Ngày 5/12/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT/BYT quy định yêu cầu với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường. Theo đó, sữa học đường phải bổ sung đủ 21 vi chất.
Hơn 3 năm để có được tiêu chuẩn sữa học đường
Vào năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường và giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học.
Trong quá trình tìm ra tiêu chuẩn chính thức, Bộ Y tế đã có quy định tạm thời về tiêu chuẩn sữa học đường. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện những quy định này bởi vì nó chỉ là “quy định tạm thời”. Trong thời gian qua, không ít cuộc tranh luận, nhiều khi khá gay gắt xung quanh việc thực hiện Chương trình sữa học đường. Người ta cãi nhau là sữa học đường thì cần bổ sung bao nhiêu loại vi chất.
Nay, với Thông tư 31/2019/TT/BYT, điều này đã được quy định rõ ràng, chính thức. Theo đó, đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường, Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể theo Thông tư này; cụ thể, 21 vi chất dinh dưỡng đó là: Vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, axit folic, vitamin K1, kẽm, đồng, i ốt, selen, phospho, magie.
Danh sách 21 vi chất này được các nhà khoa học tìm ra, đưa chúng vào sữa học đường trên cơ sở nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng. Như vậy, phải mất hơn 3 năm, các cơ quan chức năng mới tìm ra được tiêu chuẩn vừa ý cho sữa học đường. Hi vọng điều này sẽ tạo điều kiện để các địa phương còn chần chừ thực hiện Chương trình sữa học đường phải tiến hành khẩn trương.
Thông tư 31/2019/TT/BYT chính thức có hiệu lực ngày 20/1/2020.
Không còn lý do gì để chậm trễ thực hiện Chương trình sữa học đường
Mặc dù Chương trình sữa học đường đã được đưa ra từ lâu, mục đích, ý nghĩa của nó thì ai cũng thấy: Cải thiện tầm vóc người Việt. Báo chí đã nói nhiều về điều này nhưng hiện nay mới chỉ có 17/63 tỉnh, thành triển khai Chương trình sữa học đường. Như vậy là mới chỉ có ¼ số tỉnh, thành đang thực hiện chương trình này; ¾ tỉnh, thành còn lại lấy lý do là chưa có tiêu chuẩn chính thức để “khất lần, khất lữa” việc thực hiện.
Sữa học đường-giải pháp tối ưu cải thiện chiều cao của người Việt (Hình minh họa_Zing)
Cần phải nhắc lại điều này: Người Việt Nam chúng ta hiện nay bị xem là rất hạn chế về chiều cao. Cụ thể, theo bảng xếp hạng này, người Việt Nam với chiều cao trung bình đầu người là 162,1cm đã bị xếp vào lùn thứ 4 thế giới, cụ thể chiều cao trung bình đối với nam là 162,1cm và nữ giới là 152,2cm. Con số này khiến nhiều người tự ti. Nhưng đây là thực tế phải khắc phục chứ không có cách nào khác!
Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… đã thực hiện Chương trình sữa học đường từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội - cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.
Phản đối việc bổ sung vi chất vào sữa học đường là điều phi lý
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đóng góp xây dựng cho chương trình mang đầy tính nhân văn này, không ít trang mạng xã hội lại đăng tải những thông tin trái chiều theo hướng không tích cực. Hàng loạt thông tin thiếu căn cứ quanh việc bổ sung đa vi chất vào Sữa học đường như cho trẻ uống sữa đủ 21 vi chất là đem hàng triệu học sinh ra thí nghiệm”, “cho học sinh uống thực phẩm chức năng”!?
Nhiều người còn đánh giá Bộ Y tế khi cho rằng việc ban hành Thông tư 31 về Sữa học đường ngày 5/12 vừa rồi là “vội vàng”, “không có cơ sở khoa học”... Đặc biệt, họ đặt ra vấn đề: Không thể bổ sung đến 21 vi chất vào Sữa học đường vì sẽ “ảnh hưởng đến sức khoẻ” học sinh?!
Một số ý kiến thậm chí còn đặt vấn đề: Mỗi huyện có thực trạng, chế độ dinh dưỡng khác nhau nên phải tiến hành nghiên cứu lâm sàng trẻ em ở từng huyện rồi mới có thể quyết định bao nhiêu vi chất! Họ đang làm thay các chuyên gia dinh dưỡng, cố tình phủ nhận hoặc bỏ qua các phương pháp nghiên cứu, thực nghiệm về dinh dưỡng.
Tất cả các ý kiến phản đối, thậm chí lên án đều đưa ra các luận điểm, chứng cứ mập mờ càng gây hoang mang cho các phụ huynh.
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi có ba con nhỏ đang tham gia chương trình Sữa học đường. Do đó, những thông tin về sữa học đường tôi rất quan tâm. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư cụ thể về việc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường, tôi cảm thấy rất tin tưởng từ nay sữa con tôi uống hàng ngày đã được kiểm tra cụ thể đúng theo tiêu chuẩn".
Trước các thông tin phản bác trái chiều trên, chị Hà chia sẻ "Tôi thấy những thông tin đó đều xuất phát từ các tài khoản mạng xã hội chuyên đăng tin phản động, hoặc chủ nhân facebook dạng "ảo" chứ không phải là các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Rõ ràng, họ tung ra các thông tin bịa đặt nhằm phá hoạt chương trình sữa học đường, cũng giống như việc tung tin đồn nhảm về bắt cóc trẻ con, bệnh dịch trước đó, tại sao lại không bị xử lý? Những thông tin đó làm nhiều phụ huynh thêm lo lắng, hoang mang nên tôi rất mong các phụ huynh nên sáng suốt khi ấn nút chia sẻ các luồng thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng "ảo", tuy rằng mạng "ảo" những những thông tin trên sẽ để lại hậu quả thực sự nặng nề".
Chị Thanh Hà, Uỷ viên Ban phụ huynh lớp 5C, thành viên Hội Phụ huynh của trường Tiểu học Ái Mộ A cho rằng: "Vừa qua, đội tuyển bóng đá nam chúng ta dành chức vô địch tại SEA Games. Thế hệ cầu thủ trẻ cao đến 1m85, thể lực không hề kém cạnh những cầu thủ của Châu Âu. Trong khi những lứa cầu thủ trước đó đều thấp hơn so với đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á. Là một người mẹ có con trai cũng rất yêu thích bóng đá, tôi cũng hy vọng con tôi sẽ cao lớn, có thể lực như vậy. Để có thể thay đổi được chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam, việc bổ sung những loại sữa đủ 21 chất dinh dưỡng theo như Thông tư vừa được ban hành là rất cần thiết. Do đó, mọi thông tin phản đối là hết sức phi lý".
Đa phần các phụ huynh cũng cho rằng, những tài khoản đăng tải các luồng thông tin thiếu căn cứ trên cần bị xử lý trách nhiệm. Nếu các phụ huynh chưa hiểu và thiếu thông tin về sữa học đường, Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các nhà trường nên lắng nghe và giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, với tinh thần mọi phụ huynh đều có quyền có thông tin chính xác, đầy đủ nhất về chương trình.
Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm triển khai đến phụ huynh và cung cấp thông tin chuẩn xác thay vì để phụ huynh nghe những nguồn tin chưa được kiểm chứng và hoang mang không đáng có.
Trước những thông tin về những vi chất đưa vào sữa học đường liệu có cần thiết và đảm bảo an toàn hay không thì nhà trường và các phòng GD&ĐT cũng nên đưa lên trang web của trường hoặc gửi email tới từng cha mẹ học sinh, dán lên bảng thông báo của các trường văn bản giải thích cặn kẽ với đầy đủ căn cứ khoa học và pháp lý từ phía nhà cung cấp sản phẩm để các bậc phụ huynh và học sinh có đầy đủ thông tin và thêm vững tin về sữa học đường mà con em mình uống mỗi ngày.