Khi còn đi học, tôi không thích môn văn học. Giờ đây tôi cũng thuộc lớp người ít đọc sách văn học...
Thế nhưng khi được tác giả Dương Thanh Biểu - người anh, người đồng nghiệp tặng cuốn truyện ký Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời, tôi đã tranh thủ thời gian để đọc cuốn sách này. Trước đây tôi đã được nghe nhiều chuyện về Tạ Đình Đề, sau này lại được nghe tiếp về những tình tiết liên quan cho nên càng thúc giục tôi đọc cuốn truyện ký này. Với tính “nghề nghiệp” tôi “tò mò” muốn biết những gì viết trong cuốn sách đó để kiểm chứng những gì tôi đã nghe, đã biết về vụ án Tạ Đình Đề. Đọc xong tôi thấy thật mãn nguyện và không thể không viết đôi lời về nhân vật Tạ Đình Đề và tác giả Dương Thanh Biểu.
Tác giả Dương Thanh Biểu
Nhân vật Tạ Đình Đề trong truyện ký là một con người bình dị, nhưng dám nghĩ, dám làm. Trong chiến tranh, ông là người anh dũng kiên cường chiến đấu chống quân thù, trong hòa bình ông là người đi đầu trong việc động viên, khuyến khích người lao động thi đua sáng kiến, cải tiến, tăng năng suất lao động và luôn quan tâm đến cuộc sống mưu sinh của người thợ. Trước tình hình kinh tế - xã hội ở thời điểm hiểm nghèo của những năm bao cấp trước đây, nhiều người tỏ ra “trung thành với sự nghiệp”, “trung thành với lý tưởng”, không dám đổi mới, quyết giữ mình một cách “tròn trịa”, chỉ biết cách làm vừa lòng cấp trên…Nhưng đối với Tạ Đình Đề thì hoàn toàn khác. Ông không thể đứng nhìn cái xưởng sản xuất của mình ngày càng lạc hậu, đời sống người thợ ngày càng khó khăn chồng chất. “Cái tội” của Tạ Đình Đề là “đi trước thời đại”, muốn phá vỡ cách quản lý quan liêu bao cấp xơ cứng đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế cũng như khung pháp lý bất cập, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đúng như tác giả đã viết: “Đường là do con người đi lâu mà thành. Nhưng công lao đầu tiên phải thuộc về những người khai phá, mở lối ban đầu. Nếu như ông Kim Ngọc là người mở đường về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, thì phải chăng ông Tạ Đình Đề là người đi tiên phong khoán sản phẩm trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp”. Chuyện về ông Kim Ngọc đã được xây dựng thành phim, còn chuyện về Tạ Đình Đề, thiết nghĩ rằng sẽ còn nhiều người viết về ông và rất có thể truyện ký Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời trong thời gian không xa cũng sẽ được chuyển thể thành kịch bản, thành phim. Tạ Đình Đề đã được minh oan, là một lão thành cách mạng, công lao của ông đã được ghi nhận bằng tấm Huân chương Độc lập, đó là điều hiển nhiên. Nhưng tôi cứ nghĩ, ông Đề là người có công lớn với dân, với nước, lại bị đẩy vào ngục tù oan nghiệt đến cùng cực. Những oan nghiệt đổ lên đầu ông, gia đình ông với hậu quả vô cùng lớn: Ông phải bị bắt giam oan hai lần, trong thời gian dài, gia đình ly tán, mất việc làm, kinh tế suy sụp, chính trị đổ vỡ và bị người đời khinh rẻ. Giá như Nhà nước có một chế độ vật chất nào đó hỗ trợ cho thân nhân Tạ Đình Đề (tạm được dùng như chế độ đặc biệt về bồi thường oan sai chăng)? Tôi cũng muốn các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội xem xét nếu có đủ điều kiện thì nên đặt một con đường nào đó ở Hà Nội mang tên TẠ ĐÌNH ĐỀ.
Tác phẩm Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời đã tái hiện những sự kiện và con người Tạ Đình Đề với phẩm chất yêu nước thương dân nhưng cuối cùng phải chịu oan nghiệt. Cho nên, đằng sau những góc khuất cuộc đời Tạ Đình Đề, tác phẩm muốn gửi gắm đến bạn đọc, đây là của cuộc đấu tranh cam go, phức tạp giữa cái mới và cái cũ, giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt và xấu. Đồng thời, phản ảnh phẩm chất nhân văn sâu đậm trong việc lên án, vạch trần mạnh mẽ cái ác, cái xấu, ca ngợi tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái đúng, xây dựng niềm tin vào chân lý và lẽ phải.
Cũng từ việc tái hiện những góc khuất cuộc đời của Tạ Đình Đề, tác giả cũng muốn chuyển đến bạn đọc, nhất là bạn đọc trong các cơ quan tư pháp, rằng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, không chỉ có quyết tâm cao, lòng dũng cảm mà rất cần tính thận trọng, khách quan và kiên quyết đi đến tận cùng của sự thật. Đây là cuộc đấu tranh cũng gặp không ít rủi ro, chỉ cần sơ sẩy, thiếu cái tâm của người thực thi pháp luật là rất dễ làm oan người vô tội. Truyện ký Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời không chỉ cho ta những bài học về đổi mới tư duy kinh tế, mà còn có nhiều bài học kinh nghiệm về đổi mới công tác tư pháp. Tác giả Dương Thanh Biểu rất có lý khi nhận định: “Vụ án Tạ Đình Đề bị bắt giam, truy tố oan sai cách đây gần nửa thế kỷ. Ngày nay, tình trạng oan sai tuy được giảm nhiều nhưng có vụ vẫn xẩy ra rất nghiêm trọng…Thiết nghĩ, từ vụ án oan Tạ Đình Đề, các cơ quan tư pháp phải luôn luôn thận trọng trong điều tra, truy tố và xét xử để không được tái diễn những trường hợp bị oan như vụ án Tạ Đình Đề nữa…”
Bìa cuốn truyện ký
Đây là tác phẩm có giá trị nhân bản cao. Những người đọc xong tác phẩm này sẽ có nhiều suy ngẫm. Nếu là nhà quản lý kinh tế chắc chắn sẽ tự soi lại mình, để khắc phục những thiếu sót, phát huy ưu điểm, đẩy mạnh quá trình sản xuất kinh doanh phát triển, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Nếu là người lao động, sẽ có động lực hơn trong nghiên cứu, phát minh những sáng kiến, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh theo tấm gương ông Đề. Nếu là cán bộ tư pháp cũng phải tự kiểm nghiệm, đảm bảo cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải công khai, minh bạch, dân chủ, công tâm, khách quan; vừa đấu tranh kiên quyết, kịp thời với các loại tội phạm, vừa không được làm oan cho bất cứ người nào, thực hiện có hiệu quả Chiến lược Cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đối với tác giả TS Dương Thanh Biểu, là đồng nghiệp với nhau gần suốt cuộc đời làm nghề tư pháp, cùng nhau tham gia giải quyết nhiều vụ án lớn, tham gia soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và các chuyên đề khoa học tư pháp…tôi cứ nghĩ mình đã biết nhiều, biết rõ về anh. Thế nhưng sau khi đọc xong tác phẩm: Theo dòng công lý và bây giờ là truyện ký Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời thì tôi thấy mình đã nhầm. Khi còn công tác, tôi chứng kiến công việc của anh quá bận rộn và căng thẳng. Thế nhưng anh đã vươn lên, vừa làm vừa học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ luật học. Và khi anh hoàn thành nhiệm vụ, trở về với gia đình trong sự yêu quý của đồng nghiệp và gia đình. Chỉ từng ấy thôi, tôi đã cảm phục về sự cố gắng cũng như giữ trọn tâm đức của anh rồi. Khi về nghỉ theo chế độ, tôi cứ nghĩ, anh sẽ gác lại tất cả để dành thời gian cho gia đình và con cháu, trong những lúc gặp bạn bè thì cũng chỉ hàn huyên về chuyện đời, chuyện đạo cho thư thái tâm hồn. Thế nhưng, anh đã không ngưng nghỉ, vẫn miệt mài như con tằm nhả kén, để sáng tạo những tác phẩm hữu ích cho đời. Trong thời gian chưa dài, anh đã cho xuất bản nhiều tác phẩm văn học – pháp luật, trong đó có Theo dòng công lý và Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời. Theo tôi nghĩ, để hoàn thành các tác phẩm văn học này, anh không chỉ là người có đầu óc tổng hợp, có ngòi bút sắc sảo, nghĩa khí cao cả mà còn phải có sự ấp ủ và chuẩn bị công phu từ rất lâu. Hơn nữa, đằng sau những câu chuyện mà các tác phẩm đã tái hiện là những bài học kinh nghiệm của cuộc đời làm nghề Kiểm sát. Chứng tỏ anh là người rất yêu quý nghề Kiểm sát và các đồng nghiệp thân yêu, coi đó như một phần máu thịt của mình.
Cảm ơn tác giả Dương Thanh Biểu đã viết nên cuốn truyện ký này, một tác phẩm rất bổ ích cho nhiều lứa tuổi, cho tất cả mọi người đang làm việc trên các lĩnh vực khác nhau, nhất là đối với các cán bộ trong các cơ quan tư pháp.
TS. Đặng Quang Phương (Nguyên Phó Chánh án Thường trực TANDTC)