Một cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết về việc sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện giá 2.000 đồng. Có ý kiến cho rằng những sinh viên ấy "thiếu tự trọng" và lười biếng.
Sao những sinh viên sức dài vai rộng không đi kiếm việc làm, ăn bữa cơm cho đàng hoàng mà lại tranh giành suất cơm của người nghèo? Mạng xã hội đang tranh cãi xoay quanh câu hỏi ấy.
Sự việc bắt đầu khi anh V.T.A, một chuyên gia về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM, đăng tải bức ảnh các sinh viên đang xếp hàng chờ mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng/suất trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) lên facebook với dòng trạng thái tỏ vẻ bức xúc: “Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp hàng để ăn cơm từ thiện. Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh - các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm. Trong lòng xót xa!...”.
Sinh viên xếp hàng để ăn suất cơm từ thiện 2.000 đồng
Sao lại sững sờ, sao lại xót xa nhỉ? Nếu chỉ đơn giản như câu chuyện của anh A. thì hãy thôi phán xét. Sinh viên không phải ai cũng là "cậu ấm cô chiêu", và cũng đừng vội cho rằng họ lười biếng.
Hãy trông những màu áo xanh phủ khắp các con đường với logo Grab bike, hãy trông những nhân viên bưng bê, phục vụ ở các hàng quán, họ phần lớn đều là sinh viên đi làm thêm cả đấy. Tất tưởi sáng lên lớp, chiều đi làm mục đích cuối cùng là có thêm vài đồng trang trải việc ăn, việc học ở thành phố vốn ngày càng đắt đỏ.
Sinh viên thì lấy đâu ra công việc nhàn hạ để làm trong cái thời người khôn của khó, thủ khoa còn về quê chăn lợn?
Tự trọng là gì? Chẳng lẽ cứ phải can đảm bước vào quán cơm sạch sẽ, tinh tươm mạnh dạn gọi suất ăn 30 ngàn đồng mới là một sinh viên có tự trọng hay sao?
Không phải chỉ có những sinh viên nghèo mà ngay cả những người có hoàn cảnh khá giả hơn một chút cũng không ngoại lệ. Các gia đình cho con đi học bây giờ chỉ trang trải tiền học phí, tiền thuê phòng trọ, tiền tiêu vặt hàng tháng đã được tính toán chi li...vì sợ con tiêu phung phí.
Và có một sự thật không phải ai cũng biết, nhiều sinh viên nghèo xuống thành phố theo học còn có trách nhiệm gửi tiền về cho gia đình chứ đừng nghĩ đến chuyện được gia đình chu cấp.
Tôi từng hỏi chuyện một cậu sinh viên chạy Grab ở Hà Nội. Cậu trai tâm sự, mỗi tháng cậu phải để dành ra khoảng 3 triệu đồng để gửi về nhà cho mẹ nuôi em ăn học và tiền thuốc thang cho bố.
Quê cậu ở Hòa Bình, gia cảnh khó khăn, bố bị tai nạn giao thông nằm liệt giường 5 năm nay, mẹ cậu đi trồng rừng thuê cho một người ở địa phương, dưới cậu còn có 2 em nhỏ đang học cấp 2.
Đối với cậu, gánh nặng mưu sinh đã đè nặng lên đôi vai khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, dè sẻn, chắt bóp từng đồng để lo cho gia đình, cho bản thân. Tôi tin nếu là cậu ấy, dù ai có rao giảng đạo đức gì đi chăng nữa, dù có nói cậu "thiếu tự trọng" thì cậu vẫn cứ xếp hàng để ăn một suất cơm từ thiện.
Đừng đánh giá những sinh viên ấy khi chúng ta mới chỉ nhìn thấy cái vỏ bên ngoài. Hãy cứ để yên cho họ xếp hàng, ăn những suất cơm từ thiện dành cho người nghèo và tiếp thu những kiến thức trên giảng đường.
Tôi luôn có niềm tin rằng, khi ra trường đời và thành công họ sẽ là những người đầu tiên tiếp sức cho các hoạt động xã hội, làm đẹp cho cuộc đời này.
Khi ấy chúng ta hãy phán xét!