Sau gần một tháng phát động, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe” đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ các thí sinh. Gần 200 bài dự thi được gửi về, trong đó nhiều ý tưởng đột phá.
Ngay sau khi đề cử đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019 – Á hậu Hoàng Thùy và chủ đề cuộc thi tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc được công bố, các thí sinh đã nắm bắt được tiêu chí, định hướng của năm nay để đưa ra ý tưởng phù hợp với Hoàng Thùy. Bản thân Á hậu Hoàng Thùy cũng chia sẻ, cô thích một bộ trang phục vừa có tính thẩm mỹ, đề cao văn hóa dân tộc, vừa thể hiện được kỹ năng trình diễn, tạo hiệu ứng trên sân khấu. Là người trực tiếp đồng hành cùng cuộc thi, Hoàng Thùy vô cùng ấn tượng với các bài dự thi được gửi về. Cô hào hứng mong chờ đến ngày công bố Top 15 để có cơ hội gặp trực tiếp thí sinh, nghe họ thuyết trình về ý tưởng.
Trong số các bài dự thi Ban Tổ Chức nhận được, không ít bài khiến khán giả bất ngờ về tư duy sáng tạo, phá cách và kết hợp nhiều nét đẹp văn hóa trong một ý tưởng.
Từng vào Top 15 mùa trước với bài thi “Sắc nước hương trời”, Lương Đức Minh (sinh năm 2003, TPHCM) quyết định quay trở lại cuộc thi năm nay bằng hàng loạt mẫu thiết kế ấn tượng, trong đó Sơn Tinh – Thủy Tinh và Ngọc Ngà Đông Dương nhận được nhiều lời khen từ khán giả.
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết quen thuộc của dân tộc, bài thi “Sơn Tinh – Thủy Tinh” tái hiện lại cuộc chiến giữa hai vị thần bằng tông màu nóng – lạnh tương phản ở phần cánh, thể hiện sự kiên cường, bất khuất của người dân Việt trước thiên tai, thảm họa thiên nhiên. Điểm nhấn của bài thi chính là những họa tiết đặc sắc thời Văn Lang và hình ảnh voi chín ngà đầy uy quyền ở trung tâm phần cánh, gợi nhớ câu chuyện kén rể đầy thú vị của vua Hùng Vương. Bài thi “Sơn Tinh – Thủy Tinh” sau khi đăng tải chưa đầy 24 giờ đã nhận về hơn 46 ngàn lượt like, hơn 13 ngàn lượt bình luận và hơn 5,5 ngàn lượt chia sẻ, hiện đang nằm trong Top 5 bài thi được bình chọn nhiều nhất.
“Ngọc Ngà Đông Dương” được lấy ý tưởng từ cây lúa – một loại cây gắn bó với nông nghiệp và đời sống người nông dân Việt Nam. Không sử dụng form dáng áo dài quen thuộc mà thay bằng jumpsuit được đính thành hình áo yếm cùng với bốt cao cổ thể hiện sự phá cách, hiện đại và không bị gò bó nhưng vẫn thể hiện được nét truyền thống dân tộc. Phần cánh cò trên lưng dang rộng nhằm thể hiện ý tưởng cánh cò đang bay qua ruộng lúa quê hương, vừa thân thuộc, vừa gần gũi. Ưu điểm của bài thi này là khoe được đôi chân dài của Á hậu Hoàng Thùy.
Ca Trù là loại hình diễn xướng nghệ thuật thịnh hành ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 15, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bài thi “Di sản ca trù” của Cao Văn Tường (sinh năm 1997, Bình Định) giữ nguyên mẫu hình ảnh sân khấu ca trù thu nhỏ, kết hợp lối biểu diễn dùng tiếng phách âm vang trống chầu, tiếng đàn ai oán của đàn đáy, tiếng ngân vang da diết của ca trì để tạo hiệu ứng nghệ thuật khi trình diễn. Tác giả bài thi mong muốn giới trẻ ngày nay sẽ quan tâm hơn đến các loại hình nghệ thuật truyền thống và lưu giữ, phát huy những di sản này.
Phương tiện giao thông không phải là chủ đề mới tại Miss Universe nhưng Đinh Quốc Tuấn (sinh năm 2002, Thái Nguyên) vẫn muốn mang “Xe máy” – loại phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam đến với cuộc thi. Hình ảnh nón bảo hiểm mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả vì bất cứ ai khi ra đường cũng đều phải sử dụng. Cách điệu hình ảnh xe máy trở thành trang phục mặc lên người, bài thi là sự sáng tạo độc đáo của Quốc Tuấn dù chỉ mới 18 tuổi.
Mẫu thiết kế “Cánh Gió” của cặp đôi Phạm Đăng Quang & Trần Huỳnh Đức (sinh năm 1985, 1996, Tiền Giang) lấy cảm hứng từ những chiếc quạt tay truyền thống được cách điệu hiện đại thông qua hình ảnh chiếc yếm đào Việt Nam. Tông màu vàng làm chủ đạo với áo yếm được thiết kế từ chiếc quạt nan “dân dã” kết hợp cùng quạt lụa cung đình “sang trọng” ở phần váy, có thể tạo hiệu ứng khi trình diễn. Những chiếc quạt nan lá được đan xếp thành hình hoa sen – quốc hoa của Việt Nam làm phụ kiện phía sau tạo nét độc đáo cho trang phục. Qua đó thiết kế “Cánh Gió” muốn gửi gắm đến những tinh hoa văn hóa truyền thống với thông điệp về việc bảo tồn, gìn giữ làng nghề làm quạt thủ công & đồng thời giới thiệu đến bạn bè thế giới thông qua cuộc thi Miss Universe.
Lấy ý tưởng từ giá hầu Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn – một trong 12 thánh chầu của đạo mẫu kết hợp với hình ảnh thập nhị tiên nàng, nón củ ấu, tượng thờ… Bài thi “Thượng Ngàn Thánh Mẫu” của Định Ngọc Bình (sinh năm 1995, Hà Nội) là sự kết hợp của văn hóa tâm linh và sự sáng tạo của thời trang. Tỉ mĩ trong từng họa tiết, bố cục màu sắc, bài thi là bức tranh tổng quan về Đạo Mẫu, lần đầu tiên được thể hiện trong một bài dự thi thiết kế trang phục dân tộc để đi thi quốc tế.
“Cửu Long Giang” của Nguyễn Anh Khương (sinh năm 1998, TPHCM) không chỉ mang ý nghĩa về giá trị vật chất mà còn mang đầy ý nghĩa văn hóa cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hình ảnh biểu trưng trong bộ trang phục đó chính là 9 con rồng chung một thân đang quấn quanh người. Hình ảnh rồng được lấy từ hình ảnh của rồng Việt Nam trên các mái đình chùa. Tông màu vàng cũng góp phần giúp người mặc nổi bật hơn khi trình diễn trên sân khấu.
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Na Hill ở Đà Nẵng là điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam trong năm vừa qua, không chỉ là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng mà đây còn là công trình kiến trúc vươn tầm thế giới, khẳng định trí óc sáng tạo của người Việt Nam. Đó là lý do mà Nguyễn Nam Thanh (sinh năm 1995, Phú Yên) quyết định lấy ý tưởng này để vẽ thành bài thi “Nàng Hill”. Tuy cũng có nhiều bài thi khác sử dụng ý tưởng Cầu Vàng nhưng “Nàng Hill” tạo sự khác biệt bởi sự tinh tế trong từng chi tiết và tôn vinh vóc dáng người trình diễn.
Hiện, BTC vẫn tiếp tục nhận bài dự thi đến hết ngày 15/06/2019. 05 bài thi được khán giả bình chọn nhiều nhất trên fanpage Miss Universe Vietnam sẽ vào thẳng Top 15, có cơ hội thuyết trình trước ban giám khảo và Á hậu Hoàng Thùy.