Ngày 18/10, một báo cáo mới cảnh báo sinh kế của hơn nửa tỷ người ở Trung Đông và Bắc Phi đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu.
Báo cáo được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm thứ Tư nêu rõ, nhiệt độ trong khu vực Mena (viết tắt của Middle East and North Africa - Trung Đông và Bắc Phi) đang tăng gấp đôi mức trung bình toàn cầu và có thể ảnh hưởng đến 575 triệu người, 70% trong số đó sống ở các nước có thu nhập thấp.
“Thời điểm quyết định” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Báo cáo cho biết, khu vực này đang ở “thời điểm quyết định” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với những cú sốc như lượng mưa bất thường, khan hiếm nước, sa mạc hóa, mực nước ngầm giảm và hạn hán kéo dài có khả năng gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với mọi thứ, từ nông nghiệp đến cách sống của người dân cho đến việc gia tăng di cư.
Báo cáo viết về việc thu hẹp khoảng cách hành động về khí hậu: đẩy nhanh quá trình khử carbon và chuyển đổi năng lượng ở Mena, được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Cop28 được tiến hành ở Dubai.
Các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại UAE từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 để đưa gia giải pháp cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu và đánh giá xem thế giới đang đứng ở đâu trong việc đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris. Theo thỏa thuận năm 2015, các nước đã đồng ý “theo đuổi các nỗ lực” nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng và thay vào đó có thể hướng tới mức nóng lên khoảng 2,5°C. Báo cáo lưu ý hiện tượng nóng lên rõ rệt hơn ở Trung Đông và dự báo mức tăng 4°C. Các kịch bản có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như lượng phát thải trong tương lai và những thay đổi về chính sách.
Kêu gọi hành động khẩn cấp
Báo cáo lưu ý: “Tính cấp bách của tình hình đòi hỏi hành động ngay lập tức ở mọi phương diện bao gồm giảm khí thải và xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu; huy động nỗ lực gắn kết giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế”.
Báo cáo nhấn mạnh lý do vì sao các quốc gia ở Mena tụt hậu so với các khu vực tương đương về mặt mục tiêu bền vững. Trong khi các chính phủ đã cam kết trong 24 tháng qua sẽ đưa 60% lượng khí thải của Mena theo tham vọng về mức 0, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa tuân theo và thu hẹp khoảng cách với các thị trường toàn cầu tương đương.
Báo cáo, được công bố bên lề sự kiện Hội đồng Tương lai Toàn cầu của WEF tại Dubai, mang lại nhiều hy vọng cho tương lai và nêu rõ, bằng cách tăng quy mô năng lượng mặt trời và gió, khu vực này có thể trở thành “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và hydro sạch.
Ông Borge Brende, Chủ tịch WEF cho biết: “Khu vực Mena là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trong thập kỷ qua và có một lộ trình giúp khu vực này dẫn đầu trong các nỗ lực giảm thải bền vững trong khi vẫn duy trì quỹ đạo kinh tế đi lên”.
Ông nói: “Khi thị trường toàn cầu tiếp tục thay đổi và nhu cầu năng lượng tăng lên, khu vực đòi hỏi phải có những hành động táo bạo và phối hợp từ các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp để dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và đáp ứng cả các mục tiêu liên quan đến khí hậu và phát triển”.
Báo cáo được phát triển với sự cộng tác của công ty tư vấn Bain and Company, với sự đóng góp của hơn 40 nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động về khí hậu, lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng và các chuyên gia trong ngành từ khu vực công và tư nhân, những người tạo thành “các nhà lãnh đạo vì Mena bền vững” của diễn đàn. Báo cáo cũng lưu ý tác động đáng kể của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế.
Ước tính từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Swiss Re dự đoán rằng, biến đổi khí hậu có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội ở Mena từ 4% đến 21% vào năm 2050 do thiếu hành động về khí hậu.
Nó cũng cảnh báo khu vực này không phải là một “tảng đá nguyên khối”, với “những khác biệt lớn” tồn tại giữa GCC (gồm sáu quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman) và các lãnh thổ khác trong khu vực.
Báo cáo khuyên rằng, các quốc gia vùng Vịnh nên tập trung vào “các giải pháp dựa trên công nghệ giúp giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực đầy thách thức, tối ưu hóa mức tiêu thụ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và thực hiện thu hồi carbon trên quy mô lớn”.
“Trong khi đó, các quốc gia ngoài vùng Vịnh nên ưu tiên năng lượng giá cả phải chăng, đặc biệt là ở các khu vực thu nhập thấp, bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các dự án tín dụng carbon”.
Báo cáo cũng cho thấy, việc nâng cao kỹ năng trong các công việc xanh sẽ rất quan trọng trên khắp Mena và sự hợp tác lớn hơn về khí hậu có thể tăng cường “đa dạng hóa, xuất khẩu và việc làm” trên toàn bộ khu vực.