Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Nhóm PV| 21/10/2021 07:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 20/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

ky-hop.jpg
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội ngày 20/10.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

Theo Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra và căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Dự thảo Luật cũng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; đồng thời bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý. Như vậy là mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề này và cho rằng cần cân nhắc không nên quy định mở rộng hơn so với cam kết quốc tế. Cũng có ý kiến đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, mục tiêu ban đầu khi đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhằm thực hiện các cam kết của CPTPP. Tuy nhiên qua quá trình thảo luận, xuất phát từ tình hình thực tiễn, ngày 5/9/2021 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi so với ban đầu, ngoài việc thực hiện các cam kết của CPTPP mà còn nhằm xử lý các tác động của dịch bệnh đối với hoạt động tố tụng hình sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp và đã quyết định cho phép mở rộng với phạm vi sửa đổi so với dự kiến ban đầu trong bối cảnh của dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn tới công tác tiến hành tố tụng, giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tố tụng.

Điều này đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với đất nước và với cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc cho phép điều chỉnh phạm vi sửa đổi của Luật phù hợp với tình hình thực tiễn, có sự điều chỉnh linh hoạt, thể hiện vai trò chủ động, dẵn dắt trong hoạt động xây dựng pháp luật.

nguyen-thuy.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thủy, hiện nay đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng) quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của Bộ luật Hình sự (khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015) thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự. Thực tế với những vi phạm này mà bắt buộc người bị hại tham gia vào quy trình tố tụng phức tạp, mất nhiều thời gian thì sẽ rất mệt mỏi đối với người bị hại.

Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thuộc khoản 2 điều này thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Việc thực hiện các quy định này đều thuận lợi, người bị hại không mất quyền của mình mà chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.

Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án Luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.

Liên quan đến các quy định nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, dự thảo Luật bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án., đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, tố tụng hình sự hiện nay có 4 giai đoạn gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết ở 3 giai đoạn đầu là khởi tố, điều tra và truy tố. Đối với giai đoạn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã có đề xuất Quốc hội cho phép được xét xử trực tuyến.

Các hoạt động trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp tại thực địa, hiện trường như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, khám xét nơi làm việc... Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Việc không thể tiến hành đầy đủ biện pháp sẽ không bảo đảm kết luận điều tra cũng như kết luận vụ án. Hơn nữa, các biện pháp phòng chống dịch bệnh chặt chẽ các yêu cầu về thời gian xét nghiệm cũng làm chậm quá trình tố tụng. Từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho thấy, Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đối với quy định này cần quy định một cách chặt chẽ dịch bệnh, thiên tai đến mức độ nào thì mới được tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết vụ án, để không lạm dụng, không làm chùng xuống công cuộc đấu tranh chống tội phạm đang rất quyết liệt. Đồng thời, phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát để tránh việc lạm dụng để đề nghị tạm đình chỉ vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế