Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 2): Đổi thay nơi huyện đảo

Thanh Phương| 27/05/2014 12:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Khi hòa bình, Cồn Cỏ trở thành huyện đảo từ ngày 1/10/2004, làm lễ ra mắt ngày 18/4/2005, chính thức chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự.

“Chiến hạm” trấn giữ ngoài khơi

Từ hoang sơ, ngổn ngang hố bom, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, dưới bàn tay, khối óc những con người dám nghĩ, dám làm, huyện đảo nay đã có nhiều đổi thay và khởi sắc. Sự đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo của quân và dân đã làm cho hòn đảo thêm xanh. Mỗi tấc đất, thân cây của Cồn Cỏ được trả bằng máu nên những lớp thế hệ sau không ngừng nâng niu, xây dựng, vun đắp để không phụ lòng cha, anh đi trước.

Mất gần ba giờ đồng hồ xuất phát từ Cửa Việt, lênh đênh trên biển, chúng tôi cũng tới được Cồn Cỏ. Từ xa thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên như một chiến hạm trấn giữ ngoài khơi, hình dáng đảo như chiếc bát khổng lồ úp chụp xuống mặt biển xanh mênh mông. Ấn tượng hơn là những ngôi nhà tầng nhấp nhô dưới màu xanh của cây lá. Những bờ đá được kè, đổ đầy các cọc bê tông ba góc hình tròn trông thật bắt mắt. Khi cập bờ, khách sẽ cảm thấy sự lâng lâng giữa muôn trùng sóng biển, vị mằn mặn lẫn trong gió. Sức sống mới tràn trề trên con đường quanh co và cả những ngôi nhà vừa mới dựng lại còn thơm mùi vôi vữa… Cán bộ, chiến sỹ ra tận cầu cảng chào đón khách, tay siết chặt bàn tay cùng nụ cười rạng rỡ giữa đất trời biển đảo quê hương.

Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 2): Đổi thay nơi huyện đảo

Dâng hương tại Tượng đài anh hùng Cồn Cỏ

Thượng tá Hồ Ngọc Giao, Trưởng Công an huyện đảo đưa chúng tôi đi tham quan sau giờ nghỉ trưa. Đường giao thông quanh đảo đã được thảm nhựa phẳng lỳ. Ngay cầu cảng là âu thuyền cho tàu thuyền vào neo đậu và tránh bão. Các công trình trụ sở dân chính Đảng; nhà ở, nhà văn hóa, trường mầm non; hệ thống thông tin liên lạc; trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; hồ thu gom và chứa nước nhân tạo để cải tạo môi trường sinh thái… được xây dựng khang trang. Ngoài ra, còn có một số dự án kè chống xói lở, bảo vệ đảo, cảng cá và khu dịch vụ đang trong quá trình hoàn thiện.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đài tưởng niệm Anh hùng Cồn Cỏ. Trong chiến tranh, để bảo vệ biển đảo quê hương, có không biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Chúng tôi thành kính thắp nén tâm hương, thầm cảm ơn các thế hệ cha anh sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Sóng biển êm đềm, nắng vàng chan hòa đẫm vị mặn của biển khơi. Những cây bàng trái vuông cổ thụ sần sùi trầm mình trong phong ba, gió bão vừa hé mở những nụ mầm mới. Cồn Cỏ bây giờ thật khó tìm ra một hố bom, bãi đạn để mà hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu với máy bay và tàu chiến của địch. Dưới bàn tay, khối óc của con người, những vết thương chiến tranh ở Cồn Cỏ dường như mau lành hơn, xanh mơn man như chưa hề bị bom đạn bắn phá. Đứng trên nóc ngọn hải đăng ở đồi 63, điểm cao nhất của đảo, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ nơi này. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn đảo: Những công trình kiến trúc mới xây dựng với nhiều sắc màu nổi bật giữa cánh rừng xanh bạt ngàn. Xung quanh là biển xanh màu ngọc bích với nhiều tàu thuyền đang căng lưới đánh bắt hải sản. Khung cảnh thật nên thơ và thanh bình.

Ông Giao cho biết, đã 10 năm làm việc trên đảo nhưng chưa có bất kỳ một vụ vi phạm, trộm cắp nào diễn ra. Lực lương Công an chủ yếu làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, dạy người dân cách trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt là giúp dân sơ tán, sửa chữa nhà cửa mỗi khi có mưa, bão. Hiện, đảo Cồn Cỏ đã có 11 hộ dân đang sinh sống, với số dân gần 50 người. Ngoài ra là một lượng lớn các công nhân từ đất liền ra xây dựng các công trình trên đảo và một số ngư dân theo tàu đánh cá cập vào, neo đậu nghỉ ngơi sau hành trình dài vất vả.

Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ tâm sự: Mười năm qua thật nhanh, Cồn Cỏ đã thay da, đổi thịt hoàn toàn. Tất cả các cơ quan, trụ sở các đơn vị, phòng ban... đều được xây mới hoặc sửa chữa khang trang. Đến nay, 100% hộ dân, các cơ quan, đơn vị trên đảo có điện sinh hoạt, có nước ngọt đủ dùng. Những thanh niên xung phong ra xây dựng đảo gần mười năm trước, nay đã sống ổn định bằng nghề chăn nuôi gia súc, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, dịch vụ. Hiện, chính quyền huyện đảo triển khai thực hiện đề án quy hoạch Cồn Cỏ thành đảo du lịch, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch lịch sử truyền thống, đồng thời là nghỉ dưỡng, sinh thái biển, khám phá rặng san hô... Hiện nay, Cồn Cỏ đang đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng nhà ở để người dân đất liền ra đây sinh sống. Năm 2013 là năm huyện thu hút được số vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, đạt gần 180 tỷ đồng. Nhờ vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được đảm bảo. Các ngành giáo dục, y tế được chú trọng phát triển… 100% trẻ em được đến trường. Năm qua có gần 1.500 lượt du khách đến thăm đảo. Đặc biệt ở đây không xảy ra phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông hoặc các tệ nạn xã hội khác...

Hệ sinh thái đa dạng, tiềm năng du lịch lớn

Hệ sinh thái rừng ba tầng trên đảo Cồn Cỏ được coi là hiếm ở Việt Nam bởi hòn đảo được kiến tạo từ núi lửa hàng triệu năm giữa biển khơi. Trải qua sự tàn phá của bom đạn, nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ hiếm có. Với hơn 70% diện tích là rừng, có nhiều loài thảo mộc quý hiếm. Đi dọc con đường đã thảm nhựa dọc quanh đảo chừng 5km, đâu cũng thấy cây bàng vuông, cây phong ba biểu tượng nơi đầu sóng của hải đảo tiền tiêu.

Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 2): Đổi thay nơi huyện đảo

Cây bàng vuông, biểu tượng của đảo tiền tiêu

Trong khu rừng dày đặc, có những thân cổ thụ hai, ba người ôm, rất nhiều cây dây leo nở hoa khoe sắc suốt bốn mùa. Thi thoảng còn bắt gặp hầm hào công sự, dấu tích của một thời chiến tranh oanh liệt.

Cồn Cỏ nổi tiếng có dải san hô bao quanh đảo từ độ sâu 4m trở lên, có nơi mật độ san hô dày, hình khối rất đẹp. Theo khảo sát, hiện san hô ở đây có tới 109 loài, 42 giống, 15 họ, nhất là loài san hô đỏ. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532ha, theo loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm hệ sinh thái san hô và các loài động, thực vật biển phong phú và quý hiếm như rong biển, sao xanh, hải sâm, dưa chuột biển và nhiều thuỷ, hải sản có giá trị khác... Đặc biệt, loài cua đá ở đây đang được đưa vào danh sách bảo tồn, cấm đánh bắt. Hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, nhất là những con người trên đảo quý khách như người thân lâu ngày mới gặp là những tiềm năng du lịch lớn.

Năm 2014, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập huyện và 55 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang huyện. Với quyết tâm của những con người “ăn sóng, nói gió”, hậu quả của cơn bão số 10 và số 11 sẽ được khắc phục nhanh chóng, cơ sở hạ tầng sẽ từng bước được hoàn thiện. Đời sống nhân dân được ổn định và nâng cao, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp, các ngành sẽ biến Cồn Cỏ thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 2): Đổi thay nơi huyện đảo