hàng vừa đủ, cụ thể tại các khu vực nghỉ dưỡng – một điều kiện lý tưởng không mấy khả thi.
Dù vậy, Đà Nẵng – trước và cả sau APEC – đang ở trong “tầm ngắm” của hàng loạt các thương hiệu lớn thuộc lĩnh vực ẩm thực như Mc Donald hay Phúc Long.
Theo kế hoạch tới đây, nhà phân phối của các thương hiệu thời trang từ trung đến cao cấp Maison cũng đang thăm dò địa điểm cho hai thương hiệu PEDRO và Charles & Keith tại thành phố biển Đà Nẵng.
Nhiều chuyên gia cũng kì vọng vào một “bước nhảy vọt ngoài mong đợi” của thị trường bán lẻ Đà Nẵng sau “hiệu ứng APEC”, như điều mà thị trường bán lẻ Việt Nam từng gây bất ngờ trong thời gian qua bởi làn sóng thời trang nhanh, cửa hàng tiện lợi cũng như thương mại điện tử.
Tuy nhiên để điều đó trở thành hiện thực cần có một nổ lực không ngừng nghỉ không chỉ của cấp chính quyền mà cần có sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mới tạo đủ lực hút.