Sởi hoành hành ở các tỉnh phía Nam, nhiều bệnh nhi nhập viện

Chí Tâm| 04/09/2018 16:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tháng 8/2018 ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.

Chỉ trong tháng 8/2018, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của TP.HCM đã ghi nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 có 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 15 ca xét nghiệm có kết quả dương tính với sởi. Hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, vài tuần trước, đơn vị đã tiếp nhận rải rác các ca mắc sởi. Đa số các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi. Đặc biệt, có 3 trường hợp mắc sởi chưa tới 9 tháng tuổi, nghĩa là chưa đủ tháng để tiêm vắc xin phòng sởi.

Bác sĩ Khanh nhận định, thông thường, ở độ tuổi này ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm. Đáng lưu ý, các bé bị sởi do lây nhiễm từ phụ huynh, do đó không loại trừ nguyên nhân phụ huynh không biết bị nhiễm bệnh nên đã vô tình lây bệnh cho con.

Sởi hoành hành ở các tỉnh phía Nam, nhiều bệnh nhi nhập viện

Trẻ mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh hoạ

Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu bùng phát, Sở Y tế TP.HCM khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong bệnh viện và trong cộng đồng. Các bệnh viện tổ chức cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo và tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ. Xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát và lan rộng. Cơ sở tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho trẻ tiêm đủ vắc xin sởi đúng lịch. 

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, các gia đình cần cho trẻ dưới 5 tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.

Nếu tiêm chưa đủ thì khẩn trương đưa trẻ ra trạm y tế phường để được tư vấn tiêm bù, càng sớm càng tốt. Nếu trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban thì đưa trẻ đi khám bệnh, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước Châu Âu. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sự gia tăng dịch bệnh sởi tại các nước Châu Âu trong nửa đầu năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước Châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sởi hoành hành ở các tỉnh phía Nam, nhiều bệnh nhi nhập viện