Sức Khỏe

Suýt mất mạng vì chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ

Chí Tâm 25/04/2023 21:28

Chồng bị đột quỵ, người vợ dùng vật nhọn chích các đầu ngón tay và chân rồi nặn máu, dẫn đến cấp cứu muộn, tình trạng nguy kịch.

Ông Đ.Đ.Q. (60 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) đang ở nhà và có biểu hiện khó nói, tê yếu nửa người. Nghi ngờ ông bị đột quỵ, nghe theo kinh nghiệm truyền miệng, người vợ dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của ông, sau đó nặn máu để chữa bệnh.

Sau chích máu 20 phút không thấy chuyển biến, lúc này gia đình mới đưa ông Q. đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu.

dotquy.png
Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp bệnh viện, đây là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ do có thể gây tình trạng nhiễm trùng tại vị trí chích máu.

Đặc biệt, việc máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu và làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Như trường hợp trên, bệnh nhân bị trì hoãn cấp cứu, nếu đến cơ sở y tế muộn rất có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Hiện, bệnh nhân thở máy và được theo dõi tại khoa Hồi sức, bác sĩ chưa tiên lượng được tình trạng.

Đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên và có xu hướng trẻ hóa. 

Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là: Liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).

Các bác sĩ cho biết, gần đây, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, số bệnh nhân đột quỵ não gia tăng, không ít ca nhập viện khi bệnh đã chuyển biến rất nặng một phần do phát hiện, xử trí ban đầu chưa đúng cách.

Do đó, khi phát hiện người thân bị đột quỵ nên đặt người bệnh ở tư thế nằm, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ; nới rộng quần áo thông thoáng; xoay người bệnh sang một bên để không bị sặc. Điều quan trọng là nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là giờ vàng của đột quỵ não dưới 4, 5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Không để người bệnh đột quỵ não nằm ngửa; không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ; không dùng kim chích đầu ngón tay, ngón chân của người bệnh; không cạo gió...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suýt mất mạng vì chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ