Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, UBND TPHCM phối hợp với UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung triển khai hợp tác giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, phát huy hiệu quả các nội dung hợp tác, tăng tính liên kết vùng cần xác định rõ các hoạt động cụ thể với các sản phẩm, dự án và thời gian thực hiện;
Đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng; nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, du lịch; tổ chức hội thảo phòng, chống thiên tai, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính liên kết vùng; tiếp tục tổ chức các hoạt động thiết thực trong liên kết phát triển du lịch…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL hiện có 2 thỏa thuận đó là: Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (ký năm 2023) và Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch (ký năm 2020).
Qua trao đổi và làm việc, có thể kết hợp tổ chức sơ kết 2 sự kiện này vào cùng một thời điểm nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí, tăng cường kết nối, hợp tác, giao lưu kinh tế,...
TPHCM với 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm đó là: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.
Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn lắng nghe các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đại diện các doanh nghiệp, các đại biểu, làm sao chỉ ra những trọng tâm, những cách thức hiệu quả để việc hợp tác thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, để làm sao chúng ta triển khai hợp tác thực chất, hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL và TPHCM.
Báo cáo tại hội nghị, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, năm 2023, có 322 đơn vị tham gia với 657 gian hàng, có 13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự với 184 doanh nghiệp đăng ký tham gia cùng quy mô 328 gian hàng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sở Công Thương đã hoàn thiện nâng cấp website ketnoicungcau.vn; hiện nay, các hệ thống phân phối đang đẩy mạnh tìm kiếm, tương tác nhà cung cấp, tìm hiểu sản phẩm trên nền tảng này…
TPHCM đã cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức tọa đàm về các chuyên đề kết nối giao thông liên vùng; triển khai tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường thủy từ huyện Cần Giờ - TP HCM đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang và ngược lại;
Tổ chức chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TPHCM. Năm 2023, có 788 gian hàng, tiêu thụ 138 tấn hàng hóa, trái cây và 120.000 chậu hoa; năm 2024, có 745 gian hàng, tiêu thụ 95 tấn hàng hóa, trái cây và 90.000 chậu hoa các loại…
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, có lịch sử hình thành khá lâu đời, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng ĐBSCL.
Theo đó, đặt ra mục tiêu phát triển Cần Thơ đến năm 2030 trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Cần Thơ tập trung tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết vùng, đổi mới trong hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Các điểm nhấn trong chính sách thu hút đầu tư;các điểm nhấn trong liên kết vùng, phối hợp trong và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững; các nội dung trọng tâm trong kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 – 2025.