Hiện chưa có xe thang vươn cao đến 30 tầng, tối đa chỉ có xe thang dài 56 mét tương đương chiều cao tòa nhà 18 tầng. Vậy, nếu xảy ra cháy lớn ở những tầng cao chót vót thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Trước thực trạng liên tiếp xảy ra cháy tại các chung cư cao tầng trong thời gian vừa qua như chung cư HH4A (Linh Đàm, Hà Nội), chung cư CT4A, CT4B, CT4C thuộc khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội)…. là tiếng chuông cảnh báo về hỏa hoạn tại các khu chung cư.
Xe thang khổng lồ được trang bị cho Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ có thể vươn tới tầng thứ 18. Ảnh: Zing
Hiện nay, Hà Nội có 4 xe thang trong đó có 2 xe thang 36 mét, 2 xe thang 56 mét (tương đương với chiều cao tòa nhà là 16 – 18 tầng). Mục đích của xe thang trong công tác chữa cháy là đưa chiến sĩ, phương tiện chữa cháy lên cao và cứu hộ trên cao. Hiện nay, lực lượng PCCC chưa có xe thang vươn cao đến 30 tầng.
Câu hỏi đặt ra, nếu xe thang chỉ cao đến 18 tầng thì khi xảy ra cháy ở những tầng cao hơn đó thì công tác chữa cháy sẽ thế nào?. Những người dân sống trên đó ra sao nếu có sự cố về cháy, nổ?
Theo luật quy định, đối với những tòa nhà cao trên tầm như vậy, bắt buộc công trình phải thiết kế hệ thống PCCC tự động, khi có sự cố cháy nổ xảy ra, hệ thống này sẽ tự động dập tắt được đám cháy.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ: "Nhà nước đã ban hành Luật PCCC và các pháp lệnh, nhưng luật vẫn chưa xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về hệ thống báo cháy, hệ thống giám sát mức nước bể chữa cháy, tình trạng thiết bị chữa cháy, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng khẩn cấp, hệ thống thoát khói tự động, điều khiển hệ thống chỉ dẫn cửa thoát hiểm, điều khiển tăng áp tự động cầu thang thoát hiểm... Chính vì vậy việc trang bị hệ thống PCCC và trợ giúp sơ tán phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư".
Trên thực tế hiện nay, các tòa nhà ngày càng cao 30, 40 thậm chí 60 tầng, tuy nhiên quy định về phòng chống cháy nổ thì bất chấp. Đơn giản vì chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán nhà, bán được càng nhiều càng tốt mà quên mất việc trang bị những vật dụng cần thiết cho việc PCCC, hoặc có trang bị theo kiểu đối phó với các đoàn kiểm tra.
Trong khi đó, công tác chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng ở ta vẫn còn nhiều bất cập, xe thang bất lực với những tòa nhà quá cao, giao thông chật hẹp.....chưa kể ý thức của người dân cũng như kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn trong đám cháy gần như không có hoặc nếu có sẽ là hiểu biết rất sơ sài.
Theo lãnh đạo Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội, việc trang bị xe thang 73 mét, để cứu hỏa ở tầng thứ 18 trở lên là không khả thi. Nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở của ta không thể đáp ứng được đối với loại xe rất nặng này, bởi có thể gây sập cầu cống, đứt dây điện, đường cua dành cho loại xe dài này không thuận tiện đối với địa hình đường đông ngõ hẹp.
Xe thang chữa cháy trong vụ cháy CT4A Xa La
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 500 tòa nhà cao trên 10 tầng, được sử dụng làm chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại... Tuy nhiên nhiều hệ thống chữa cháy của tòa nhà không được bảo trì, hệ thống bị hỏng, không hoạt động được, thậm chí những bình bọt cứu hỏa tại từng nhà, có những bình để tới 2-3 năm không sử dụng cũng không được bảo dưỡng định kỳ, điều này sẽ rất nguy hiểm vì nếu sự cố cháy nổ xảy ra, công tác sơ cứu ban đầu hầu như là không có.
Ngoài ra, các chung cư cũng trang bị những vòi nước lưu động xung quanh các tòa nhà, nhưng thực tế cho thấy những vòi nước này cũng không thể sử dụng được khi có sự cố.
Hệ thống điện phụ của các tòa nhà chung cư không hoạt động khi nguồn điện chính bị cắt, chính điều này khiến người dân bị kẹt lại, không thể nhìn thấy đường để chạy đến cửa thoát hiểm khi khói lan tỏa.
Các tòa nhà đang đua nhau về chiều cao, trong khi phương tiện chữa cháy tại chỗ không đạt tiêu chuẩn, nếu xảy ra hỏa hoạn thì chuyện gì sẽ xảy ra. Hẳn nhiên là cực kỳ nguy hiểm.