Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết nội dung trên tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của TAND TP Hà Nội, diễn ra ngày 28/12.
Hà Nội là thành phố có nhiều dự án xây dựng liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên số lượng vụ án hành chính ngày càng gia tăng. Đây là một áp lực lớn đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu trong công tác xét xử án hành chính ở Hà Nội. Theo thống kê, riêng năm 2022, Hà Nội thụ lý hơn 1.000 vụ án hành chính, chiếm trên 10% án hành chính của cả nước. Các khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan tới các Quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Theo Thẩm phán Lại Vĩnh Trung (Chánh Tòa Hành chính, TAND thành phố Hà Nội), việc giải quyết các vụ án hành chính tại thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Đó là là lượng án hành chính tăng quá nhiều, tiếp đó là số lượng biên chế Thẩm phán, thư ký tòa án quá ít. Tại Tòa hiện chỉ có 12 Thẩm phán, 10 thư ký với vụ việc thụ lý hàng năm trên 1.000 vụ việc nên áp lực công việc rất lớn. Mặt khác, việc giải quyết án hành chính cũng gặp khó khăn khi người bị kiện là Chủ tịch UBND các cấp, các cơ quan hành chính… thường rất chậm trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ, cũng như cử người tham gia tố tụng, tham gia đối thoại, hòa giải.
Xác định rõ việc giải quyết đối với án hành chính còn gặp nhiều khó khăn nên TAND thành phố Hà Nội đã đưa nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường công tác đối thoại, chủ động hướng dẫn trao đổi nghiệp vụ với tòa án nhân dân cấp huyện, tổ chức xét xử trực tuyến kết nối với nhiều UBND các cấp. Tuy nhiên do một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, sự phối hợp của một số cơ quan hành chính là người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… khi tham gia tố tụng còn mức độ nên lượng án hành chính còn tồn tương đối nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, TAND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính. Trong đó, chủ động giao hồ sơ hành chính sơ thẩm cho các thẩm phán trung cấp là lãnh đạo Tòa án các quận và các huyện để giải quyết các tranh chấp không cùng địa bàn với Tòa án cấp huyện.
Để tháo gỡ vướng mắc thu thập tài liệu, chứng cứ, Tòa án Hà Nội còn lập tổ công tác đi tạo đầu mối, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình tiến hành tố tụng đối với người bị kiện; giao Thẩm phán tiến hành tố tụng cùng một lúc nhiều vụ án trên cùng địa bàn để phối hợp thu thập chứng cứ và tiến hành tố tụng; chủ động đi cơ sở thu thâp tìa liệu, chứng cứ và lấy lời khai đối với những ngươi cao tuổi, sinh sống xa trụ sở Tòa án…
Đặc biệt, TAND thành phố Hà Nội chú trọng tổ chức các phiên tòa trực tuyến, đối thoại trực tuyến. Qua đó hạn chế số lượng vụ án không tiến hành đối thoại được do người bị kiện xin vắng mặt, nâng cao số lượng vụ án đối thoại thành và chuẩn bị tốt cho phiên tòa trực tuyến. Trên thực tế, việc xét xử trực tuyến không chỉ giúp giảm chi phí vật chất, tiết kiệm thời gian đi lại… mà còn giải quyết nhiều vấn đề “nhạy cảm” khi các cấp chính quyền bị người dân khởi kiện hành chính.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đánh giá cao việc TAND thành phố Hà Nội triển khai xét xử trực tuyến các vụ án hành chính và cho rằng, đây là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính. Trên thực tế, hình thức xét xử trực tuyến giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc trong việc sắp xếp thời gian tham dự phiên tòa; chủ động chuẩn bị tài liệu, hồ sơ để cung cấp thông tin chuẩn xác tại phiên tòa…
Chánh án TANDTC nhấn mạnh trong thời gian tới, để phù hợp với thực tiễn công tác xét xử, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng thành lập các Tòa chuyên biệt, Tòa khu vực để xét xử các vụ án hành chính, tránh bất cập khi để Tòa án địa phương xét xử ngay chính lãnh đạo chính quyền địa phương.