Với giọng nói trầm ấm và ánh mắt đầy nội lực, Tuệ Nghi đã có buổi trò chuyện gần gũi nhưng sâu sắc trong podcast “Nhi nghe đây” của host Tuyết Nhi, chủ đề “Sự đố kỵ ngầm của phụ nữ”.
Tuệ Nghi, tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc (sinh năm 1993), là tác giả của nhiều đầu sách truyền cảm hứng được bạn đọc trẻ yêu mến như Luật ngầm, Sẽ có cách, đừng lo, Can trường bước tiếp, Sự chuyển mình kỳ diệu. Cô được mệnh danh là “nhà văn triệu view” nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội và khả năng truyền tải thông điệp sống tích cực. Luật ngầm: cuốn sách đầu tay của Tuệ Nghi, từng gây tiếng vang khi trở thành tác phẩm bán chạy và được hãng phim mua lại để chuyển thể thành phim điện ảnh. Năm 2013, khi mới tròn 20 tuổi, cô là một trong 10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ là cây bút giàu trải nghiệm, Tuệ Nghi còn là biểu tượng cho hình mẫu phụ nữ trẻ bản lĩnh, biết vượt qua nghịch cảnh và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Giữa khung cảnh đồi cỏ xanh ngát ở Bảo Lộc, hai người phụ nữ cùng thảo luận về một chủ đề tưởng chừng gai góc nhưng lại được lật mở một cách nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Nhà văn triệu view Tuệ Nghi tin rằng phụ nữ hạnh phúc nhất khi họ không so sánh hay đố kỵ nhau, mà là biết cộng hưởng, hoàn thiện bản thân và tôn trọng những khác biệt.
“Bị đố kỵ là dấu hiệu cho thấy bạn đang phát triển”
Chia sẻ về sự đố kỵ ngầm giữa phụ nữ, Tuệ Nghi không phủ nhận nó tồn tại: “Theo tôi, ai trong cuộc sống cũng từng trải qua cảm giác bị đố kỵ ngầm, và bị đố kỵ thực ra là một dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn đang phát triển tốt đẹp lên từng ngày.” Tuy nhiên, chị cũng nhấn mạnh rằng: “Tính đố kỵ không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa, khi người ta đã hiểu thế nào là sức khỏe tinh thần, đặc biệt là phụ nữ.” Với Tuệ Nghi, một người phụ nữ bản lĩnh không dành thời gian để săm soi hay tìm kiếm khuyết điểm của người khác. “Người phụ nữ có tư duy sẽ dành thời gian đó để hoàn thiện bản thân và xây dựng cuộc sống riêng,” chị khẳng định. Theo chị, giá trị thật sự của một người phụ nữ nằm ở việc cô ấy có thể học hỏi từ người khác, bảo vệ nhau trước những bất công, và tìm thấy điểm tích cực để cùng cộng hưởng thay vì so bì.
Nói về hành trình của mình, Tuệ Nghi cho rằng mình may mắn khi luôn có những người phụ nữ sẵn sàng ở bên, động viên và giúp chị nhìn ra những thiếu sót của bản thân. “Tôi nghĩ mình thật sự rất may mắn khi có những quý nhân như vậy trong đời. Họ khiến tôi tin tưởng vào khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống,” chị xúc động nói.
Trong môi trường khắc nghiệt và nhiều áp lực của công việc, những người phụ nữ đồng hành, dù là bạn bè, cộng sự hay đàn chị, chính là chỗ dựa để chị vững tin và phát triển. “Không có ai thật sự đi xa một mình. Tôi tin rằng phụ nữ càng cần nhau hơn bao giờ hết,” chị nói thêm.
“Vũ trụ gửi đến bạn một Đề Bà Đạt Đa, không phải để bạn khổ đau mà để trưởng thành”
Với những phụ nữ đang cảm thấy bị so sánh, ganh ghét, Tuệ Nghi kể lại một câu chuyện đầy hình ảnh: “Tôi đã nghe một câu chuyện thế này: Đề Bà Đạt Đa tuy xuất gia làm đệ tử Phật nhưng lại ganh ghét, đố kỵ, thậm chí còn nhiều lần tìm cách hại đức Phật. Nhưng mà trên thực tế biết đâu trong sự vận hành của pháp phải đưa một người như Đề Bà Đạt Đa đến để giúp đức Phật hoàn thành sự giác ngộ của ngài. Đến đức Phật mà còn không thoát khỏi điều đó thì người thường như chúng ta đâu có gì phải phiền muộn, ai cũng cần có một hoặc nhiều Đề Bà Đạt Đa trong đời để hoàn thành sự giác ngộ, trưởng thành của chính mình. Nếu bạn tin tưởng vào bản thân và sự vận hành của vũ trụ, bạn nên tin vào cách vũ trụ sắp đặt những việc xảy đến với bạn bao gồm cả sự ganh ghét, đố kỵ từ người khác. Hãy đặt ra ranh giới để bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của sự đố kỵ, nhưng cũng đừng xem đó là cái gì quá ghê gớm bởi vì cuộc sống vốn là như vậy.” Câu nói này không chỉ là một ví dụ thiền học mà còn là cách Tuệ Nghi sống, nhẹ nhàng, vững vàng và biết ơn cả những tổn thương, vì chúng cũng là một phần của trưởng thành.
Tuệ Nghi cho rằng mỗi người phụ nữ nên học cách đặt ra ranh giới để bảo vệ bản thân khỏi những năng lượng tiêu cực, nhưng cũng đừng xem những điều ấy là thứ quá kinh khủng. “Nếu bạn tin vào bản thân và tin vào sự vận hành của vũ trụ, thì bạn cũng nên tin vào những sắp đặt của nó, bao gồm cả sự đố kỵ mà người khác dành cho bạn,” chị nhấn mạnh.
Khép lại buổi trò chuyện, có lẽ điều còn đọng lại nhiều nhất là năng lượng bình thản và tích cực mà Tuệ Nghi truyền đi. Không dạy đời, không chỉ trích, chị đơn giản kể chuyện bằng sự từng trải và lòng biết ơn. Trong thế giới đầy so sánh và định kiến, phụ nữ có lẽ không cần trở nên mạnh mẽ hơn ai khác, họ chỉ cần mạnh mẽ hơn chính mình hôm qua, và học cách dịu dàng với chính những ganh ghét họ từng gặp.