Sự nghiệt ngã của nghề cầm bút

Tạ Duy Anh| 20/06/2014 16:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xét cho cùng thì nghề viết (gồm cả văn vào báo) - nghề sáng tạo và phản ánh các sự kiện bằng ngôn từ - nghiệt ngã nhất lại chính ở sự đòi hỏi không có giới hạn của độc giả.

Hiển nhiên người đọc thời nào cũng có quyền của một Thượng đế, thây kệ người viết mọi thứ đều có hạn, không phải lúc nào cũng đầy cảm hứng, chưa kể là anh ta luôn phải chịu mọi phán xét. 

 

Thử so sánh với một vài lĩnh vực khác, ta có thể thấy sự tương đồng và khác biệt. Chẳng hạn trong lĩnh vực hội hoạ. Không ít bức tranh ăn khách và nhờ thế mà tác giả của nó trở nên nổi tiếng dù có thể dễ dàng nhận ra ở đó dấu ấn của danh hoạ này hay danh hoạ khác. Thậm chí tác giả của bức tranh đó công khai nhận mình vẽ theo phong cách danh hoạ nào đó. Không sao! Ai đó khó tính chê: “Hắn có vẻ giống phong cách ông A, ông B..., hắn ảnh hưởng rõ nét siêu thực, lập thể hay ấn tượng... quá” thì vẫn cứ... không sao! Tranh vẫn có thể bán được giá cao… Nhưng chỉ như vậy thôi, người họa sĩ đó khó có thể trở thành tác giả lớn, có tác phẩm để đời. 

 

Hay trường hợp âm nhạc (ở mảng ca nhạc), vài năm trở lại đây, giới trẻ tặng danh hiệu “ngôi sao”, “danh ca” cho khá nhiều ca sỹ. Sự suy tôn nào cũng có giá trị nhất định cho dù không ít sao ca sỹ chỉ khiến khán, thính giả khó tính ngứa tai, ngứa mắt, thậm chí bực mình đến mức tăng huyết áp! Thực tế là trong khá nhiều trường hợp, sự tán thưởng rất hồn nhiên và thật lòng lại dành cho ca sỹ nào đó biểu diễn “y như ca sỹ ngôi sao nước ngoài chính hiệu” đang được hâm mộ cuồng nhiệt! Những trầm trồ như: “Giống giọng Madona thế”, “Biểu diễn y như Nick”, “Phong cách đâu có kém Bi Rain”.v.v... lại chính là những thán phục? Thậm chí có cả một trường phái chuyên bắt chước các nhân vật lớn. Có ca sỹ giả giọng eo éo nửa đực, nửa cái vì giọng pê đê đang ăn khách. Có ca sỹ học đồng nghiệp ngoại quốc cả từ động tác chém tay, nhăn mặt, trợn mắt, lắc mông, hớp khí, đôi khi cả kiểu đầu tóc... Không sao! Khán giả cho họ quyền đó. Càng giống càng được khen. Tôi không có chủ ý bình phẩm chê bai những người ấy nhưng sao mà khán, thính giả âm nhạc của ta dễ tính, rộng lượng với nghệ sỹ biểu diễn đến thế?

 

Sự nghiệt ngã của nghề cầm bút

Nhà văn Tạ Duy Anh

 

Tuy nhiên, đó chỉ là nghệ thuật mang tính giải trí bình dân, nền âm nhạc đích thực cần những tác phẩm sang trọng hơn thế, cao cấp hơn thế.

 

Trong trường hợp này ta lại thấy nét tương đồng với tình trạng báo chí giải trí hiện nay. Nhan nhản các bài báo viết hay xào xáo những vụ việc ly kỳ, rùng rợn hay bịa đặt rẻ tiền để “câu view” lại được đăng hết cả trang báo, mức nhuận bút tiền triệu, có khi cao hơn cả chục lần những bài báo nghiêm túc, có giá trị thúc đẩy tiến bộ xã hội theo hướng chân thiện mỹ. Tuy nhiên, ngoài nhuận bút, tác giả không còn lại gì, nếu có thì là sự coi thường của đồng nghiệp và những độc giả quan tâm.

 

Trong hoạt động sáng tạo nói chung, mọi sự sao chép, nhai lại đều không thẻ mang lại những tác phẩm có giá trị đích thực, với nghề viết nói riêng thì lại càng khắc nghiệt hơn. Mọi sự sao chép, xào xáo đều là coi thường độc giả, nhục mạ chữ nghĩa, nhục mạ tờ báo đăng tác phẩm đó, nhục mạ ngay chính bản thân mình. Giả sử độc giả để “lọt lưới” anh ta thì vẫn còn nhiều cái lưới khác luôn giăng sẵn khiến anh ta dù có thăng thiên hay độn thổ cũng không thoát. Những phán xét thường thấy là viết giống ông nọ bà kia; chẳng có gì mới lạ; thế giới người ta viết thế lâu rồi; bài thơ nhạt; truyện ngắn cũ mèm; bài báo cóp nhặt; chẳng có dấu ấn riêng gì… Và thời buổi công nghệ thông tin này, sớm hay muộn ai trong số hàng triệu nhà văn, nhà báo lớn nhỏ đã nói, đã viết và đăng ở đâu cũng có thể tìm thấy. Đã giống tức là thừa, là zero!

 

Sáng  tạo, phản ánh bằng chữ nghĩa chỉ có một lối duy nhất vào độc giả. Trong sự im lặng chinh phục đầy yếm thế, văn chương, báo chí chịu nỗi thiệt thòi khi không có bất cứ một trợ giúp nào (chẳng hạn như mầu sắc, âm thanh, ánh sáng...). Đã thế lại mọi thứ giống như “bút sa, gà chết”, “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Lời đã nói ra, chữ đã lên mặt báo, cãi đằng trời… Niềm an ủi duy nhất, sự bù đắp lớn nhất lại là ở cái ưu thế tuyệt đối về sức sống bền bỉ, khả năng tự sinh trưởng trong tâm hồn người thưởng thức. Họ đọc áng văn hay, bài báo sâu sắc và có thể nhớ suốt đời, tác động đến họ - và vì thế ảnh hưởng gián tiếp đến xã hội lâu dài qua một lần đọc ấy. Các bộ môn khác không có được lợi thế mang tính an ủi này. (Bức tranh liên tục phải xem lại, bài hát, tác phẩm âm nhạc chỉ thực sự sống mỗi khi nghe...). 

 

Tuy nhiên, mỗi loại hình nghệ thuật, thông tin có ưu thế riêng và ví dụ dẫn ra ở trên không có ý nghĩa gì cho việc đề cao hay hạ thấp cái này, cái kia. Ý nghĩa cần rút ra, có thể có một chút hữu ích nào đó cho các bạn trẻ- những nhà văn, nhà báo đang nắm trong tay tương lai của nền nghệ thuật, truyền thông bằng chữ - đó chính là, ngay từ bước khởi đầu bạn đã phải đối mặt một cách sòng phẳng với tất cả sự khắc nghiệt vừa nêu ra. Bạn vĩnh viễn là kẻ phiêu lưu đơn độc. Bạn bị phán xét tuyệt đối, trên cả khía cạnh tài năng, đạo đức và nghĩa vụ, đến nỗi nếu bạn nghĩ rằng họ làm thế cốt để bạn thấm thía nỗi cay đắng của một kẻ dám lao vào sa mạc mà bỏ cuộc, thì cũng không có gì quá đáng, chẳng ai vì thế mà ân hận! Vì thế, hoặc là bạn dám can đảm vượt qua để may ra có một chút vinh quang, hoặc bạn quay lại tìm sự thương hại, chiếu cố của độc giả, thoả hiệp với tiền bạc và quyền lực - tức là tìm kẻ giết chết ngòi bút của mình? 

 

Không ai ép buộc, nhưng người cầm bút nào trong chúng ta cũng chỉ có một sự lựa chọn trong hai thứ đó mà thôi.

 

Hà Nội, tháng 6/2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự nghiệt ngã của nghề cầm bút