Hà Nội công bố phương án thi vào lớp 10, ban Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục, Khoa Luật – ĐH quốc gia chấm dứt hợp đồng với giảng viên “gạ tình”… là những sự kiện giáo dục nổi bật trong tuần qua.
Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Vừa qua Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến. Trong Nghị định có các quy định như: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.
Ảnh minh họa.
Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Dự thảo Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Trước những quy định về mức xử phạt hành chính trên, một số dư luận lo lắng đặc biệt là nhiều giáo viên đang trực tiếp làm trong ngành Giáo dục hoang mang.
Theo nhiều chuyên gia, cũng như giáo viên Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của giáo viên và trước đây, Bộ GD-ĐT đã có bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên và được áp dụng lâu nay. Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã đề cập nhiều tới kỹ năng sư phạm, cách ứng xử không những với cha mẹ học sinh mà còn với cộng đồng xã hội. Chúng ta nên tổng kết và đánh giá các gương điển hình, đồng thời rút ra những bài học.
Theo ý kiến của thầy Dũng - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường - Đồng Nai: "Nghị định này mang nặng tính hành chính, tạo ra những áp lực không cần thiết. Như vậy, không khác nào thầy cô chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sau khi truyền đạt xong, thầy cô hết trách nhiệm, đồng thời thầy cô sẽ không có chia sẻ, giao lưu với học sinh".
Còn theo quan điểm của Bộ GD-ĐT quy định mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhằm vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng phù hợp với thực tiễn. Xem chi tiết bài viết TẠI ĐÂY.
Hà Nội công bố phương án thi vào lớp 10
Sau một thời gian công bố 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, thì mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chốt phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4. Môn thứ 4 sẽ là một trong các môn sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Thông tin trên do giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, công bố trong cuộc họp với các trường THPT công lập trực thuộc ngày 5/10. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, môn thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3/2019. Xem chi tiết bài TẠI ĐÂY.
Khoa Luật - ĐH Quốc gia chấm dứt hợp đồng với giảng viên bị “tố” gạ tình
Theo kết quả biểu quyết của các đảng ủy viên, các trưởng bộ môn và ban chủ nhiệm khoa Luật, 100% số phiếu tán thành việc chấm dứt hợp đồng với giảng viên Nguyễn Hùng Cường - người trước đó bị tố quấy rối nữ sinh của khoa.
Bản kết luận dài 3 trang của khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội về những vi phạm của ông Nguyễn Hùng Cường.
Lý do được đưa ra là người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Khoa Luật đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động tới giảng viên Nguyễn Hùng Cường. Theo đó, sau 45 ngày kể từ khi lãnh đạo khoa ra thông báo, quyết định sẽ có hiệu lực.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, theo các thông tin phản ánh trên mạng xã hội và đơn thư kiến nghị của sinh viên, giảng viên Nguyễn Hùng Cường bị tố cáo có hành vi không phù hợp với các nữ sinh viên, đồng thời trù dập điểm số của sinh viên và thường xuyên đi dạy muộn, bỏ tiết...
Sau khi nhận được các thông tin phản ánh, sau một thời gian xem xét, tiến hành xác minh, khoa Luật đã đưa ra kết luận ban đầu. Theo đó, khoa này cho rằng, chưa có đủ cơ sở để khẳng định việc giảng viên Nguyễn Hùng Cường đã có quan hệ với nữ sinh và làm nữ sinh này mang thai. Tuy nhiên, có cơ sở để khẳng định giảng viên này vi phạm nhiều quy chế.
Trong những tranh luận về vụ việc, giảng viên Nguyễn Hùng Cường đã có những bài đăng, bình luận, ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội, trên báo chí chưa thực sự chuẩn mực của một nhà giáo, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh giảng viên nói chung và giảng viên khoa Luật nói riêng. Xem chi tiết bài viết TẠI ĐÂY.
Hà Nội gia hạn đấu thầu sữa học đường
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ lùi thời việc lùi thời gian chào thầu là do Sở có điều chỉnh một số thông tin trong hồ sơ mời thầu. “Theo quy định, nếu có điều chỉnh dù chỉ vài chữ trong hồ sơ mời thầu thì sẽ phải lùi thời gian đóng thầu và mở thầu, đây là điều bình thường”, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính của Sở GD-ĐT Hà Nội nói.
Ảnh minh họa.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết thêm, những vấn đề được điều chỉnh trong hồ sơ mời thầu bao gồm: Vấn đề thứ nhất: là những quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng sữa được làm rõ hơn, nghiêm ngặt hơn. Điều này thực hiện theo những tham vấn của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, và Viện Dinh dưỡng.
Vấn đề thứ hai là các điều kiện đấu thầu được nới rộng hơn để tạo điều kiện cho nhiều hơn các nhà thầu được tham gia. “Đơn vị trúng thầu phải bảo đảm tốt nhất về yêu cầu kỹ thuật,” ông Cẩn nhấn mạnh.
Được biết, 9 giờ ngày 10/10, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đóng thầu, 9 giờ 10 phút thì sẽ mở thầu gói điều kiện về mặt kỹ thuật để chấm. Tiếp đó sẽ mở gói tài chính, ai có giá thấp hơn sẽ trúng thầu. Đó là cả quy trình về đánh giá hồ sơ mời thầu.
Theo đó, khi có thông tin chính thức về đơn vị trúng thầu, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố rộng rãi để học sinh, phụ huynh biết. "Hiện có 11 đơn vị đăng ký đấu thầu chương trình sữa học đường của Hà Nội", ông Cẩn cho biết. Xem chi tiết bài TẠI ĐÂY.