Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thế giới tham gia cuộc chiến chống khủng bố của Nga trong khi bảo vệ sự nguyên vẹn của Syria.
Ông Putin đã kiên quyết đẩy mạnh kế hoạch này bằng việc điều động binh sĩ, vũ khí và máy bay tới Syria với hy vọng rằng thế giới sẽ cảm thấy buộc phải theo sự "dẫn dắt" của ông. Tuy nhiên, ông Putin vẫn chưa chuẩn bị bất kỳ nền tảng nào, cả trong nước và quốc tế, cho hành động vốn đầy rủi ro này. Thực tế, ông Putin lại đang làm chính những gì ông đang chỉ trích Washington – đó là hành động đơn phương mà không tham vấn với cộng đồng quốc tế trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại khóa họp lần thứ 70 Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AFP
Ông Putin cũng đang là người bảo vệ “đáng ngờ” đối với sự nguyên vẹn của Syria sau hành động của Nga ở Crimea và miền Đông Ukraine. Thực tế, ông đang bắt đầu một hành động quân sự mạo hiểm khác trước khi hoàn tất cuộc phiêu lưu trước đó và trong thời điểm nền kinh tế Nga suy yếu trầm trọng.
Ông Putin lẽ ra nên tránh khỏi “sự đã rồi” ở Syria. Tuy nhiên, ông đã không xác định rõ nước cờ cuối của mình. Ông nói rằng mục tiêu quân sự trước mắt của ông không phải là tấn công mà là bảo vệ. Tuy nhiên, người ta có thể đoán trước được cái cách mà binh sĩ Nga có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Syria và lý do tại sao 1.000-2.000 quân sẽ không thể thay đổi cục diện trên bộ hay giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.
Mục tiêu cơ bản của ông Putin dường như là làm trung gian cho một giải pháp thông qua đàm phán và đảm bảo rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh lâu năm của Moskva, được tham gia đàm phán. Tuy nhiên, ông Assad đang trong thế buộc phải rút quân và không còn là nhân vật có thể trụ vững. Thực tế, sau gần 5 năm chìm trong cuộc nội chiến hỗn loạn, một đất nước Syria thống nhất không còn tồn tại.
Trong giai đoạn này, không một cường quốc bên ngoài nào có đủ quyết tâm chính trị để can dự và tái áp đặt đường biên giới do châu Âu vẽ ra ở Trung Đông. Bởi vậy, nước cờ đầu tiên của ông Putin trong một ván cờ dài là tăng cường hình ảnh của ông và chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết ở Ukraine cho dù nước cờ này không mang lại ngay lợi ích tức thì.
Tuy nhiên, nếu nhìn hoàn toàn từ quan điểm chiến lược, vẫn chưa rõ tại sao ông Putin lại cho rằng việc tiến hành một chiến dịch quân sự thứ hai trong khi chiến dịch đầu tiên vẫn chưa kết thúc lại là ý tưởng hay.
Ở Syria, Nga thiếu vắng tất cả lợi thế về chiến thuật mà họ có ở Ukraine - như ngôn ngữ chung, sự hiểu biết sâu sắc về địa bàn, khả năng thâm nhập không bị hạn chế và thỏa hiệp với phe đối lập. Thậm chí quan trọng hơn, Nga đã quyết định can dự vào Syria khi nước này chỉ có nguồn lực hạn chế để duy trì một cuộc chiến, chứ chưa kể đến là hai cuộc chiến.
Mặc dù các nhà bình luận vẫn chia rẽ về việc liệu các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt đối với Nga có hiệu quả hay không, nhưng họ chắc chắn rằng các biện pháp này, cùng sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga.
Bởi vậy, ông Putin sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn trực tiếp giữa “súng đạn hay bánh mỳ” và giả định của ông rằng người Nga sẽ hi sinh vì sự vẻ vang của dân tộc vẫn sẽ đúng cho đến khi nó không còn như vậy nữa - như từng xảy ra trước đây trong những thời điểm quan trọng trong lịch sử Nga. Ví dụ như, đi kèm với sự thất bại của quân đội Nga luôn là sự biểu tình phản đối của người dân và thay đổi chính trị, như trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 và cuộc chiến ở Afghanistan năm 1989. Hai lần trong thế kỷ 20, đó là trong Thế chiến Thứ nhất và sau Chiến tranh Lạnh, người dân Nga đã “ruồng bỏ” hoàn toàn nhà nước Nga.
Hiện khó có thể đoán được đến khi nào Nga mới tới được giai đoạn đỉnh điểm như vậy. Tuy nhiên, căng thẳng cố hữu sẽ ngày càng tăng, trong bối cảnh Putin đang chỉ có trong tay dự trữ ngoại tệ ít ỏi - hiện dự đoán ở mức khoảng 350 tỷ USD và đang sụt giảm. Điều mà ông Putin phải lo ngại hiện nay không chỉ là nguy cơ bất đồng chính trị và bất ổn xã hội. Với việc can dự vào Syria, ông Putin sẽ thực sự tham gia cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và đạo Hồi - mặc dù Nga có dân số theo đạo Hồi khá lớn và dễ gây biến. Cuộc chiến chống IS sẽ nhanh chóng làm mất ổn định vùng Bắc Caucasus vào thời điểm khi lực lượng quân đội Nga đang dàn trải quá mỏng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể nghe theo ông Putin. Tuy nhiên, ông Obama nên nhận ra rằng ông Putin đang không thực sự có lợi thế trong đàm phán - bất chấp hình ảnh của ông ta ở phương Tây là một người năng động. Hơn nữa, nếu như bảo vệ sự nguyên vẹn của một quốc gia là nguyên tắc của ông Putin, thì ông Obama phải buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm không chỉ về những gì xảy ra ở Syria mà còn ở cả Ukraine nữa.
Ông Putin đã sử dụng vấn đề Syria để thay đổi cuộc tranh luận trên truyền thông Nga và đánh lạc hướng người dân Nga khỏi cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Ukraine. Ông Putin không nên được trao cơ hội tương tự như vậy ở châu Âu và ở Mỹ.