Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng

Phương Nam| 17/07/2019 18:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại các Phiên họp thứ 13, 14 và của BCĐ trung ương về PCTN đã yêu cầu sửa đổi Luật Giám định tư pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN trong tình hình mới.

Khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ ngành. Để khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử, dự án Luật bổ sung một số quy định sau:

Ngoài những trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, chỉ khi cần có đánh giá, kết luận của tổ chức, người giám định tư pháp về chuyên môn về nội dung, vấn đề có liên quan trong vụ án, vụ việc để chứng minh hành vi phạm tội, thiệt hại, hậu quả của hành vi phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định; trong trường hợp đã có chứng cứ, tài liệu xác định được nội dung, vấn đề cần chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng thì không tiến hành trưng cầu giám định tư pháp(sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25).

Trường hợp nội dung trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người tiến hành tố tụng phải xác định nội dung, lĩnh vực chính cần giám định và cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định. Quy định này nhằm khắc phục việc các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn khi cần trưng cầu giám định đối với các vụ án tham nhũng có quy mô lớn liên quan đến chuyên môn của nhiều Bộ, ngành khác nhau như thời gian qua (sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 25).

Sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp (khoản 3 Điều 33a được bổ sung).

 Dự thảo bổ sung quy định về thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Điều 26a được bổ sung quy định: Thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác tối đa là 03 tháng và có thể được gia hạn nhưng phải bảo đảm thời gian giám định phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng (pháp luật tố tụng hình sự thì thời hạn điều tra tối đa là 4 tháng và có thể gia hạn).

Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng

Ảnh minh họa

Quá trình soạn thảo, có ý kiến cho rằng, vấn đề căn cứ trưng cầu giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định và thời hạn giám định thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tố tụng nên cần cân nhắc khi quy định trong Luật này. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hiện hành chỉ quy định một số nội dung cơ bản về giám định tư pháp, nhiều nội dung khác do Luật giám định tư pháp quy định. Các vấn đề nêu trên đều là những khó khăn, vướng mắc nhất trong thời gian qua khi giải quyết các vụ án tham nhũng nhưng chưa được quy định trong Luật về tố tụng, do đó, trong bối cảnh các bộ luật về tố tụng mới được ban hành năm 2015, chưa có điều kiện để sửa đổi, bổ sung thì có thể quy định các nội dung này ngay trong Luật giám định tư pháp mà vẫn không mâu thuẫn, xung đột với pháp luật tố tụng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

 Để khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ, gây quá tải cho các cơ quan này, thời gian thực hiện bị kéo dài v.v..., dự án Luật quy định theo hướng: Đối với giám định lần đầu, người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện giám định. Trường hợp nội dung cần giám định lần đầu vượt quá năng lực, điều kiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương thì người trưng cầu giám định trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương khác có đủ điều kiện hoặc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở cấp Trung ương thực hiện. Người trưng cầu giám định ở cấp Trung ương trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở cấp Trung ương thực hiện(sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25).

Trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác giám định tư pháp

Dự án Luật bổ sung quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của bên trưng cầu và bên được trưng cầu. Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định. Tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm phân công, bảo đảm thời gian thực hiện giám định cho người đã được phân công (Điều 24 được sửa đổi, bổ sung). Người giám định có trách nhiệm kết luận rõ ràng, nhận xét, đánh giá cụ thể về chuyên môn những nội dung được trưng cầu (điểm g, khoản 1 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung)

Theo quy định hiện hành thì kinh phí giám định được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để thanh toán cho cá nhân, cơ quan, tổ chứcthực hiện giám định. Vướng mắc lớn nhất hiện nay liên quan đến vấn đề kinh phí giám định không phải là nguồn kinh phí mà là quy trình, thủ tục thanh toán rất phức tạp, chậm trễ, gây ách tắc cho hoạt động giám định.

Để khắc phục tình trạng này, Điều 36 được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: Trường hợp việc giám định được thực hiện bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức do nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ cấp trực tiếp chi phí giám định cho cá nhân, cơ quan, tổ chức này. Trường hợp việc giám định được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức không do nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thì việc chi trả kinh phí giám định vẫn thực hiện thông qua cơ quan tiến hành tố tụng như hiện nay.

Dự án Luật xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác giám định tư pháp. Theo đó, Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, cụ thể Bộ, ngành có trách nhiệm lựa chọn, ra quyết định công nhận và đăng tải danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc làm căn cứ để cơ quan trưng trưng cầu giám định; chỉ định đơn vị đầu mối thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ giúp tham mưu trong công tác giám định tư pháp (Điều 41 được sửa đổi, bổ sung).

Bổ sung quy địnhtrách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước đối với công tác giám định. Theo đó, kiểm toán nhà nước thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu; công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý (bổ sung Điều 41a). Theo quy định này, Kiểm toán nhà nước thực hiện giám định như một tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Quy định này phù hợp với chức năng của Kiểm toán nhà nước và yêu cầu thực tiễn của việc thực hiện giám định của Kiểm toán nhà nước hiện nay.

Ngoài ra, để tăng cường tính chế tài, Luật bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp (Điều 34a) và sửa đổi một số điều khoản mang tính chất kỹ thuật.    

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng