Việc có các hộ dân sống trong vùng lõi tạo ra sức ép rất lớn với rừng. Còn cuộc sống của người dân ở đây cũng chẳng sung sướng gì, thông thường là 4 không: Không đường giao thông, không điện sáng, điện thoại, không trường học, không trạm xá...
Cuộc sống của họ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Việc mưu sinh của họ rất khốn khó, nếu nguồn tài nguyên từ rừng ngày một cạn kiệt thì nguồn sống của họ cũng ngày càng cơ cực hơn. Vì thế, Nhà nước phải cứu trợ gạo hàng tháng. Từ đó, không ít người có tư tưởng “há miệng chờ sung”, không chịu lao động, rượu chè bê tha, kéo theo một loạt hệ lụy...
Kỳ 2: Khốn khó đời sống người dân ở lõi rừng
Sức ép người dân trong vùng lõi
Theo tìm hiểu của PV, khi thành lập, khu vực Cúc Phương (trên địa bàn hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình) có khoảng 5.000 người sống trong vùng lõi, hiện vẫn còn khoảng 2.000 người sống dọc theo bờ sông Bưởi bên trong vườn. Khoảng trên 50.000 dân sống ở vùng đệm của vườn, phần lớn sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên bên trong vườn. Lâm sản bị khai thác mạnh nhất là gỗ và củi. Việc thu hoạch ốc, nấm, măng làm thức ăn cũng như việc đi lấy thân chuối làm thức ăn gia súc diễn ra thường xuyên. Hoạt động săn bắn và bán động vật hoang đã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng các loài thú, chim và bò sát trong vườn. Một số loài thú lớn đã tuyệt chủng ở Cúc Phương.
Hàng ngày người dân vào rừng kiếm củi, gùi đi hàng chục km nhưng bán chẳng được là bao
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi rừng tương đối lớn. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước) có 10 thôn, 408 hộ, 2.165 khẩu. Bao quanh Vườn quốc gia Bến En có tới 9 xã thuộc diện 30A và vùng 135; có 25 thôn vùng đệm giáp ranh Vườn và 9 thôn trong vùng lõi với tổng số hộ là 1.768 hộ, 7.956 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, tập quán sinh sống chủ yếu dựa vào rừng và phát nương làm rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Có tới 242 đường mòn, đường lâm nghiệp (của Lâm trường Như Xuân trước kia) đi vào rừng. Những yếu tố trên đã tạo một áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nơi đây.
Một góc rừng đặc dụng bị đốt trụi tại Vườn quốc gia Bến En
Việc người dân đang sinh sống bên trong vùng lõi và vùng đệm tiếp tục là mối đe dọa tới môi trường tự nhiên Vườn Quốc gia. Người dân thường xuyên di chuyển tới nơi mới phá rừng làm nương rẫy và trồng mía. Nếu hiện tượng phá rừng không được kiểm soát, sẽ dẫn đến sự cô lập vùng lõi với các vùng xung quanh và giảm tầm quan trọng về bảo tồn của Vườn Quốc gia. Ban Quản lý vườn dự định di chuyển người dân ra ngoài vùng lõi của vườn. Cho đến nay, kế hoạch này vẫn không thực hiện được do không có kinh phí và người dân không ủng hộ bởi họ hiểu đơn giản rằng, kế hoạch di chuyển tới vùng đệm nếu được thực hiện, trong tương lai, sự khai thác, sử dụng tài nguyên rừng của họ sẽ bị hạn chế và họ ít có cơ hội quay trở lại…
Khốn khó cuộc sống ở lõi rừng
Bản Nà Đang (xã Lâm Phú, Lang Chánh) có 50 hộ, hơn 200 nhân khẩu, người dân tộc Thái. Đường giao thông ở đây rất khó khăn, phương tiện thuận lợi nhất là đi bộ. Theo chương trình 30A, bản này đang được đầu tư xây dựng đường điện nhưng do nguồn vốn khó khăn nên hiện tại, ở đây chỉ mới chôn được vài cây cột. Người dân trong bản vẫn phải dùng đèn dầu. Do nằm trong vùng lõi rừng nên bản bị chia cách với thế giới bên ngoài. Cả bản trông chờ vào 9ha đất lúa năng suất kém và một ít đất khai hoang để trồng ngô, trồng sắn, người dân không được giao đất rừng (đất 02). Ruộng bậc thang bị các quả đồi và cây cối che phủ nên năng suất rất thấp, mỗi sào thu hoạch được khoảng 40-50kg. Để mưu sinh, người dân phải vào rừng hái măng, đốn củi, săn bắn các loài thú rồi đi bộ mấy chục cây số xuống trung tâm xã để bán.
Trẻ con nheo nhóc, gầy còm
Chị Vi Thị Nùng (33 tuổi) nhưng nhìn chị như đã ngoài 40 do cuộc sống lam lũ từ bé. Bỏ bó củi mà chị oằn mình lấy từ trên rừng xuống, chị tâm sự: “Mỗi ngày tôi thường vào rừng kiếm củi, mang xuống bán cho người ta, may ra cũng kiếm được 20.000 đồng. Khổ cực vất vả lắm. Không đi bán củi thì cũng chẳng có việc gì làm, bụng lại đói. Nhà có 3 đứa con nhỏ, chồng lại hay đau ốm nên đã nghèo lại càng nghèo túng hơn. Người dân bước chân xuống khỏi nhà là đất của Nhà nước, không được trồng gì cả. Không có gì ăn, chỉ nuôi được vài con gà thôi”. Hiện nay, UBND huyện Lang Chánh đang cứu trợ cho mỗi khẩu 15kg gạo/tháng.
Người dân sống ở Làng Lung, xã Tân Bình, huyện Như Xuân cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Cả Làng Lung có hơn 40 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường, 100% là hộ nghèo nằm trong lõi rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bến En. Người dân ở đây đã sống nhiều đời nay với rừng. Họ canh tác một phần đất trũng để trồng lúa năng suất thấp và đánh bắt cá. Bước chân khỏi nhà là rừng đặc dụng, bà Nguyễn Thị Nương (42 tuổi) cho biết: “Ruộng cấy có một ít, vụ này chuột phá hết rồi chú ạ. Cá, tôm trên hồ ngày một hiếm. Cả nhà chẳng biết lấy gì ăn. Cầm dao đi vào rừng thì bị cấm. Nhiều nhà đã bất chấp đốt, phá rừng để có đất canh tác. Họ xử phạt cũng phải chấp nhận, mà nói thật, nhà chẳng có gì để nộp phạt. Nhiều thế hệ chúng tôi đã sống ở đây, giờ chỉ mong sao Nhà nước cấp cho một ít đất để ổn định cuộc sống”.
Người lớn tất bật kiếm cái mưu sinh mà đói vẫn hoàn đói. Trẻ con thì gầy còm, nheo nhóc, thất học, trò chơi phổ biến nhất của chúng là nghịch đất, lớn lên chút thì vào rừng hái măng, tìm nấm, kiếm củi… ngày này qua ngày khác mà chẳng biết khi nào mới thoát cảnh nhịn đói qua ngày(!?).
Trò chơi phổ biến của trẻ con nơi đây là nghịch đất
Ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cũng phân trần: “Dân người ta sống ở đó bao đời nay, không có đất sản xuất nông nghiệp thì không an cư được. Còn bảo họ chuyển ra khỏi vùng lõi rừng thì chẳng biết đi đâu, lấy tiền bạc, đất đai đâu mà cấp cho các hộ. Ngoài Làng Lung, xã còn thôn Sơn Thủy, thôn Rộc Nái cũng rất khó khăn. Nhiều khi, người dân đốt, phá rừng rất khó ngăn chặn. Xử phạt hành chính thì dân không có tiền, tuyên truyền vận động mãi mà cái bụng vẫn đói thì không giải quyết được việc gì…”.
(Còn nữa)