Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, việc sử dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thảo dược nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Sở hữu trang trại chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng quy mô lớn, 3 năm gần đây, gia đình anh Bùi Đăng Cường, ở thôn 4 xã Lĩnh Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã áp dụng chăn nuôi gà bằng các loại lá thảo dược mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Cường chia sẻ: Ban đầu, gia đình chỉ nuôi với quy mô vừa từ 200 - 500 con/lứa, lợi nhuận trung bình mỗi lứa từ 10 - 12 triệu đồng.
Nhận thấy đây là hướng đi có hiệu quả, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô đàn từ vài trăm con đến hơn 1.000 con, rồi hiện nay hơn 3.000 con/lứa.
Để trang trại phát triển ổn định, anh Cường đã tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Năm 2019, tình cờ biết đến mô hình nuôi gà thảo dược qua sách báo, ti vi, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về những ưu điểm của mô hình, gia đình đã nuôi thử nghiệm trên vài lứa gà và đã tìm được công thức phù hợp nhất.
Anh Cường cho biết: Công thức mà chúng tôi áp dụng là dùng các loại thảo dược như lá mơ lông, bột nghệ, tỏi, mật ong; xay thành bột mịn, sau đó, trộn đều với thức ăn cho gà ăn 2 lần/tuần. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng mà công thức pha trộn thức ăn cho gà khác nhau. Gà được nuôi bằng thảo dược có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh.
Do đó, gia đình hầu như không phải dùng đến kháng sinh nên tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Hơn nữa, chất lượng thịt thơm ngon, đầu ra ổn định, hiện nay chuồng trại của gia đình anh luôn duy trì trên 2.000 con gà đẻ trứng, hơn 1.500 con gà thịt mỗi lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Mỗi năm sau khi trừ chi phí cho gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng. Năm 2020, 2 sản phẩm trứng gà thảo dược và gà thịt thảo dược của gia đình anh Cường đã được công nhận đạt 3 sao OCOP.
Mô hình nuôi dê bách thảo của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 4 xã Tào Sơn hiện nay là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Tham quan mô hình chăn nuôi dê của gia đình, khu vực nuôi được bố trí rất ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió, che nắng, chuồng được phân thành nhiều ngăn để nhốt riêng dê mẹ, dê thịt và dê nuôi hậu bị.
Ngoài ra, gia đình chị Thuỷ còn sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi, nhờ vậy môi trường, sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối khó chịu.
Chị Thuỷ cho biết: Thấy địa phương có nhiều cỏ non, các loại lá cây thảo dược để làm thức ăn cho dê, lại thấy đây là gia súc đặc sản, ít bệnh, chi phí chăn nuôi thấp, nên năm 2021 gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi dê thịt.
Sau một thời gian chăn nuôi, thấy hiệu quả kinh tế, gia đình bắt đầu tăng đàn qua từng năm. Thức ăn của dê, chị Thuỷ chủ yếu tìm các loại lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, bồ công anh... Ngoài ra còn có lá các loại cây lành tính như: Cây chuối, mít, ổi, xoài, mía, ngô, dâu, sung...
Đây là những loại thức ăn vừa giúp giảm chi phí trong quá trình nuôi dê, lại tạo ra sản phẩm dê thịt sạch, dê có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị Thủy đã tìm hiểu và ủ chua thức ăn cho dê, vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê nhất là trong mùa nắng nóng, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm. Ban đầu, gia đình đầu tư nuôi chỉ 20 con giống, sau hơn 2 năm đàn dê đã phát triển lên gần 50 con và hiện gia đình đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn.
Là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên những năm gần đây, huyện Anh Sơn luôn hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn, bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn và Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng các mô hình sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ.
Hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được đạt OCOP như: Cam bù; Chè gay; Trà xanh; Trứng gà thảo dược, Thịt gà thảo dược; Nấm tươi, Nấm khô… Ngoài ra, có nhiều mô hình áp dụng quy trình sản xuất sạch như: mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất công nghệ cao; mô hình nệm lót sinh học trong chăn nuôi, sản xuất phân vi sinh; tự chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược; mô hình “hệ thống cấp nước tưới tự động bằng năng lượng mặt trời phục vụ tưới chè công nghiệp”; sử dụng túi bóng để bọc các loại trái cây ăn quả và sản xuất theo hướng hữu cơ…
Hiện nay, huyện Anh Sơn đang tích cực triển khai đề án phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, sạch bền vững, vì chất lượng cuộc sống cộng đồng xã hội, góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương.