Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông: Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Hương Lan| 12/03/2016 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội là một trường hợp điển hình của tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn nghiệm trọng.

Người sử dụng rượu bia đang dần được trẻ hóa

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng về mức độ tiêu thụ rượu, bia và tỉ lệ người dân uống rượu, bia ngày càng tăng, nhưng lực lượng chức năng phát hiện và xử lý lại yếu, không nghiêm.

Theo thống kê, người sử dụng rượu bia đang dần được trẻ hóa với 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20; tỉ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14 - 17 là 34% và trong độ tuổi 18 - 21 là 57%. Nghiên cứu được thực hiện trên 670 sinh viên nhiều trường Đại học – cao đẳng và người trưởng thành trẻ tuổi trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy có hơn 50% số người khảo sát tập trung ở hai mức độ đầu tiên là “sử dụng rượu bia một cách bình thường” (37,9%) và “có xu hướng lạm dụng rượu bia” (21,3%). 20.2% “nghiện nhẹ”, 16.0% “nghiện vừa” và 4.6% rơi vào mức độ “nghiện nặng”.

Trung bình những năm qua, số người chết vì tai nạn giao thông là 12.000 người/năm, trong đó có 4.000 người chết do có liên quan đến rượu bia. Tại hội thảo chuyên đề “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu, bia” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), tuy nhiên, mức độ TNGT còn cao - mỗi ngày có khoảng 26 người chết, chủ yếu là ở đường bộ.

Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông: Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, năm 2014, TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,5%, trong đó riêng với đối tượng nam giới là 35,7%. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Rượu - Bia, việc sản xuất rượu, bia ngày càng tăng - ước tính 15%/năm, sản lượng bia dự kiến đạt 3 tỉ lít năm 2015 và 350 triệu lít rượu. Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất.

Cần xử lý nghiêm

Ông Hoàng Đình Ban - Trưởng khoa Cảnh sát giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, tỉ lệ gây TNGT do sử dụng rượu, bia gây ra không dưới 40%, nhưng việc xử lý thấp dẫn đến tình trạng “nhờn” luật trong lĩnh vực vận tải rất lớn. Vì thế, cần xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, xử lý hình sự các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn, đồng thời phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạo sự răn đe lớn của pháp luật.

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cho phép 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc 50 miligam/100 mililít máu theo Luật Giao thông đường bộ năm 2009 là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy nếu gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cụ thể theo điều 202 như sau: Gây thiệt hại nghiêm trọng tới tài sản và sức khỏe của người khác sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, đồng thời chịu hình thức cải tạo không giam giữ đến 3 năm thậm chí là phạt từ từ 6 tháng đến 5 năm tùy theo từng mức độ. Đặc biệt còn bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm khi vi phạm một trong các trường hợp sau: Người điều khiển xe gắn máy không thi bằng lái xe a1, a2 nên không có giấy phép lái xe theo quy định, trong tình trạng sử dụng chất kích thích mạnh mà pháp luật cấm, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Ông Trần Hữu Minh - chuyên viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - kiến nghị, cơ quan chức năng cần hạ “ngưỡng” nồng độ cồn trong máu xuống mức thấp nhất là 20mlg/100ml máu. Người vi phạm lần đầu không nên xử phạt quá nặng, cho cơ hội để sửa đổi hành vi. Còn với những hành vi nghiêm trọng, phải xử lý thật nghiêm.

Theo ông Hoàng Đình Ban, lực lượng Cảnh sát giao thông khi xử phạt vi phạm giao thông của người dân cũng rất khó khăn - bởi người vi phạm sẵn sàng chống đối, rất dễ dẫn đến sự đối đầu từ hai phía.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia: Trên bao bì sản phẩm rượu, bia cần có các khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng để người sử dụng biết các thông tin để chủ động khi uống.

Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của xã hội về tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia; mức xử phạt đối với những vi phạm - nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng; bổ sung thiết bị đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông; thông báo vi phạm về nơi người vi phạm cư trú, công tác, để kiểm điểm… Bên cạnh đó, Bộ Công an và Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng thông tư liên tịch quy định chung về quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn.

Tại Thái Lan, nếu lái xe từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị bắt giữ và buộc tội một năm tù, phạt tiền lên đến 20.000 baht. Còn tại Mỹ, vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 300 -1.000USD, nhưng lần tiếp theo sẽ là 15.000USD trở lên; phí thử nồng độ cồn trong máu cho người vi phạm phải trả từ 500 - 1.000USD; phải học khóa học ý thức tham gia giao thông và qua các kỳ thi rất khắt khe (300-500USD/khóa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông: Cần chế tài nghiêm khắc hơn