Hai tuần nay, các bệnh viện tại Hà Nội liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị đau mắt đỏ, nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng biến chứng nặng.
Vừa điều trị khỏi đau mắt đỏ cho con trai 3 tuổi thì hai vợ chồng chị Hoa (ở Hà Nội) lại bắt đầu có triệu chứng đau mắt đỏ. Chị Hoa cho biết đầu tháng 8, con bắt đầu có biểu hiện đỏ mắt, ra dịch mủ mắt nên đã đưa con đi thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán con bị viêm kết mạc.
"Ở lớp mầm non có 14 bạn thì đến nay đã có 9 bạn bị bệnh. Con phải nghỉ ở nhà 10 ngày mới điều trị khỏi bệnh. Con khỏi thì đến lượt bố mẹ bị đau mắt phải nghỉ làm", chị Hoa nói.
Gặp tình trạng tương tự, chị Hạnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ban đầu chị bị đau mắt đỏ, cũng không rõ nguồn lây từ đâu, nhưng sau chỉ 2-3 ngày, dù cố gắng ít tiếp xúc, cả gia đình 4 người đều đau mắt đỏ. Với người lớn thì nhỏ mắt, cố gắng chịu đựng, chủ động vệ sinh, nhưng với trẻ nhỏ thì các cháu dụi mắt liên tục khiến mắt càng đau nhức, quấy khóc hơn. Sau đó, cả nhà phải đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ .
Còn chị Lan (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bệnh đau mắt đỏ bắt đầu từ bé trai 12 tuổi, sau đó lây cho người em 8 tuổi. Khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, các cháu được chẩn đoán viêm kết mạc cấp. Ban đầu cũng nghĩ bệnh đơn giản, nhưng điều trị khá dai dẳng.
Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương, dịch đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp năm nay diễn biến khá phức tạp, hầu hết đều do virus nhóm Adenovirus gây ra.
Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus. Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lây lan.
Virus nhóm Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây viêm kết mạc hàng đầu, tỷ lệ bệnh lây nhiễm trong gia đình khoảng 10-50%, lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn, bể bơi, thuốc và dụng cụ y tế nhiễm bẩn hoặc cũng có thể qua giọt bắn từ mũi, qua hắt hơi... Bất cứ vật gì mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng. Nhiễm virus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Viêm nặng có thể gây tai biến mù lòa.
Theo báo cáo của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ đầu tháng 8 đến nay, các bệnh viện Trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận hơn 5.000 ca đau mắt đỏ.
Dịch đau mắt đỏ có thể sẽ bùng phát mạnh trong những tuần tiếp theo. Do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa phòng chống dịch đau mắt đỏ. Nếu trong cộng đồng, gia đình có người bị đau mắt đỏ cần tự cách ly để tránh lây lan cho người xung quanh.
Một số lưu ý phòng tránh lây nhiễm trong mùa dịch đau mắt đỏ:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.