Xử phạt hành chính trong giáo dục: "Hãy lắng nghe giáo viên nói, họ cần được tôn trọng"

Ngô Chuyên| 03/10/2018 21:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi người giáo viên đang phải căng mình vì những thay đổi của chương trình mới, sách giáo khoa mới những hình thức xử phạt đưa ra càng khiến cho tư tưởng và tâm lý giáo viên chán nản”, Nguyễn Sóng Hiền- nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle bày tỏ.

Vừa qua Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến. Trong Nghị định có các quy định như: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.

Xử phạt hành chính trong giáo dục:

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh NVCC.

Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Trước những quy định về mức xử phạt hành chính trên, một số dư luận lo lắng đặc biệt là nhiều giáo viên đang trực tiếp làm trong ngành Giáo dục hoang mang.

Trao đổi với PV Báo Công lý, anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng: “Khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy. Khi người giáo viên đang phải căng mình vì những thay đổi của chương trình mới, sách giáo khoa mới tôi e rằng, những xử phạt này càng khiến cho tư tưởng, tâm lý giáo viên thêm chán nản và ức chế”.

Anh Sóng Hiền cũng thẳng thắn bày tỏ, bấy lâu nay tôi có cảm nhận Bộ GD-ĐT đang làm việc rất cảm tính. Nhiều chính sách ban hành hết sức "ngẫu hứng", thiếu đi sự thăm dò dự luận và lấy ý kiến của những người trực tiếp bị tác động, đó chính là đội ngũ giáo viên, các em học sinh và phụ huynh.

Đồng thời, cách làm của Bộ GD-ĐT hiện nay chỉ mang tính chắp vá, thiếu tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt, thiếu một triết lý giáo dục làm nền tảng căn cơ để thúc đẩy các nguồn lực giáo dục hướng tới con người thế kỷ 21- thế kỷ toàn cầu hoá, anh Sóng Hiền nhấn mạnh.

Anh Sóng Hiền kiến nghị, trước lúc đưa ra hình thức xử phạt, Bộ GD-ĐT hãy cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo đời sống cho cho giáo viên. Như vậy, việc dạy thêm học thêm chẳng cần đến Nghị định hay hình thức xử phạt nào cũng có thể giải quyết được.

"Bộ GD-ĐT cũng nên trực tiếp lắng nghe ý kiến rộng rãi với đội ngũ giáo viên để họ có cơ hội bày tỏ và chia sẻ những quan điểm của mình, có như vậy những chính sách ban hành ra mới có khá năng thực thi cao. Còn chưa lắng nghe, làm theo kiểu mệnh lệnh chỉ tạo nên những ức chế dồn nén trong giáo viên. Khi tư tưởng và tâm lý họ không thoải mái, sẻ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và người bị thiệt thòi không ai khác chính các em học sinh. Hãy lắng nghe giáo viên nói, họ cần được tôn trọng”, anh Sóng Hiền nói thêm.

Xử phạt hành chính trong giáo dục:

 Thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường – Đông Nai. Ảnh Ngô Chuyên.

Còn theo ý kiến của thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường – Đông Nai cho rằng: “Ưu điểm của Nghị định này là có thêm một biện pháp nữa để nhắc nhở những người làm công việc liên quan đến công tác giáo dục, nhưng tôi nghĩ, nếu làm như vậy, chỉ xử lý được phần ngọn còn phần gốc sẽ như thế nào?”.

Thầy Dũng nhấn mạnh, càng ra nhiều luật, càng chi tiết thì các thầy cô giáo càng thu mình lại, các giáo viên sẽ tìm cách nào đó để giữ bản thân mình an toàn và đó cũng là mặt hạn chế khi đưa Nghị định này.

Thầy Dũng cũng cho biết, trước đây, Bộ GD-ĐT đã có bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên và được áp dụng lâu nay. Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã đề cập nhiều tới kỹ năng sư phạm, cách ứng xử không những với cha mẹ học sinh mà còn với cộng đồng xã hội. Chúng ta nên tổng kết và đánh giá các gương điển hình, đồng thời rút ra những bài học.

Theo thầy Dũng, Nghị định này mang nặng tính hành chính, tạo ra những áp lực không cần thiết. Như vậy, không khác nào thầy cô chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sau khi truyền đạt xong, thầy cô hết trách nhiệm, đồng thời thầy cô sẽ không có chia sẻ, giao lưu với học sinh.

“Trước đây, cũng đã có Luật để xử phạt nhưng thầy cô có tâm huyết thì họ không quan tâm đến vấn đề xử phạt đó. Họ cũng gắn bó hết trách nhiệm với học sinh. Quan trọng, chúng ta phải làm sao khơi lại được ý thức, tình yêu nghề, trách nhiệm của giáo viên. Tôi cũng ghi nhận vừa qua có nhiều sự việc khiến dư luận xã hội phải bức xúc, nhưng đại bộ phận người làm nghề "gõ đầu trẻ" đều là những người tốt, tâm huyết với nghề. Chúng ta phải làm sao để nhân rộng những điều hay lẽ phải trong xã hội”, thầy Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt hành chính trong giáo dục: "Hãy lắng nghe giáo viên nói, họ cần được tôn trọng"