Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế

Phương Nam| 19/07/2019 09:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đang được lấy ý kiến các bộ ngành. Dưới đây là một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Không quy định về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp

Theo Bộ Tư pháp, trong quá trình soạn thảo, một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, trong đó tập trung vào 02 vấn đề xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp và công tác giám định pháp y, cụ thể như sau:

 Về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp: một số ý kiến cho rằng cần mở rộng xã hội đến các lĩnh vực mà xã hội thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên, cần cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp như giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy…

Về giám định pháp y: Luật năm 2012 quy định, ở địa phương có Trung tâm pháp y cấp tỉnh; riêng ở công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có tổ chức giám định pháp y mà căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh có giám định viên pháp y tử thi. Nay, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng: giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự, ngoài thực hiện giám định pháp y tử thi còn thực hiện giám định pháp y thương tích (như nhiệm vụ của Trung tâm pháp y). 

Mặt khác, Bộ Y tế cho rằng, cần có quy định để giải quyết vấn đề đầu mối phối hợp trong pháp y y tế và pháp y công an, việc phát triển 2 lực lượng giám định pháp y như nhau sẽ gây lãng phí không cần thiết.

Bộ Tư pháp cho rằng, xã hội hóa giám định tư pháp là vấn đề lớn có liên quan đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã từng được nghiên cứu kỹ khi xây dựng Luật năm 2012 nhưng không được quy định do nội dung không phù hợp với Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đối với vấn đề giám định pháp y địa phương, 2 bộ quản lý ngành hiện có ý kiến khác nhau, tuy nhiên qua tổng kết Luật năm 2012 cho thấy, quy định về tổ chức và hoạt động giám định pháp y trong Luật là cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn hiện nay. Vấn đề vướng mắc về phối hợp giữa 2 lực lượng pháp y ở địa phương sẽ được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết trong khâu tổ chức thực hiện.

Một số ý kiến đề nghị có quy định thống nhất 2 lực lượng pháp y y tế và pháp y công an ở địa phương để tránh lãng phí nguồn lực, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Đề nghị bổ sung đội ngũ giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh vào tổ chức giám định tư pháp công lập; quy định giám định viên pháp y ở Phòng kỹ thuật hình sự được làm cả giám định pháp y thương tích,trên người sống.

Theo Bộ tư pháp, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với công tác giám định tư pháp trước yêu cầu của đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới hiện nay, dự kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp tập trung giải quyết những vấn đề những tồn tại, hạn chế về giám định tư pháp nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Do đó, không sửa đổi, giải quyết một số vấn đề khác mà một số cơ quan có đề xuất như vấn đề thống nhất đầu mối pháp y ở địa phương, xã hội hóa giám định tư pháp... vì những vấn đề này cần phải có thời gian nghiên cứu dài rộng và đặc biệt là liên quan đến việc sửa đổi Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành của Luật giám định tư pháp năm 2012.

Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế

Ảnh minh họa

Về ý kiến cán bộ, công chức, viên chức trong nhà nước được thành lập Văn phòng giám định tư pháp, xin giải trình như sau: khi thành lập Văn phòng giám định tư pháp - tổ chức giám định tư pháp chuyên trách (ngoài công lập) là không phù hợp với quy định pháp luật về cán bộ, công chức, cũng như thực tế, nếu cán bộ, công chức, viên chức cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ thì không thể có điều kiện hoàn thành tốt cả hai trách nhiệm

 Vấn đề giám định phục vụ cho công tác thanh tra

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về hoạt động giám định phục vụ công tác thanh tra để góp phần đấu tranh chống tham nhũng vì Luật Thanh tra đã quy định cơ quan Thanh tra có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng không có cơ chế để thực hiện. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng ý quy định nội dung giám định phục vụ công tác thanh tra trong dự án Luật.

Vấn đề này, theo giải trình của Bộ Tư pháp: Theo quy định của pháp luật thì người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra (Điều 48, Điều 55 Luật Thanh tra). Tuy nhiên, pháp luật về thanh tra chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trưng cầu và thực hiện giám định... Chính vì vậy, giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra thời gian qua gặp khó khăn, nhất là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức né tránh việc giám định, giám định không kịp thời.

Theo Bộ tư pháp, qua nghiên cứu thấy rằng, Luật Giám định tư pháp có phạm vi điều chỉnh là hoạt động giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng, bản chất là hoạt động tư pháp, trong khi đó, hoạt động giám định phục vụ cho công tác thanh tra mang tính hành chính. Do đó, việc bổ sung quy định hoạt động giám định phục vụ cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo vào Luật Giám định tư pháp cần được cân nhắc ở mức độ hợp lý.

Để khắc phục bất cập hiện nay do không có quy định hướng dẫn thực hiện giám định để phục vụ công tác thanh tra, Bộ Tư pháp dự kiến bổ sung vào điều khoản thi hành quy định: Trường hợp các tổ chức giám định tư pháp, các cơ quan, tổ chức chuyên môn được cơ quan thanh tra trưng cầu giám định phục vụ hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì áp dụng các quy định về tiếp nhận, thực hiện giám định và quy định khác có liên quan của Luật này để thực hiện. Trong trường hợp này, kết luận giám định không phải là kết luận giám định tư pháp và giao cho Chính phủ quy định chi tiết (Điều 2 dự án Luật).

Về phân cấp trưng cầu và tiếp nhận giám định tư pháp: Liên quan đến việc dự án bổ sung quy định phân cấp trưng cầu và thực hiện giám định còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, quy định phân cấp như dự án Luật là không phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng vì: việc lựa chọn cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện giám định tư pháp là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên có quy định phân cấp việc trưng cầu và thực hiện giám định vì: thực tế thời gian qua, có nhiều vụ việc không phức tạp, các cơ quan, tổ chức ở địa phương có đủ năng lực để thực hiện giám định nhưng cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương vẫn trưng cầu giám định các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Điều này đã gây nên quá tải cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Để vẫn bảo đảm quyền năng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lựa chọn cơ quan, tổ chức thực hiện giám định khi phân cấp, dự thảo thể hiện theo hướng quy định “linh hoạt”, “mềm dẻo” về phân cấp thực hiện giám định (khoản 4 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế