Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyên, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 198 chia sẻ: "Để phòng bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu nên uống nhiều nước nhưng phải đảm bảo nguồn nước sạch, không có thành phần canxi. Đặc biệt, không nên nhịn tiểu, tăng cường vận động".
Không tự ý điều trị bệnh
Có mặt tại Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 198 (Bộ Công an), chứng kiến những nét mặt hốc hác vì cơn đau sỏi thận, sỏi tiết niệu của các bệnh nhân mà chúng tôi không khỏi lo lắng.
Ngày 12.11, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy (22 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng lên cơn đau cấp ở mạn sườn bên phải. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa, siêu âm ổ bụng, bác sỹ kết thuận Thúy bị sỏi ở bàng quang bên phải. Do chủ quan, nên khi có các triệu chứng đi tiểu buốt, tiểu máu Thúy ra các nhà thuốc tư nhân mua thuốc để uống. Mấy ngày đầu, bệnh tình có thuyên giảm nên em vẫn đi học và đi làm thêm bình thường. Tuy nhiên, 4 ngày sau Thúy lên cơn đau bụng dữ dội và được bạn bè đưa vào viện cấp cứu.
Khi nhập viện, các bác sĩ hỏi vì sao Thúy để bệnh nặng mà không đi khám, lại còn mua thuốc ở các nhà thuốc dùng tùy tiện. Em trả lời rằng vì mình không biết, với lại đây là chuyện tế nhị nên ngại hỏi hỏi người khác. Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp của Thúy nếu không kịp thời nhập viện và điều trị, bệnh tình sẽ diễn biến khó lường và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Một ca mổ sỏi thận ở Bệnh viện 198 - Ảnh: benhvien198.vn
Tương tự, bệnh nhân Hà Đức Nhàn (45 tuổi, Phú Thọ) cũng sử dụng thuốc tùy tiện mặc dù biết mình bị sỏi thận. Có điều, bệnh nhân Nhàn tìm đến các thầy lang được người nọ, người kia dưới thiệu và đặt niềm tin vào những "bài thuốc bí truyền" được quảng cáo. Tuy nhiên, cảm giác chỉ thuyên giảm trong mấy ngày đầu. Một thời gian sau, anh Nhàn bỗng dưng lên cơn đau dữ dội, mặt mũi tím tái nên người nhà hốt hoảng đưa anh xuống Hà Nội để cấp cứu và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyên, người trực tiếp khám và chữa trị cho bệnh nhân Nhàn cho biết anh bị sỏi ở bể thận với đường kính 2,5 cm và cần phải tiến hành mổ để lấy sỏi.
Nói về các yếu tố nguy cơ có thế gây bệnh sỏi niệu quản, sỏi thận, bác sỹ Nguyễn Đình Tuyên cho biết gồm các yếu tố chính như cơ địa bệnh nhân, môi trường sống và thói quen sinh hoạt. Theo đó, yếu tố cơ địa tạo sỏi là yếu tố nội tại, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, Nhiều chất đối với người bình thường được đào thải nhưng người có cơ địa tạo sỏi thì bị lắng lại, không đào thải ra ngoài. Yếu tố môi trường sống là nơi ở, nguồn nước sinh hoạt của người bệnh. Ở nơi nào nguồn nước ở khu vực đá vôi, có nhiều canxi nên hay có cặn lắng là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận cho người sử dụng. Chính thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận. Người nào uống ít nước trong ngày và nhịn tiểu có nguy cơ bị bệnh sỏi thận cao.
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng - chữa
Bệnh sỏi thận có thể diễn ra một cách âm thầm và chỉ thể hiện khi đã có sỏi trong thận. Nếu xuất hiện triệu chứng đau ở vùng mạn sườn đồng nghĩa với việc bạn đang có nguy cơ bị bệnh sỏi thận. Với cơn đau mạn thân, người bệnh thường có triệu chứng đau âm ỷ. Ngược lại, dạng sỏi niệu quản người bệnh có triệu chứng đau cấp tính.
Ngoài ra, nếu người bệnh có triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu buốt, tiểu máu thì tuyệt đối không nên tự điều trị bệnh bằng các thuốc kháng sinh. Do đó, người bệnh cần gặp bác sĩ để được khám và có phương pháp điều trị bệnh tốt nhất.
Các thức ăn chứa nhiều canxi như cá, tôm, cua... không tốt cho người bị sỏi thận
Nói về phương pháp phòng bệnh, Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyên chia sẻ: "Để phòng bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu nên uống nhiều nước nhưng phải đảm bảo nguồn nước sạch, không có thành phần canxi. Đặc biệt, không nên nhịn tiểu, tăng cường vận động và hạn chế stress".
Về điều trị bệnh sỏi thận có phương pháp nội khoa và ngoại khoa. Trong trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận nhưng kích thước nhỏ, các bác sĩ xác định có thể đi tiểu ra được thì sẽ áp dụng phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc. Với những bệnh nhân có sỏi kích thước to, gây đau dữ dội, rối loạn tiểu tiện, cản trở việc tiểu tiện của bệnh nhân thì áp dụng phương pháp điều trị ngoại khoa.
Hiện nay, phương pháp điều trị ngoại khoa gồm mổ lấy sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, tán sỏi nội soi bằng tia laser, tán sỏi ngoài cơ thể... Bác sĩ Tuyên cho biết thêm: "Đối với các bệnh nhân bị sỏi thận, sỏi niệu quản cần bổ sung 2,5-3 lít nước mỗi ngày, lúc buồn tiểu là đi tiểu ngay. Tuy ở trong bệnh viện nhưng các bác sĩ thường gọi bệnh nhân dậy tập nhảy dây mỗi sáng để sỏi di chuyển từ cao xuống thấp. Đặc biệt, người bị bệnh sỏi thận hạn chế ăn các thức chứa nhiều canxi như cá, tôm, cua...".