Kinh tế

“Siêu” cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có diện mạo ra sao?

Gia Khánh 21/02/2024 11:31

Theo UBND Tp Hồ Chí Minh, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước mà còn là cơ hội đưa khu vực (gồm cả khu Cái Mép Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới?

Trước đó, thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và ngày 23/8/2023, cơ quan này đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.

Ngàỵ 19/12/2023, Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; trong đó có bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Vậy cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ GTVT đang đề xuất có diện mạo và vai trò ra sao đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng Đông Nam bộ nói riêng và ở tầm quốc gia nói chung?

trungchuyen1.jpg
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Nguồn: baodautu.vn

Theo tìm hiểu, mục tiêu mà UBND Tp Hồ Chí Minh đặt ra khi nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là muốn biến nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Tp Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Đáng chú ý, theo đề xuất, công suất dự kiến của cảng đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu. Vị trí xây dựng cảng dự kiến là khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng theo dự báo, UBND Tp Hồ Chí Minh đưa ra định hướng phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với quy mô khá lớn. Cụ thể, về khai thác tàu vận tải container phải có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu). Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7,0km và bến sà lan dự kiến khoảng 2,0km.

Bên cạnh đó, tổng tổng diện tích xây dựng cảng ước tính khoảng 571 ha, trong đó: cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.

Về kế hoạch đầu tư cảng, theo UBND Tp Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong 02 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 02 bến chính/07 bến chính), giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.

Đóng góp cho ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm

Theo tính toán và đánh giá của UBND Tp Hồ Chí Minh, việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp địa phương thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Cùng với đó sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng, và tạo hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Báo cáo Thủ tướng, Tp Hồ Chí Minh cho rằng, khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của Doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Việc đầu tư xây dựng cảng còn tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiếm lớn trên Thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

dsc2204-jpg-9961-1592478466.jpg
Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải- Nguồn: vnexpress.net

Ngoài ra, việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự báo cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển do nhu cầu hình thành các tuyến vận tải gom và phân phối hàng từ cảng trung chuyển, đóng vai trò quan trọng, kích thích sự phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam Bộ.

Đối với quốc gia, theo đánh giá của Tp Hồ Chí Minh, việc xây dựng cảng Cần Giờ sẽ khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian; Biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng hiện hữu, tương hỗ, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4. Cơ hội đưa khu vực này (cả khu Cái Mép Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới; Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm đòn bẩy cho các doanh nghiệp vận tải biến, doanh nghiệp dịch vụ hàng hải (đóng tàu, sửa chữa, dịch vụ khác) trong nước phát triển do nhu cầu hình thành các tuyến vận tải gom và phân phối hàng từ cảng trung chuyển, đóng vai trò quan trọng, kích thích sự phát triến, đối mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics cả nước. Trực tiếp mang lại đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; các loại phí, lệ phí từ tàu vào, rời cảng.

Việc lựa chọn được nhà đầu tư cần được thực hiện một cách cẩn trọng

Theo đề xuất Tp Hồ Chí Minh, một trong những tiêu chí yêu cầu đối với nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư xây dựng cảng là phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Dự án thuộc Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Dự án có quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đấy phát triển ngành dịch vụ hiện tại... Do đó, việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án có hiệu quả, đảm báo đáp ứng các yếu tố về quốc phòng, an ninh cần được thực hiện một cách cẩn trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siêu” cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có diện mạo ra sao?