Chúng tôi được dẫn vào “xem” kho súng tự chế các loại được người dân giao nộp cho công an địa phương.
Tất cả súng đó đều được sử dụng trái phép để săn thú rừng. Có súng nòng bằng nhựa, bắn hơi cồn, có nòng súng làm bằng cả thanh sắt lớn như cây xà beng được người Mông kì công khoan thủng...
Những động vật hoang dã cuối cùng bị truy lùng
Bà con Đắk Nông luôn ước mơ về cái thời rừng già che chở tứ phía, chim thú sum vầy. Còn bây giờ, tại nhiều cánh rừng nguyên sinh của Đắk Nông, bẫy thú kẹp nát chân người leo núi, tiếng súng nổ chát chúa khắp nơi. Những động vật hoang dã cuối cùng lẩn lút trong các tán rừng còn sót lại bị truy lùng không có lối thoát.
Thú rừng ngày càng khan hiếm, cơ quan chức năng càng “bắt” gắt gao, thì giá một kí lô thịt rừng quý hiếm càng đắt đỏ. Và một lần siết cò có thể đem lại cho các gã tàn nhẫn vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nên họ càng quyết liệt, có khi ở cả tháng trong rừng để “đấu trí, so tài” với con thú hoang cô độc và hiền lành.
Chúng tôi đã chứng kiến người ta đào cả ngày, hầm hố sâu đến tận cổ người trưởng thành, vừa đào vừa đổ nước, áp tai vào lòng núi mà nghe tiếng dũi “địa đạo” bỏ chạy của một con dúi bé bằng vốc tay. Họ cắm cả những tấm tôn lớn phập vào lòng đất, để tạo tường thành sắt thép ngăn bước chạy âm âm trong lòng núi của con dúi tội nghiệp.
Những con gấu hoang cuối cùng thì bị bẫy kẹp cho nát tay, “trói” chú ta giữa rừng cả tuần giời chờ người đi “thăm bẫy” đến. Gấu ta đứng lồng lộn chờ bị bắn hạ bằng dăm khẩu súng tự chế, bắn một lần cả vốc đạn ria bằng chì. Đạn ấy vào người con vật, các viên chì chạy theo dòng máu nóng, đi khắp cơ thể, có giời mà sống sót được.
Rất nhiều những chú khỉ bị tàn sát dã man như thế này
Nếu chặt rừng thì có gốc cây để lại, nếu làm rẫy thì có hiện trường tan hoang và thủ phạm có thể bị xử tù. Còn người đi đặt bẫy thú, người xách súng vào rừng thì sao? Cơ quan kiểm lâm bắt được vài bao tải bẫy, bẫy giăng mắc trong rừng, người lội vào gỡ bẫy cũng “dính” và trọng thương luôn.
Nhưng ngay cả khi thu giữ bẫy rồi, vẫn không biết thủ phạm đặt bẫy là ai. Khi thú rừng bị bắn, họ khiêng đi làm thịt hoặc bán buôn, làm gì có ai chứng kiến được cảnh siết cò giữa rừng hoang núi thẳm, ở nơi cách đường xe cộ đôi ba ngày lội bộ? Cuối cùng, may lắm chỉ bắt được mấy miếng thịt thú rừng đông lạnh hoặc vài con thú trọng thương, què quặt, hoặc thậm chí mất gần hết tập tính hoang dã rồi.
Tiêu hủy bằng cách đốt ra tro? Hay thả chúng vào rừng để lây bệnh sang con khác? Hay để chúng bị săn lại ngay sau khi được phóng thích? Đằng nào thì cũng như nhau, rừng mất cây rồi mất cả thú…
Hoang thú cần một “bàn tay thép” nữa từ Chính phủ
Hệ lụy của tình trạng săn bắt, giết mổ, chế biến, buôn bán thú rừng ở Đắk Nông còn hiện ra ở chỗ nhiều người dùng súng săn tự chế để gây án, chống lại người thi hành công vụ và vấn nạn săn thú bắn nhầm người. Hàng trăm khẩu súng tự chế được người dân giao nộp chỉ trong một cuộc vận động ngắn trên địa bàn không rộng thuộc Đắk Nông, điều đó cho thấy, hiểm họa súng săn là rất lớn.
Tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông chúng tôi được dẫn vào “xem” kho súng tự chế các loại mà công an địa phương đang quản lý. Tất cả súng đó đều được sử dụng trái phép để săn thú rừng. Có súng nòng bằng nhựa, bắn bằng hơi cồn, có nòng súng làm bằng cả thanh sắt lớn như cây xà beng được người Mông kì công khoan thủng. Có súng bắn đạn ghém bằng chì.
Có bao nhiêu khẩu súng tự chế trong dân, bao nhiêu đối tượng điên cuồng xả súng bắn vào đồng loại, bao nhiêu vụ săn thú bắn nhầm người? Chắc chắn con số nhiều hơn những gì ta có thể biết.
Kho súng tự chế các loại
Thực trạng này, cán bộ và người dân địa phương biết cả. Khi dân giao nộp, bao nhiêu súng vào kho của công an, bao nhiêu súng để trên rẫy để đi săn tiếp, nhiều người biết lắm, chứ không phải để đến lúc săn thú bắn chết người hoặc chơi súng cướp cò như các vụ trên thì cơ quan hữu trách mới biết đâu.
Vì thế, cao hơn nữa, cần nói ở đây hơn nữa, là sự nhờn luật. Thú rừng bị tàn sát, người dân cầm tiền vào đặt món lúc nào cũng được, thậm chí bất kỳ ai có tiền cũng “đánh chén” được cả hàng cấm ra đời từ cái chết của những con vật được cả luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế bảo vệ. Nếu có tiền, người ta sẽ cõng hổ đến nhà, phanh thây hổ và nấu cao trước mặt bạn!
Trong khi đó, cơ quan chức năng được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ, nhiều cơ quan liên ngành hẳn hoi, mà lúc nào họ ra quân cũng… chưa hiệu quả. Vì sao? Có hay không sự bảo kê, bao che hay ít ra là sự làm ngơ?
Thịt động vật hoang dã đông lạnh được rao bán
Khi thâm nhập hóa trang vào các đường dây này, chúng tôi nhận được nhiều lời “dốc bầu tâm sự” của các trùm buôn lậu động vật hoang dã, rằng họ thu về siêu lợi nhuận, họ cứ làm, thậm chí làm ngay gần trụ sở của cơ quan công quyền, ai cũng biết trừ người có trách nhiệm phải xử lý vấn đề.
Ở Đắk Nông, có “nữ trùm” buôn hổ, buôn gấu, còn nói họ bị bắt giữ hàng, phải chạy chọt ra sao. Chỉ một lần ra quân, dưới sự “hỗ trợ” nhiều mặt của tổ chức bảo tồn có uy tín trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã thu giữ và tiêu hủy tới hơn 300 tiêu bản động vật rừng và động vật rừng quý hiếm, từ cầy hương, mèo rừng, khỉ, voọc, vượn, gấu, nai, hoẵng, xương voi, nanh hổ. Điều đó chứng tỏ, “tảng băng chìm” là cực lớn.
Cũng dưới sự “dẫn dắt” của tổ chức trên, một chuyến ra quân khác ở một nhà dân và một nhà hàng thôi, đã thu tới hơn 600kg thịt thú rừng và mấy chục con còn sống. Một nhà hàng bị xử lý, ngay cả khi họ vừa mới ký cam kết không buôn bán chế biến động vật rừng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: cơ quan hữu trách đã vào cuộc thật sự chưa?
Hay chỉ khi báo chí lên tiếng, cơ quan khác “thúc giục” thì họ mới ra quân? Sự “bất lực” hoặc “chưa hiệu quả” ở ngay tại các địa điểm với các thủ đoạn mà bất kỳ ai cũng xâm nhập bóc mẽ được kia, điều đó cho thấy sự thật nào?
Nó cho thấy, dường như ai đó và ở đâu đó đã mặc kệ thú rừng bị tàn sát, luật pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên suốt nhiều năm qua đã bị chà đạp. Có người nhận định, nếu “bắt rát” thì sẽ rất vất vả, sẽ lòi ra đủ thứ sai phạm, đủ thứ “sự thật”, có khi lại có cả sự bảo kê “xấu chàng hổ ai”, chẳng thà im lặng cho nhàn thân. Im lặng lại… có quyền lợi nữa thì càng hay.
Và từ đây lộ ra một câu chuyện khác: dư luận, người dân, cơ quan truyền thông hay các cơ quan cầm cân nảy mực cần đề cao vai trò giám sát của mình, để xử lý cả những đối tượng/hành vi chưa trung thực, chưa thật tâm xử lý các vụ việc được cả xã hội và nhân loại tiến bộ quan tâm trên. Có thể liên tưởng đến điều này: Suốt bao năm rừng Tây Nguyên bị cạo trọc vét nhẵn, nhưng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa tuyệt đối các cánh rừng tự nhiên, yêu cầu Bộ Công an vào điều tra bắt giữ quyết liệt các đường dây phá rừng, thì các ổ chuồn chuồn liên tục bị “vỡ” ra.
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang cần một “bàn tay thép” từ phía Chính phủ, nhằm xử lý các đường dây đẫm máu thú rừng, với các hậu họa quá lớn của nó từ nhiều năm trước và đang nóng bỏng tới tận lúc này. Không làm bây giờ, chắc chắn mọi việc sẽ rơi vào tình trạng quá muộn hoặc như các cụ vẫn nói “mất bò mới lo làm chuồng”.