Sự “ưu ái” của tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông: Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ

Huy Anh| 13/07/2016 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chưa nộp gần nghìn tỷ tiền sử dụng đất nhưng vẫn được khởi công, lại còn được UBND tỉnh xin gia hạn; nhận đất xây trung tâm thương mại nhưng bỏ hoang rồi “ra giá” trả lại đất và đòi lại tiền...

Xây gần xong khu biệt thự nhưng xin không chuyển mục đích sử dụng; xây cầu chục tỷ nhưng được cho thu phí 20 năm... Đó là những gì mà Tập đoàn Rạng Đông được “ưu ái” ở Bình Thuận nhiều năm qua khiến dư luận cán bộ, nhân dân ở đây bức xúc và mong được làm sáng tỏ.

Hàng loạt ưu ái… khó tin

Trong bài báo trước chúng tôi đã phản ánh vụ việc khi chưa nộp 936,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng Tập đoàn Rạng Đông vẫn được cho phép khởi công Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Dự án) đến 2,6 nghìn tỷ. Và dù nguồn ngân sách của địa phương này là “bức xúc” nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn ký công văn đề nghị gia hạn, lùi thời gian nộp tiền cho Tập đoàn, tuy nhiên không được Bộ Tài chính chấp thuận.

Tìm hiểu về Dự án này, chúng tôi được biết: Dù được khởi công từ tháng 4/2015 nhưng đến tháng 7/2016, Cục thuế tỉnh Bình Thuận vẫn chưa ban hành Thông báo thuế gửi cho Tập đoàn Rạng Đông. Giải thích về sự chậm trễ này, Phó Cục trưởng Cục thuế Bình Thuận Nguyễn Xuân Phong cho biết vì đến nay Cục chưa nhận được “Hồ sơ luân chuyển” từ Sở TN-MT nên không thể có căn cứ để ra Thông báo thuế (!?). Còn theo lãnh đạo Sở TN- MT thì do văn bản đề nghị của UBND tỉnh mới chỉ có ý kiến của Bộ Tài chính mà Thủ tướng chưa có ý kiến, nên còn chờ. Nhưng dù với lý do gì thì cũng trái quy định tại Nghị định số 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất…Ngay khoản 936,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Dự án này, đến nay dư luận vẫn chưa hết nghi ngờ về cơ sở nào để có được con số này và rất muốn được làm rõ…

Đây không phải lần đầu chính quyền tỉnh Bình Thuận có sự “ưu ái” đáng kinh ngạc với Rạng Đông. Trước đó, Tập đoàn này từng trúng đấu giá lô 4ha “đất vàng” với 4 mặt tiền, được quy hoạch Trung tâm thương mại, cũng tổ chức khởi công rầm rộ, nhưng chỉ dựng trụ quảng cáo ghi tên Rạng Đông, rồi… bỏ hoang. Hơn 2 năm sau, ngày 12/3/2014 Tập đoàn này gửi văn bản đến UBND tỉnh đề nghị: hoặc trả lại đất với điều kiện được nhận lại tiền sử dụng đất cùng lãi suất với tổng số 181 tỷ (riêng lãi đã trên 51 tỷ), hoặc chuyển đổi sang đất ở đô thị. Việc này đã làm rúng động trong dư luận vì Rạng Đông “là ai” mà được quyền “ra giá” với tỉnh, bởi khi đã trúng đấu giá thì “lời ăn, lỗ chịu” nhưng Tập đoàn này đòi trả lại đất và phải tính cả gốc lẫn lãi? Cuối cùng, dù không có trong quy hoạch nhưng công viên “bất đắc dĩ” đã hình thành. Còn dư luận thì ngờ rằng chính khoản 91 tỷ đồng mà Rạng Đông nộp trong khoản 936,8 tỷ (nộp khi chưa có Thông báo thuế) thực ra chỉ là tiền được “hoán đổi” từ việc 4ha đất mà Rạng Đông trả cho tỉnh (?).

 Trước đó, là chủ đầu tư Dự án sân golfSeaLinks, Tập đoàn Rạng Đông đã xây xong phần thô 63/65 biệt thự. Tuy nhiên, khi đã xây dựng gần xong như vậy nhưng công ty này lại có đơn xin UBND tỉnh không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. May mà chuyện “hy hữu” này được Thanh tra Chính phủ phát hiện và quy kết là sai.

Sự “ưu ái” của tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông: Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ

Cây cầu xây 10 tỷ nhưng được thu phí 20 năm

Vẫn chuyện ưu ái, người dân ở đây cho biết, cây cầu Phú Hài trên đường từ thành phố Phan Thiết đi Mũi Né được UBND tỉnh giao cho Tập đoàn Rạng Đông xây với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ. Nhưng đổi lại, Rạng Đông được UBND tỉnh cho phép thu phí đến 20 năm (!?). Ghé qua nơi này, chúng tôi cảm nhận với lưu lượng lớn phương tiện qua con đường huyết mạch từ Phan Thiết đến Mũi Né thì Rạng Đông thu bộn tiền. Phải chăng là tỉnh nghèo đến mức không có 10 tỷ để xây cây cầu này hay khoản thu phí 20 năm được ưu ái cho Rạng Đông mới là vấn đề?

Cần làm rõ có hay không “quan hệ lợi ích”?

Liệt kê lại một số ưu ái trên có lẽ sẽ chưa hết, nhưng cũng đủ để thấy Rạng Đông được UBND tỉnh Bình Thuận ưu ái thế nào. Những chuyện này không mới và đã bùng lên từ nhiều năm nay. Nhiều cơ quan báo chí, nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà kiến trúc cũng nhiều lần nêu ý kiến, thậm chí trái chiều. Nhưng rốt cục cũng chỉ dừng lại là những nghi ngại mà không có lời giải về sự ưu ái bất thường của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp này.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cũng bày tỏ nghi ngờ rằng có uẩn khúc, thậm chí có liên quan về lợi ích giữa Tập đoàn Rạng Đông và một số lãnh đạo địa phương. Điều này thể hiện qua những số liệu mà ông có được từ nguồn tin rất tin cậy và cung cấp cho chúng tôi. Chẳng hạn, ông Trung đưa ra danh sách cụ thể của hàng loạt những vị nguyên lãnh đạo và hiện còn đương chức của tỉnh này có đất, xây dựng nhà ở, thậm chí là biệt thự trong khuôn viên Khu dân cư Hùng Vương do Tập đoàn Rạng Đông san lấp làm mặt bằng, san nền để bán. Ông cho biết những vị lãnh đạo này đều đã có nhà đất ở nơi khác rồi... Ngoài ra, có đến 247 cán bộ từ cấp xã đến tỉnh (20 người là tỉnh ủy viên) liên quan đến các dự án của Rạng Đông được Tập đoàn này mời đi tham quan ở nhiều nước, thậm chí có người đi 2-3 nước. Với việc chi tiền tỷ để mời đi tham quan… không rõ Tập đoàn Rạng Đông bỏ tiền túi ra hay chỉ là “của ruộng, đắp bờ”?

Sự “ưu ái” của tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông: Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ

Công viên “bất đắc dĩ” vì dự án bị bỏ hoang

Khi những uẩn khúc của vài năm trước còn chưa có lời giải thích, gần nghìn tỷ đồng chưa nộp và không biết bao giờ mới nộp, thì giờ đây, dư luận ở Bình Thuận lại không khỏi nghi ngại về sự ưu ái khi Tập đoàn Rạng Đông đầu tư xây dựng sân bay nghìn tỷ với hình thức BOT.

Trong bài trước, chúng tôi đã nêu một phần kết luận của Thanh tra Chính phủ khi xác định rõ những sai phạm thể hiện sự buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số sở, ngành tham mưu, của Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu “cần phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý bằng các hình thức thích hợp theo đúng quy định để tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cũng như lòng tin của nhân dân”.  Nhưng những gì mà chúng tôi được biết khi về địa phương, liên quan đến kết luận trên thì dường như không có chuyện gì xảy ra, không ai bị xử lý. Có chăng, những chủ dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất giờ được chuyển sang cho thuê và trả hàng năm (!?).

Ngoài ra còn có những chuyện “tày đình” liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo rất rõ ràng nhưng cũng không được xem xét, xử lý khiến dư luận nghi ngại. Chẳng hạn, năm 2014, Trung tâm đăng kiểm thuộc Sở Giao thông - Vận tải bị “xóa sổ hoàn toàn” vì vi phạm nghiêm trọng nhưng Giám đốc Sở Phạm Văn Nam thì “vô can”. Và năm 2015, dù ông Nam bị tố cáo nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận Phan Văn Đăng thì vì là đơn nặc danh nên không xử lý. Còn việc ông Nam có giải trình, theo ông Đăng thì đó là việc “cá nhân”, không liên quan...

Thiết nghĩ, sự ưu ái “khó tin” ở Bình Thuận có lẽ cũng là chuyện đáng được xem xét, làm rõ và công khai nhất là trong công cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự “ưu ái” của tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông: Những uẩn khúc cần được làm sáng tỏ