Cảnh sát Sri Lanka vừa áp đặt lệnh giới nghiêm mới, chặn các trang mạng Facebook, WhatsApp và các nền tảng truyền thông xã hội khác vào thứ Hai sau các cuộc bạo loạn chống lại người Hồi giáo tại một số thị trấn và vụ đánh bom nhà thờ vào ngày Phục sinh.
Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ vụ đánh bom tự sát
Các nhóm Kitô giáo đã tấn công các cửa hàng thuộc sở hữu của những người Hồi giáo là dấu hiệu cảnh báo của căng thẳng tôn giáo đang diễn ra ở Sri Lanka kể từ sau vụ đánh bom tự sát vào ba khách sạn và ba nhà thờ khiến 258 người chết.
Một lệnh giới nghiêm ban đêm ở một số thị trấn phía bắc thủ đô Colombo đã được dỡ bỏ vào lúc rạng sáng, nhưng lại được áp lại 10 giờ sau đó khi tình trạng căng thẳng gia tăng bởi những tin đồn dai dẳng về bạo lực.
Cảnh sát cho biết một linh mục Công giáo đã gửi một thông điệp tới giáo dân về các cuộc tấn công có thể xảy ra, gây hoang mang cho một số người ở các khu vực dễ xảy ra bạo lực.
Thủ tướng Ranil Wickremeinghe kêu gọi công chúng không tin vào những tin đồn và cảnh báo rằng tình trạng bất ổn trong dân sẽ chỉ khiến lực lượng an ninh đang làm nhiệm vụ thêm căng thẳng.
Facebook đã bị chặn ở Sri Lanka sau khi các cửa hàng Hồi giáo bị tấn công
"Tôi kêu gọi tất cả công dân giữ bình tĩnh và không bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch", Wickremeinghe nói trên Twitter, là trang truyền thông xã hội không nằm trong diện bị phong tỏa.
Một tình trạng khẩn cấp đã được ban bố kể từ vụ đánh bom mà nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm. Lực lượng an ninh đã được trao quyền lực càn quét để bắt giữ các nghi phạm trong thời gian dài.
Sri Lanka đã cảnh giác cao độ kể từ sau vụ tấn công Chủ nhật Phục sinh
Cảnh sát cho biết một đám đông đã tấn công vào các cửa hàng của người Hồi giáo ở thị trấn phía tây bắc của Chilaw vào Chủ nhật trong sự tức giận trước một bài đăng trên Facebook của một chủ cửa hàng. Lực lượng an ninh đã phải bắn vào không trung để giải tán đám đông, nhưng bạo lực đã lan sang các thị trấn gần đó, nơi các doanh nghiệp Hồi giáo cũng bị tấn công.
Một nhóm đi xe máy đã tấn công các cửa hàng ở Kuliyapitiya gần đó và bốn người đã bị bắt giữ, các quan chức cho biết. Tuy nhiên, hàng chục người đã bao vây đồn cảnh sát và buộc họ được thả ra.
Mặc dù có lệnh giới nghiêm vào ban đêm, một nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hoại trong đêm, người dân địa phương cho biết.
"Đừng cười nữa, rồi một ngày bạn sẽ khóc" là trạng thái mà một chủ cửa hàng người Hồi giáo đã đăng trên Facebook, khiến các Kitô hữu địa phương đã coi đó là một cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Đám đông đã tới đập phá cửa hàng của người đàn ông này và phá hoại một nhà thờ Hồi giáo gần đó khiến lực lượng an ninh buộc phải bắn vào không trung để giải tán đám đông. Một lệnh giới nghiêm đã được áp đặt từ chiều chủ nhật cho đến sáng thứ Hai.
Hiện đã có những cuộc đụng độ giữa các Kitô hữu và Hồi giáo ở Negombo - thị trấn phía bắc thủ đô Colombo, nơi bị những kẻ tấn công tự sát nhắm đến.
Cơ quan tôn giáo cấp cao của các giáo sĩ Hồi giáo, All Ceylon Jamiyyathul Ulama (ACJU), cho biết đã có sự một nghi ngờ ngày càng tăng của người Hồi giáo sau các cuộc tấn công vào Chủ nhật Phục sinh.
"Chúng tôi kêu gọi các thành viên của cộng đồng Hồi giáo hãy kiên nhẫn hơn và kiểm soát hành động của mình, tránh các bài viết hoặc lưu trữ không cần thiết trên phương tiện truyền thông xã hội", ACJU nói.
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cho biết họ đã được cơ quan quản lý viễn thông hướng dẫn chặn quyền truy cập vào Facebook, WhatsApp, YouTube và Instagram.
Những người thờ phượng ở Sri Lanka đã bắt đầu đi lễ trở lại
Hàng chục người đã bị giam giữ kể từ sau vụ tấn công vào Chủ nhật Phục sinh, và trong bối cảnh an ninh ngày càng tăng, cảnh sát đã cấm đỗ xe gần trường học và học sinh chỉ được phép vào trường sau khi kiểm tra chất nổ.
Các trường công đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh bị kéo dài bởi các vụ tấn công, nhưng số lượng học sinh đến trường rất thấp.
Các trường công giáo tư nhân sẽ mở cửa vào ngày mai, nhưng nhiều trường đã hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sang tuần sau.
Người Hồi giáo chiếm khoảng 10% và người Công giáo chiếm khoảng 7,6% trong số 21 triệu dân chủ yếu theo đạo Phật của Sri Lanka.