Sửa luật để xử lý nghiêm hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Phương Ngoan (Trường ĐBQG TP.HCM)| 26/08/2020 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc nhập cảnh trái phép từ lâu đã trở thành một vấn nạn được quan tâm hàng đầu, vì nó xâm phạm đến an ninh và trật tự xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay.

Gần đây, Tòa án đã đưa ra xét xử một số vụ án liên quan đến vấn đề này với mức hình phạt từ 2 đến 5 năm tù giam, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe và xử lý triệt để hơn nữa những hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần phải sửa các quy định liên quan theo hướng tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép; sửa đổi quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 BLHS 2015.

Một số vụ án điển hình

Hiện nay đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang gây ra hàng loạt những thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và kinh tế, các quốc gia đã có những chính sách hạn chế việc xuất nhập cảnh giữa các quốc gia để giảm thiểu thiệt hại.

Tại Việt Nam, gần đây xuất hiện rất nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau như sang Việt Nam đi làm thuê, đánh bạc, người Việt Nam đi làm thuê ở các nước lân cận tìm mọi cách trở về trốn dịch. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trong gần 2 tháng qua (tính đến ngày 26/7/2020), có hơn 4.000 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới đã bị bắt giữ. Số người nhập cảnh trái phép này có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 rất cao nếu không kịp thời ngăn chặn.

Sửa luật để xử lý nghiêm hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Phiên tòa xét xử vụ án đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại Quảng Ninh

Có thể thấy rằng bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, tiếp tục siết chặt các đường mòn, lối mở, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới từ lực lượng bộ đội biên phòng, công an nhân dân, người dân địa phương trên cả nước, việc xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh và tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép là hết sức cấp thiết. Việt Nam là một quốc gia có đường biên giới dài, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia có dân số đông nên rất khó kiểm soát hết việc nhập cảnh trái phép qua các đường tiểu ngạch, đường sông, đường rừng ở các tỉnh biên giới để vào nước ta. Các đối tượng đưa người xuất nhập cảnh trái phép lại chính là người Việt Nam sinh sống ở ven biên giới, thông thuộc địa bàn. Còn tuyến biên giới phía Bắc, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép cũng diễn ra phức tạp.

Vừa qua, TAND tỉnh Lạng Sơn đã đã xét xử vụ án về tội Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS 2015. Nội dung vụ án thể hiện: Ngày 16/10/2019, các bị cáo Âu Văn S và Hoàng Văn T đưa 4 người khách Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn để đón và đưa xuống khu vực Casino, để hưởng lợi với số tiền 2 đối tượng được hưởng là: 358.400 đồng và 250.000 đồng. Sau khi xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Âu Văn S là 2 năm tù treo và 1 năm 6 tháng tù treo đối với bị cáo Hoàng Văn T.

Hay mới đây nhất, ngày 4/8/2020, tại trụ sở UBND xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Trước đó, trong hai ngày 9 và 10/6, nhóm của Voòng A Sủi đã 2 lần tổ chức cho 6 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đã bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ. Trong đó, Voòng A Sủi đóng vai trò chính, chỉ đạo, 5 người còn lại giúp sức cho Sủi. Sau mỗi vụ trót lọt, nhóm của Sủi thu 4.000 NDT/người, tương đương hơn 13 triệu đồng/người. HĐXX đã tuyên phạt Voòng A Sủi và Voòng A Hây cùng 6 năm tù, Lỷ A Tằng 5 năm tù, Phùn Quay Phóng 4 năm tù; các bị cáo Nình Văn Xuân, Phùn Văn Dũng 2 năm tù.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của TANDTC qua việc ban hành Công văn số 109/TANDTC-PC về việc tổ chức xét xử các vụ án liên quan phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh trái phép, bản án đã được tuyên với hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe.

TANDTC cũng yêu cầu TAND các cấp chủ động phối hợp với cơ quan tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; Tội ở lại Việt Nam trái phép; Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật.

Các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép cần được sửa đổi

Tại Việt Nam, hiện nay, trách nhiệm pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định đối với hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép cũng nghiêm khắc và nặng hơn so với hành vi nhập cảnh trái phép. Trong đó, người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam có thể bị xử phạt hành  chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hành chính, theo quy định tại Điều 17.6.đ Nghị định 167/2013/NĐ–CP thì người có hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép bị phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.

Về trách nhiệm hình sự, BLHS 2015 dành riêng Điều 348 để quy định về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Đây là một tội danh mới so với BLHS 1999, theo đó, những người vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì sẽ bị phạt tù với mức hình phạt tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Trong đó, tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, tạo điều kiện, sắp xếp để người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Còn môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép được hiểu là hành vi làm trung gian giữa các bên để thu xếp cho người khác nhập cảnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Về mức hình phạt, người có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo tính chất và vi mức độ nguy hiểm của hành. Bên cạnh đó, người có hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, BLHS hiện hành lại không quy định về việc tịch thu các khoản lợi bất chính có được từ hành vi phạm tội. Chúng tôi cho rằng đây là một bất cập cần phải hoàn thiện.

Dưới góc độ thực tiễn áp dụng, có thể thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này chỉ mới được triển khai kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid 19 bùng phát trở lại.

Qua hai vụ án trên, có thể thấy rằng việc xử lý tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh vào Việt Nam cần phải xét xử thật nghiêm khắc, đúng người đúng tội, đồng thời cần tăng cường rà soát, kiểm tra tránh bỏ lọt tội phạm và bỏ lọt người phạm tội không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà kể cả trước, trong và sau dịch, từ đó, đảm bảo ngăn ngừa và giải quyết triệt để tội phạm, đảm bảo an toàn cho đời sống xã hội.

Theo Ths. Lưu Minh Sang (Trường ĐHQG TP Hồ Chí Minh) nhận định: Từ thực tiễn xử lý những trường hợp nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép trên thực tế, cùng với sự tham khảo trong quy định xử phạt của các nước trên thế giới, như Anh và Pháp, có thể thấy rằng, một số vấn đề trong quy định pháp luật Việt Nam và trong công tác xử lý hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép cần được sửa đổi, hoàn thiện nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép.

Thứ nhất, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến nhập cảnh trái phép. Bởi lẽ với mức xử phạt hành chính thấp như hiện nay là chưa đủ sự răn đe. Thực tế đã chứng minh điều này khi những hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép diễn ra rất thường xuyên và phổ biến dù đã có những trường hợp bị phạt  trước đó. Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình kiểm soát dịch Covid-19 thì vẫn có rất nhiều người bất chấp pháp luật, tiếp tục vi phạm những quy định về xuất nhập cảnh.

Thứ hai, sửa đổi quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 BLHS 2015 theo hướng dựa trên mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi đối với xã hội chứ không dựa vào số lần xử phạt vi phạm hành chính. BLHS cần dự liệu và bổ sung những tình huống có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội phát sinh từ hành vi nhập cảnh trái phép như là một yếu tố cần thiết về mặt khách quan của tội phạm. Đồng thời chúng tôi cho rằng, cần phải quy định hình phạt bổ sung tịch thu các khoản lợi bất chính từ hành vi tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để xử lý nghiêm hành vi nhập cảnh, tổ chức, môi giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam