Ngày 30/7, tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã thông tin về vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị lừa đảo mất 171 tỷ đồng.
Theo Đại tá Toàn, nhóm lừa đảo bà Hương bằng các thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng này sinh sống tại Campuchia, hoạt động chuyên nghiệp, với chủ mưu là người nước ngoài. Quá trình điều tra xác định các đối tượng đã sử dụng hơn 100 tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Hương. Cơ quan Công an cũng phát hiện có 12 người ở Việt Nam làm căn cước giả bán cho các đối tượng lừa đảo.
Để điều tra làm rõ vụ án phức tạp này, cơ quan Công an đã khởi tố nhiều bị can để điều tra về tội “Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Bước đầu xác định, nhóm tội phạm đã lợi dụng sự tin tưởng của nạn nhân, giả danh người có uy tín gọi điện hù dọa có liên quan đến pháp luật để lừa đảo. Do tính chất phức tạp của vụ án, liên quan nhiều người nước ngoài... nên Công an tỉnh tiếp tục phối hợp Bộ Công an và các tỉnh thành làm rõ.
Trước đó, Báo Công lý đã đưa tin, vào hồi tháng 3/2024, Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được đơn trình báo của bà Hương (lúc này bà đang là Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch) về việc bà bị nhóm lừa đảo công nghệ cao đăng nhập vài tài khoản ngân hàng, lấy đi số tiền 171 tỷ đồng.
Sau đó, bà Giang Hương đã bị cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2021-2026, cách chức Phó bí thư Huyện ủy do không trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập. Bà được cho là quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập hồ sơ liên quan việc sở hữu các tài sản đã kê khai.
Bên cạnh vụ việc của bà Hương, tình hình lừa đảo sử dụng công nghệ cao tại Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng diễn biến phức tạp.
Theo đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 76 vụ (chiếm 60,8% tổng số vụ lừa đảo), tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên 325 tỷ đồng. Trong đó đã điều tra, làm rõ bốn vụ, bắt 14 bị can (đạt tỷ lệ 5,06%). Hình thức lừa đảo chủ yếu là dụ bán hàng online nhận hoa hồng; giả danh Công an, cơ quan pháp luật nói bị hại liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia; sử dụng tài khoản Zalo, Telegram lừa tham gia đầu tư các sàn giao dịch ảo, mua tiền điện tử, đầu tư chứng khoán; sử dụng tài khoản Facebook, Telegram gửi quà tri ân khách hàng Lazada...
Trước thực trạng này, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm, đồng thời siết chặt quản lý các hoạt động trên không gian mạng.
Vụ việc lừa đảo bà Nguyễn Thị Giang Hương một lần nữa cho thấy, tội phạm công nghệ cao đang ngày càng trở thành một vấn nạn xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội.