Buồn chán cảnh gia đình, ông lặng lẽ gói gém đồ đạc vào rừng sống cùng cỏ cây, muông thú. Ban đầu, ông cũng chỉ tính đi để khuây khỏa ít ngày, nào ngờ, chuyến đi ấy đã biến ông thành “người rừng” suốt hơn một phần ba thế kỷ...
Ông là Đinh Văn Toán (SN 1953, ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), một cựu chiến binh thời chống Mỹ.
“Con ma rừng” biết... thổi sáo
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh, chị em, ông Toán vốn là người nhu mì, ít nói. Năm 1970, nhân đợt tuyển quân của địa phương, ông Toán làm đơn xin đi bộ đội. Sau vài tháng huấn luyện, ông được điều vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Chính những năm tháng nằm gai, nếm mật ở chiến trường đã tôi luyện cho con người ông Toán sức chịu đựng phi thường, điều đó lý giải vì sao, ông có thể sống trong cảnh thiếu thốn suốt mấy chục năm giữa rừng già.
Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Toán trở về quê. Cũng chả hiểu vì cơn cớ gì mà suốt những ngày tháng sau đó, ông Toán luôn sống trong tâm trạng u uất. Người thân trong gia đình cũng nhiều lần dò hỏi nhưng vốn bản tính ít nói, ông Toán vẫn lặng thinh. Thấy vậy, nhiều người đồn đoán là do ông bị thất tình, bởi trước đó, họ nghe nói thời còn trong quân ngũ, ông Toán có quen và yêu một người phụ nữ quê ở mãi miền xuôi. Thế nhưng, sau giải phóng, hai người chia tay đường ai nấy đi. Sống với gia đình ít lâu sau, ông Toán lẳng lặng bỏ vào rừng sống.
Ban đầu, những người thân trong gia đình cũng chỉ nghĩ ông Toán bỏ đi vài ngày cho khuây khỏa rồi lại về, nhưng một tuần, rồi một tháng cũng không thấy ông về, mọi người mới vào rừng tìm kiếm. Nhưng, dù có vận động thế nào, ông Toán cũng nhất định không về. Không những thế, vì không muốn những người thân “làm phiền” mình thêm nữa, ông Toán liên tục thay đổi chỗ ở để không ai tìm được. Và, ông chính thức trở thành “người rừng” từ đó.
Ông Đinh Văn Toán Ảnh:TN
Thời gian ấy, những người dân sống ở gần khu vực hang đá nơi ông Toán trú ngụ đêm nào cũng nghe thấy tiếng sáo vi vu, réo rắt, giai điệu lúc dìu dặt, bi ai, lúc trầm, lúc bổng phát ra từ cánh rừng già. Họ đồn thổi đấy là một con ma rừng biết thổi sáo, biết săn bắn và bảo vệ những người dân bản Mường khi họ vô tình đi lạc. Mãi sau này, một số người dân đi rừng phát hiện ra “con ma rừng” đó chính là ông Đinh Văn Toán. Nhiều khi “nổi hứng”, ông Toán còn mời đám thợ rừng vào “nhà” mình uống nước.
Suốt mấy chục năm sống trong hang đá
Cái gọi là "nhà" của ông Toán chỉ là một ngách hang rộng chừng vài mét vuông, có mái chìa ra phía trước che nắng, che mưa. "Nhà" ông có những hai chiếc giường là hai tấm ván kê vào đá hẹp chỉ vừa đủ một người nằm. Chiếc giường dưới thấp hơn gần đống lửa sưởi để nằm những hôm trời quang đãng. Hôm nào trời đổ mưa, hắt vào cả chiếc giường đó, ông lại chuyển lên tấm phản cao hơn ở phía trong. Khi ngủ, ông vắt hai tay lại sau lưng cho khỏi rơi xuống dưới. "Người rừng" gọi đống củi quanh năm đỏ lửa là "chăn bông" giúp ông giữ ấm suốt hơn hai thập kỷ qua.
Ngôi nhà nhìn có vẻ sơ sài nhưng chẳng thiếu thứ gì, từ những vật dụng nhỏ nhất như chiếc lược, cái bật lửa bằng dầu cũ kỹ, chiếc khăn mặt cho đến những hạt lúa giống được treo cẩn thận trên gác bếp, rồi bộ bàn ghế bằng đá được sắp xếp rất ngay ngắn. "Phòng khách" đồng thời cũng là nhà bếp - là nơi đống lửa đặt giữa hang. Những chiếc ghế "salon" là mấy hòn đá xếp gọn vào một góc. Trên "tường nhà" làm từ vách đá có hẳn một "tủ thuốc gia đình". Mấy vỉ thuốc chữa bệnh thông thường được cài cẩn thận trên các khe đá nhỏ. Bồ hóng đen kịt từ bếp bốc lên, bám lấy những viên thuốc khiến chúng chẳng còn nhìn ra là màu gì, thuốc gì nữa.
Thậm chí, nơi cao nhất trong hang cũng được người rừng trưng dụng một góc nhỏ để làm nơi thờ tự bởi bàn thờ tổ tiên là một trong những nơi không thể thiếu trong cuộc sống của những người con bản Mường, dù họ ở bất cứ nơi đâu. Phía dưới bàn thờ là "tủ rượu", gồm rất nhiều chai không ông thu nhặt về để dành, phòng khi dùng đến. Chếch ngoài cửa hang là chiếc dây phơi, trên đó vắt hờ vài bộ quần áo cũ càng, phần nhiều đã ngả sang màu đất.
Trên "trần nhà" đen bóng vì lớp bồ hóng phủ lâu ngày không phải là chiếc quạt trần giống như nhà của người ở dưới xuôi mà là một nắm bông lúa ông lượm về và treo lên làm giống. Không chăn chiếu, màn, gối, đã hơn 20 năm nay, ông Toán vẫn "ngon giấc" bên đống lửa. Ngách hang bên cạnh là khu ông để những vại măng chua, vại dưa muối. Hôm nào không có canh (thức ăn theo cách gọi của người dân tộc), ông lại lấy măng chua ra chấm muối ớt ăn tạm. Những hũ măng được ủ trong ống nứa to, bịt kín và xếp thẳng hàng. Đằng sau "nhà" còn có cả một khu phơi vài mảnh vải tả tơi dùng để "mặc".
Suốt mấy chục năm ăn ở trong hang, thời gian đầu, thức ăn của ông Toán chủ yếu là chuột, sắn, củ mài trên rừng và tôm, cua, ốc, ếch dưới suối. Kể từ khi vào ở hẳn trong rừng, tới nay, ông Toán đã vài lần "chuyển nhà". Trước, ông ở trong những chiếc hang sâu và trên cao, xa nguồn nước, giờ có vẻ ông đã an phận ở cái hang trên đồi Lắn thuộc địa bàn xóm Phiếu. Ông Toán kể: “Có đận tôi sống bằng lá, quả rừng, bụng dạ không quen, ruột gan lúc nào cũng như có kiến bò nên quyết tâm phải kiếm chỗ để mà trồng trọt”.
Mong ước lúc cuối đời
Kể từ khi quyết định “an cư lạc nghiệp” ở đồi Lắn, ông Toán bắt đầu trồng ngô, trồng sắn, rồi trồng bưởi, cam, quýt. Giờ mỗi phiên chợ, ông mang những thứ này ra đổi gạo, đổi muối với người dân. Quanh khu vực ông Toán ở, hầu như cây ăn quả gì cũng có, từ bưởi, xoài, cam quýt... đến cả hàng cau đứng thẳng tắp ngay "cổng vào". Dưới gốc cau, đám hoa mười giờ vươn rộng, cài lên gốc cây những bông hoa tươi tắn.
Nước ăn và sinh hoạt lấy từ suối lên được ông Toán cho vào trong “vại” là những cây nứa lớn. Mỗi lần đi lấy nước, ông chỉ cần đổ đầy hai "vại" ấy là cũng đủ dùng cho cả tuần. Mọi đồ vật từ những thứ đơn giản nhất tới những thứ phức tạp đều được làm từ cây rừng, chủ yếu là cây nứa. Nấu cơm trong ống nứa, đun nước, luộc rau, nấu canh, uống nước cũng bằng ống nứa, thậm chí, phích nước của ông cũng làm từ loại cây này. Hơn nữa, nhờ có khả năng thích nghi rất tốt với cuộc sống tự nhiên, cơ thể dẻo dai, nhanh nhẹn nên ông Toán cũng thường xuyên bẫy, bắt được thú rừng. Những thứ đó, ông để “cải thiện đời sống” một phần, phần còn lại ông mang đi đổi lấy nhu yếu phẩm.
Thế nhưng, con người không ai tránh được quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên. Giờ đây, khi tuổi đã già, sức đã yếu, ông Toán cũng không còn tinh nhanh như trước nữa nhưng không khi nào ông nghĩ đến việc rời cánh rừng Lắn để trở về bản sinh sống. Thậm chí, các cháu trong họ đã nhiều lần vào hang Lắn vận động, thậm chí “cưỡng ép” đưa ông về bản để sống tuổi già. Tuy nhiên, nhớ rừng, nhớ hang, chỉ dăm bữa là ông lại trốn vào rừng.
Đường vào “nhà” ông Toán
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lặn lội lên tận hang Lắn vận động ông Toán trở về với cuộc sống đời thường, với bản làng, nhưng ông Toán cũng nhất quyết không đồng ý. Không những thế, cán bộ xã còn hứa sẽ đưa ông Toán vào danh sách những người được hưởng trợ cấp xã hội, người nghèo không nơi nương tựa, ông Toán cũng lắc đầu. Câu trả lời duy nhất của ông Toán trong những lần ấy là: “Tôi chỉ thích rừng thôi!”.
Ông Toán bảo: “Hạnh phúc của tôi đơn giản chỉ có thế này, gần 40 năm sống ở đây, giờ đã quen “mùi” của rừng rồi. Cánh rừng này đã cưu mang, che chở tôi gần nửa cuộc đời, khi tôi chết, tôi cũng muốn nằm lại với rừng. Ở đây nhiều lúc cũng buồn, nhưng tôi quen rồi. Tôi không muốn ra ngoài sống vì sợ cái cảnh sống bon chen, ồn ã. Cứ sống thế này cho nó thanh thản. Khi nào buồn chán quá, tôi lại lôi sáo ra thổi”.
Và quả thật, ông Toán có biệt tài thổi sáo. Thâm trầm, kiệm lời là vậy nhưng khi có cây sáo trong tay, ông linh hoạt hẳn lên, giống như là một người khác. Những ngón tay chai sần và thô ráp của ông tự nhiên hoạt bát khi nhấn, rồi mở những chiếc lỗ trên cây sáo. Chả biết có phải “than thân trách phận” hay không, nhưng tiếng sáo của ông Toán buồn đến nao lòng. Những thanh âm du dương, lúc trầm, lúc bổng, lúc réo rắt vào lòng người như hờn ghen, trách móc, nghe thật thê lương.
Chính vì hâm mộ tiếng sáo của ông nên những đêm trăng thanh gió mát, nhiều người dân ở xóm Phiếu lại hướng về phía rừng già để nghe ông thổi sáo. Thậm chí, đã có nhiều trai bản không quản ngại khó khăn vất vả, lặn lội vào đây để xin ông truyền dạy. Cũng từ những buổi “bổ túc” như vậy, nhiều chàng trai đã chinh phục được người mình yêu nhờ những “ngón nghề” về sáo do ông Toán “người rừng” dạy. Nhưng trong số họ, chưa có chàng trai nào thổi hay hơn “sư phụ” của mình.