Đời sống

Sở Tư pháp Thanh Hóa góp phần xây dựng nền tư pháp dân chủ, bảo vệ công lý

Thanh Phương 17/05/2023 - 22:54

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những đóng góp của lãnh đạo, cán bộ, người lao động thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (17/5/1983 – 17/5/2023).

Buổi lễ diễn ra vào chiều 17/5, với sự tham dự của các đồng chí: Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các tổng cục, vụ thuộc Bộ Tư pháp; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ.

botruonglong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Vào ngày 17/5/1983, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBTH thành lập hệ thống tổ chức tư pháp trong tỉnh, theo đó Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập.

Ban đầu Sở Tư pháp chỉ có 12 cán bộ chuyển từ Ban Pháp chế của UBND tỉnh, cán bộ của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và các ngành khác sang. Hệ thống bộ máy của Sở mới chỉ có 4 phòng chuyên môn. Trụ sở làm việc chưa ổn định, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn.

Trong suốt chiều dài 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp tỉnh đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Sở Tư pháp ngày càng giữ vai trò nòng cốt là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chung tay xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân.

kyniem.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho các cá nhân

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao và biểu dương những kết quả nổi bật mà Sở Tư pháp Thanh Hóa đạt được qua 40 năm xây dựng và phát triển; qua đó tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu, là chỗ dựa tin cậy về mặt pháp lý cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Sở Tư pháp có 6 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc sở được giao thực hiện 36 nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp Thanh Hóa cần bám sát các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục khẳng định rõ nét hơn vai trò là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa, nhất là tham mưu đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp ở địa phương.

a3kyniem.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tặng bức trướng cho Sở Tư pháp 

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa, nhất là trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, để góp phần tạo chuyển biến mới cho công tác tư pháp trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đạt được trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ. Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước và đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất cao của cả hệ thống chính trị, trong đó Sở Tư pháp Thanh Hóa đã và đang được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, có tính chiến lược, đột phá. Đây chính là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội, vinh dự lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao cho ngành Tư pháp.

Lãnh đạo, cán bộ, người lao động Sở Tư pháp cần tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động, tích cực và linh hoạt hơn trong việc tham mưu, cung cấp các ý kiến pháp lý nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung rà soát, tham mưu đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” trong tổ chức thi hành, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công chứng, luật sư; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

Tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; trong đó chú trọng công tác đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành Tư pháp.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho 20 cá nhân; tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 9 cá nhân vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành tư pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 6 cá nhân; Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen cho 9 cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Tư pháp Thanh Hóa góp phần xây dựng nền tư pháp dân chủ, bảo vệ công lý