Được xem như là một thiên đường thiền định chốn trời Nam, mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm (Tp. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng) đón tiếp hàng vạn du khách đến tham quan, vãn cảnh cũng như thiền tập.
Trong số hàng vạn du khách ấy, có không ít người đến từ những quốc gia phương Tây - nơi có truyền thống dân tộc lẫn văn hóa khác rất nhiều so với những quốc gia phương Đông như Việt Nam, đến đây xuất gia tu hành. Điều gì khiến những người này đưa ra những quyết định như thế?
Thông qua một số đồng nghiệp và được thượng tọa Thích Thông Phương, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm chấp nhận, chúng tôi được tiếp xúc với sa di Thích Trúc Thái Hội, một người đến từ thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp.
Bỏ chức giám đốc để đi... tu
Với khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt khá tốt, sa di Thích Trúc Thái Hội cho biết tên thật là James Christopher, sinh năm 1982, từng là kỹ sư, có công việc ổn định với mức lương khá cao. Thế nhưng, như một căn duyên mà theo anh là “tiền định”, cách đây 6 năm, anh quyết định vứt bỏ tất cả, tìm đến Việt Nam, đến Thiền viện Trúc Lâm xuống tóc quy y. Kể từ đó, anh được ban cho cái tên của con nhà Phật: Thích Trúc Thái Hội.
Nói về căn duyên dẫn đến việc xuất gia, nhà sư Thích Trúc Thái Hội cho biết, mặc dù sống ở phương Tây, nơi đa số người dân theo Kitô giáo, nhưng ngay từ nhỏ anh lại có tư tưởng hướng về Phật giáo. Và sự bí ẩn của một tôn giáo đến từ phương Đông cứ ngày một lớn dần trong tâm tưởng của anh. Để giải tỏa “cơn khát” kiến thức về Phật giáo, sau giờ học anh lên mạng tìm hiểu và trong một lần tình cờ anh biết đến thiền phái Trúc Lâm.
Cũng từ đó, ý nghĩ phải tìm về nơi phát xuất của Thiền phái này cứ cuốn hút anh, tuy anh vẫn chưa thể thực hiện ngay tức thì, phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, phần do gia đình phản đối bởi anh là con trai duy nhất trong gia đình.
Sau nhiều năm gác lại dự định để học tập và làm việc, đến năm 2007, anh quyết định thực hiện ước mơ của mình, từ bỏ chức giám đốc điều hành của một công ty máy tính ở Pháp với tiền lương trên 100 ngàn đô la/năm, lao vào học tiếng Việt để thực hiện ước mơ.
Về phía gia đình, biết không thể cản bước Đông du tu hành của con, người mẹ già của anh phải gật đầu chấp nhận cho anh thực hiện chuyến viễn du. Ngày tiễn anh ra sân bay để đến một vùng đất xa lạ mà anh chưa một lần đặt chân đến, người mẹ không khỏi chạnh lòng.
Vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, anh lập tức hỏi thăm đường về Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thấy một người nước ngoài với dáng vạm vỡ gần 100kg, râu tóc xồm xoàm nên sư thầy cũng ngại, nhưng với quan điểm sẵn sàng thu nạp bất kỳ ai có tâm hướng Phật, cộng với việc anh giỏi tiếng Việt nên cuối cùng sư thầy chấp nhận cho anh tham gia đạo tràng.
Một ngày cuối năm 2012, tức gần hai năm sau ngày trở thành Phật tử của đạo tràng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, James Christopher xin phép thầy cho xuống tóc quy y, trở thành một tu sĩ xuất gia thật sự. Sau nhiều ngày thuyết giảng về những quy định tương đối ngặt nghèo đối với chúng tăng mà anh vẫn thành tâm hướng Phật, thượng tọa Thích Thông Phương đã trực tiếp ra tay quy y, thu nạp anh làm môn đồ.
Nhớ lại những ngày mới sang Việt Nam gia nhập đạo tràng, sư Thích Trúc Thái Hội chia sẻ: “Lúc ở bên Pháp, mình ngủ dậy rất muộn. Khi qua đây tham gia đạo tràng, mình buộc phải theo quy định của nhà chùa thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để tụng kinh và sau đó là thiền nên cũng hơi mệt mỏi. Nhưng do quyết tâm của mình vào thời điểm đó rất lớn nên cuối cùng mình đã vượt qua. Lâu dần thành quen và bây giờ ngày tụng kinh 3 lần, thiền 6 - 7 giờ không còn khó nữa”.
Ngoài việc thay đổi giờ giấc, việc chuyển từ chế độ ăn mặn sang ăn chay đối với sư Thích Trúc Thái Hội cũng là một việc vô cùng khó khăn. “Từ nhỏ mình đã quen ăn bánh mì, bơ, sữa... nhưng khi qua đây chỉ được ăn cơm, rau và đậu phụ nên mình mất sức một thời gian. Chỉ trong 1 tháng, mình giảm từ 90kg xuống còn 70kg. Ban đầu cũng mệt nhưng giờ mình cảm thấy vóc dáng này là chuẩn và khỏe hơn lúc trước...”, sư cho biết thêm.
Nhắc về gia đình bên Pháp, sư Thích Trúc Thái Hội cho biết từ ngày qua Việt Nam đến nay, sư được sư thầy cho về thăm nhà 4 lần. Lần về mới nhất cách đây 4 tháng, thấy mẹ vẫn khỏe sư vui lắm. Sư bảo cũng muốn về thăm mẹ thường xuyên hơn nhưng vé máy bay từ Việt Nam về Pháp đắt quá, sư không đủ tiền!
Khi hỏi đi tu thì lấy đâu ra nhiều tiền để về thăm quê, sư cho biết đó là trích phần lãi từ số tiền dành dụm khi còn đi làm, phần còn lại dành cho mẹ dưỡng già.
Sư Thích Trúc Thái Hội cho biết từ lâu đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai và “sẽ tu ở đây cho đến khi nào chết mới thôi”. Sư cũng không quên nhờ chúng tôi chụp mấy tấm ảnh gửi về dâng mẹ, bởi theo vị sa di này, hiếu kính cha mẹ cũng là một trong những bổn phận của người tu hành.
Phật tử đến từ bên kia đại dương
Ở Thiền viện Trúc Lâm chúng tôi còn tiếp xúc với một Phật tử khác cũng thú vị không kém, đó là ông James Mitchell, một kỹ sư già người Mỹ. Cơ duyên đưa ông James Mitchell đến với Phật giáo cũng từ rất sớm. Thế nhưng, mãi đến năm 1989, khi 40 tuổi ông mới có thời gian đến với thiền. Và như một định mệnh, sau nhiều lần vân du khắp phương Đông để tầm sư học đạo, cuối cùng ông đã đến Thiền viện Trúc Lâm này.
Không có ý định xuất gia như thầy Thích Trúc Thái Hội, ông James Mitchell chỉ muốn tham gia thiền tập có thời hạn. Dù chưa quen với điều kiện thời tiết và phong tục tập quán của người Việt, nhưng nhờ cùng một chí hướng với những đồng đạo nên ông Mitchell bắt đầu hòa nhập được với không gian thiền định của ngôi thiền viện này.
Biết rào cản ngôn ngữ và văn hóa gây khó khăn cho vị khách đến từ phương Tây, những nhà sư trong thiền viện luôn tìm mọi cách để giúp đỡ.
Chia tay với chúng tôi, hai người con phật đến từ phương Tây cho biết từ lâu đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai và thực sự trân trọng những gì mà thiền phái Trúc Lâm đã mang đến cho họ - đó chính là sự rộng lượng vô ngã của giáo lý nhà Phật, sự tự tại trong tâm hồn. Và đó chính là lý do mà những người yêu mến Phật giáo đến từ một nền văn hóa khác như văn hóa phương Tây tìm đến nơi đây: Thiền viện Trúc Lâm.