Không chống lại được cơn nghiện hành hạ, gã vác dao lên rừng thịt trộm trâu bán để lấy tiền mua ma túy. Bị phát hiện và truy đuổi, gã tự cứa vào cổ mình tự tử. Vì gã nghĩ, nếu để bị bắt thì sẽ phải đi tù và "mất mặt với bạn bè"...
Gã là Lương Văn Nguyên (SN 1976), người dân tộc Thái, nhà ở bản Pà Cá, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An
Đốt đời trong khói phù dung
Nguyên nghiện, từ khi mới ngoài 20 tuổi. Tính đến giờ, thâm niên “ôm bàn đèn” của gã cũng tròm trèm hai thập kỷ. Ngần ấy năm hút xách thì đến tỷ phú, đại gia cũng thành ăn mày, huống hồ một gã nghèo kiết xác từ tấm bé như Nguyên. Nhà Nguyên nghèo, tất tật chục miệng người gồm bố mẹ và bảy anh chị của gã chỉ trông chờ vào mấy mảnh nương khô khát. 16 tuổi, vừa hết lớp 6, gã bỏ học.
Ở quê, những kẻ vô công dồi nghề như Nguyên thì niềm vui duy nhất là tụ tập, rượu chè, đàn đúm. Để có tiền, gã làm thuê đủ việc, từ trèo rừng lấy phong lan đến phụ hồ, xách vữa. Thấc lên chút nữa, gã cùng mấy đứa bạn chui vào rừng làm… lâm tặc. Ngày chui rúc rừng rú tìm cây, đêm lán trại buồn hiu hắt, gã bập vào ma túy như một định mệnh đắng cay. Bởi, giữa hoang vu chín suối mười đèo, gã và đám bạn sống chả khác thổ phỉ, chúng tự do chích hút mà không lo bị ai cấm cản, chúng “chơi” để giải khuây, để tăng năng xuất phá rừng...
Nguyên bảo: “Dạo ấy, đi chặt gỗ mỗi ngày được khoảng vài chục nghìn. Sáng vác dao, cưa, đục lên rừng, chiều xòe tay đếm tiền, tối về ném hết vào “ống tiêm”! Mua ở đâu à? Lúc đó vào bản Mông giáp biên nhà nào chả có, mua thuốc phiện dễ hơn mua rau. Có khi thằng “cai gỗ” nó còn đi mua về bán nợ cho mình. Mình hút, mình có sức khỏe, mình lại chặt được gỗ cho nó nhiều hơn, tội gì nó không bán?! Mà giữa rừng buồn lắm, cả tuần, cả tháng không gặp một bóng người, không hút thì biết làm gì?!”.
Ngày tháng chảy trôi, cuộc đời Nguyên chìm trong khói thuốc. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Nguyên tự nhận thấy sức khỏe của mình suy kiệt. Gã thường xuyên bị đau ngực, miệng ho rũ rượi, mặt và toàn thân nổi mụn. Nhiều khi tiền công chặt gỗ, phá rừng cũng chả đủ vài cữ thuốc. Mà không thuốc thì không vác được rìu, không "lái" được cưa, thế là gã bỏ rừng về nhà bám váy mẹ.
Biết Nguyên đổ đời theo “ả phù dung”, bố mẹ gã đã hết lời khuyên nhủ để mong gã tỉnh ngộ tìm về con đường sáng. Gã nghe như gió thoảng đỉnh rừng. Cuối năm 1992, Nguyên lấy vợ. Vợ gã, người dân tộc Thái, cùng bản, cũng nghèo. Lấy nhau được và năm thì hai đứa con gã ra đời. Còn gã vẫn nghiện. Một lần, sau khi phải chứng kiến tận mắt thằng bạn thân chết do sốc thuốc, bản năng sống trong gã trỗi dậy. Gã quyết tâm cai. Lúc đó, gã quyết tâm ghê lắm. Gã rạch chân, rạch tay thề sẽ cai nghiện, đoạn tuyệt với “ả phù dung”. Thế nhưng, dù quyết tâm thì có thừa, song ma túy là cái con ma không ai có thể hiểu nổi, nó khiến gã vật vã như người chết đi sống lại. Rồi gã tái nghiện. Mà đã nghiện là nghiện oặt.
Nhưng muốn nghiện thì phải có tiền, thế là gã sinh nghề ăn cắp. “Gà què ăn quẩn cối xay”, thỉnh thoảng rình lúc bố mẹ, vợ con vắng nhà, gã lại “tiện tay” xách con gà, bao gạo của gia đình mang đi đắp đổi “cơm đen”, “hàng trắng”. Thế nhưng, nhà gã nghèo. Chỉ mới vài lần “tiện tay”, gã đã khiến trong nhà chả còn vật dụng nào đáng giá. Có chong đèn lật tung cả cột cái, cột con lên cũng không một đồng bạc trắng, gã bắt đầu đi chôm chỉa của bà con, hàng xóm.
Lương Văn Nguyên: "Bị cáo tự tử là vì sợ đi tù và... xấu hổ"
Một đồn năm, năm đồn mười, cái tin thằng “Nguyên nghiện” hành nghề “đạo chích” chả mấy chốc mà vang xa khắp bản. Cứ nhác thấy bóng gã là gia đình nào cũng tâm tâm, niệm niệm đề phòng. Chả thế mà có lần gã vừa chui vào chuồng gà của một gia đình ở bản bên, chưa kịp nhấc con gà mái ra khỏi ổ thì đã nghe tiếng súng nổ chát chúa bên tai. May mà gia chủ chỉ nhắm bắn cảnh cáo bằng súng tự chế, chứ nếu không gã đã “về chầu tiên tổ”. Sau lần chết hụt đó, tưởng gã sẽ từ bỏ nghề trộm cắp, nhưng nào ngờ "ngựa quen đường cũ"...
Tự tử vì sợ đi tù và xấu hổ
Vốn đã có nhiều năm lang bạt trong khắp các cánh rừng thuộc miền tây xứ Nghệ, nên Nguyên biết được đồng bào ở vùng này có thói quen thả rông trâu bò trên núi, thảng hoặc người ta mới lên đó tìm về. Trong đầu gã bắt đầu ấp ủ ý định trộm trâu. Nghĩ là làm, ngày 2/6/2014, Nguyên lang thang trên khu vực đồi Tà Láo (bản Pà Cá, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An) thì phát hiện ra một con trâu của gia đình ông Chang Văn Thiết (ở bản Na Pú, xã Mường Nọc) đang ăn cỏ gần đó. Sau khi tính toán, Nguyên quyết định giết lấy thịt đem bán chứ không dắt cả con. Gã liền tiến lại gần con trâu rồi rút dao chém vào khỉu chân sau để nó không chạy được, rồi tiếp tục chém nhiều nhát vào cổ cho đến khi trâu chết hẳn. Sau đó, gã chặt lấy bốn cái đùi mang đi đổi heroin. Toàn bộ số thịt còn lại, gã ném vào hốc đá bên bờ suối.
Sau đó, một người đi rừng đã phát hiện ra số thịt trâu liền về báo với dân bản và chính quyền. Đến lúc ấy, cả bản mới nháo nhào vào rừng gọi tìm gia súc của mình. Và cũng phải đến lúc bấy giờ, gia đình ông Thiết mới biết nhà mình bị mất trâu. Nguyên cũng tham gia vào đoàn người đi lên núi, thậm chí, gã còn gặp gỡ, nói lời an ủi, chia buồn với gia đình ông Thiết.
Ở Quế Phong, đồng bào có thói quen thả rông trâu bò trên núi
Suốt 3 tháng sau, Nguyên nằm im không dám có động tĩnh gì. Đến ngày 8/9/2014, không chống lại được cơn nghiện hành hạ, Nguyên lại vác dao và bao tải lên đồi. Khi đến khu vực đồi Pù Lão (bản Pà Cá, xã Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An), Nguyên phát hiện thấy con trâu của gia đình bà Lữ Thị Hải (ở bản Na Pú, xã Mường Nọc) ở đó. Gã liền lùa trâu vào trong hẻm núi rồi dùng dao tấn công cho đến chết. Do con dao bị mẻ nên gã chỉ chặt được một chân sau rồi cho vào bao tải dứa mang về.
Chờ đến khi trời tối, Nguyên mới dám mang thịt trâu xuống thị trấn Kim Sơn (Quế Phong, Nghệ An) để bán. Khi mới đến đầu thị trấn, gã bị tổ công tác của Ban Công an thị trấn Kim Sơn chặn bắt. Thấy vậy, Nguyên bỏ cả xe đạp và thịt rồi chạy trốn vào rừng. Do đã có kinh nghiệm nhiều năm sống ở rừng nên việc truy bắt gã gặp rất nhiều khó khăn. Ngày Nguyên ẩn nấp trong các hang, hốc đá, đợi đêm xuống gã mới dám mò vào các nương rẫy của đồng bào ăn trộm ngô, khoai. Trong nhiều ngày liền, lực lượng Công an huyện Quế Phong liên tục cử các mũi trinh sát lùng sục, đón lõng khắp các ngả rừng nhưng dấu vết của tên trộm trâu vẫn "bóng chim tăm cá".
Khi các ngả ra khỏi rừng đã bịt chặt, trinh sát phán đoán rằng tên Nguyên dù có kiếm được thức ăn thì sớm hay muộn gã cũng phải mò đi tìm nguồn nước. Và quả đúng như vậy. Ngày 17/9/2014, khi Nguyên mò xuống suối lấy nước uống thì bị lực lượng Công an phát hiện. Gã bỏ chạy thục mạng lên đồi. Vòng vây dần siết lại. Biết không thể thoát, Nguyên liền rút rao trong người ra rồi tự cứa vào cổ mình để tự vẫn. Ngay sau đó, gã được các lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quế Phong. Gã thoát chết trong gang tấc...
Vĩ thanh
Mới đây, TAND huyện Quế Phong, Nghệ An đã đưa Lương Văn Nguyên ra xét xử. Đứng trước tòa, lý giải về việc tự tử, Nguyên khai rằng: "Tại vì bị cáo nghĩ nếu bị bắt, sẽ phải đi ở tù cả đời. Như thế thì "mất mặt" với bạn bè, hàng xóm láng giềng, mất mặt với dân bản quá! Với lại, những ngày trốn ở trên rừng, bị cáo thấy mình đã không giúp đỡ được vợ con mà lại còn làm khổ họ, nên bị cáo mới quyết tìm đến cái chết. Chết là hết mà...". Triết lý là vậy, nhưng khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi, "biết xấu hổ với làng xóm, biết nghĩ đến vợ con, sao bị cáo không quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời?" thì gã chỉ im lặng cúi đầu.
Khi được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, Nguyên ngước nhìn HĐXX rồi quay xuống phía hội trường nói với tất cả những người tham dự, đại ý rằng: “Bị cáo biết mình sai rồi. Cũng chỉ vì ma túy mà bị cáo đã đánh mất mọi thứ, trở thành gánh nặng cho gia đình, cho vợ con”. Quả thật, phiên tòa ngày hôm ấy đã có ý nghĩa giáo dục pháp luật vô cùng to lớn, bởi phần đông người tham dự là đồng bào thiểu số. Nhìn vào “tấm gương” Lương Văn Nguyên, họ sẽ bớt đi những sai lầm, nông nổi trong cuộc sống sau này.
Kết thúc phần nghị án, HĐXX tuyên phạt Lương Văn Nguyên 2 năm tù. Gương mặt Nguyên lúc đó lộ rõ vẻ mừng rỡ. Bởi, từ trước tới giờ, lúc nào gã cũng nghĩ mình sẽ phải "ngồi tù suốt đời vì tội trộm trâu". Gã cố ngoái về bốn phía để những mong san sẻ "niềm vui" ấy với người thân, nhưng tịnh không có một ai. Có lẽ, cha mẹ, vợ con gã đã quá mỏi mệt và xấu hổ vì có một người con, người chồng, người cha như gã nên giờ phút này, gã phải chịu cảm giác cô đơn đến tột cùng. Âu đó cũng là cái giá mà một kẻ nghiện ngập, đổ đời vì ma túy như Nguyên phải gánh chịu. Bản án 2 năm tù không phải là quá dài, hy vọng rằng, với chút lương tri còn lại, sau này gã sẽ biết đứng lên làm lại cuộc đời.